Nhà hát Thanh Niên sẽ là nơi “chiêu hiền đãi sĩ”

22/10/2022 - 18:14

PNO - Nhà hát Thanh Niên sẽ ra mắt người dân TP.HCM vào giữa tháng 11/2022. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phỏng vấn “ông bầu” sân khấu Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương với hai thương hiệu nhà hát múa rối nước Rồng Vàng và sân khấu kịch IDECAF - về dự án này.

Phóng viên: Vì đâu ông có ý định thành lập Nhà hát Thanh Niên?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: Nhà hát Thanh Niên là sự hợp tác của Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Cả hai cùng gặp nhau ở mục đích chung là hướng đến người trẻ. Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM kỳ vọng có thêm hoạt động văn hóa phong phú tại đơn vị, thu hút lớp khán giả thưởng thức nghệ thuật mới. Còn chúng tôi thì khao khát một điểm diễn mới, vì IDECAF nhỏ quá, không phù hợp các vở diễn quy mô lớn. Tôi cũng muốn tìm một điểm diễn kịch lịch sử thường xuyên phục vụ nhu cầu các trường học. Đặc biệt là tìm lại một sân khấu cho giới trẻ. 

Ông Huỳnh Anh Tuấn - ẢNH: N.L
Ông Huỳnh Anh Tuấn 

* Việc ra mắt nhà hát trong thời điểm sàn diễn sân khấu khủng hoảng hiện nay liệu có mạo hiểm? Điều gì khiến ông tự tin nhà hát mới sẽ thành công?

- Tôi khẳng định nhu cầu giải trí sân khấu ở TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn rất lớn, quan trọng là mình có đáp ứng được nhu cầu của công chúng hay không? Ở nước ngoài, các nhà hát trải đều khắp nơi, phục vụ người dân cả nước. Còn Việt Nam chỉ có TP.HCM và Hà Nội là có hoạt động sân khấu đúng nghĩa, các tỉnh gần như “trắng”. TP.HCM có đến 13-14 triệu dân kể cả khách vãng lai, chẳng lẽ không tìm được 300-400 khán giả/suất diễn hay sao? Nói thật, nếu làm không được thì rất đáng xấu hổ. 

Không riêng sân khấu, muốn có khán giả thì nghệ thuật phải cực kỳ thu hút. Đổi mới đã là tiêu chí sống còn, nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được. Sân khấu IDECAF đã trải qua giai đoạn lao đao, tôi cũng vài lần có ý định “nếu không gồng nổi nữa thì phải buông”, nhưng nỗ lực chung và may mắn đã giúp mình vượt qua và suy tính những chuyện xa hơn. Chúng ta cứ cố gắng làm tốt đi, thử xem mình đã cố hết sức chưa. Lần này cũng vậy, ở nhà hát mới này, chúng tôi hướng nhiều đến việc tìm tòi cái mới, mạnh dạn thử nghiệm nhiều thứ để thăm dò hiệu ứng khán giả, từ đó xác định đường đi nước bước tiếp theo.

Nhà hát Thanh Niên (đặt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) sẽ khai trương vào ngày 12/11, với chương trình “Ấn tượng 25 năm IDECAF” tái diễn năm vở kịch: 12 bà mụ, Tiên Nga, Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê. Mỗi vở kéo dài 8-10 suất diễn.

Hướng đến khán giả trẻ, khán phòng trên lầu (khoảng 300 ghế) sẽ được bán với mức giá ưu đãi 100.000-150.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên

* Điều kiện cơ sở vật chất của một hội trường hơn là một nhà hát của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới để thu hút khán giả không thưa ông?

- Mặt bằng chung, cơ sở vật chất cho sân khấu Việt Nam hiện còn rất nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng đó là hiện thực phải chấp nhận và cố gắng thích ứng thôi, vì có nói nhiều, than phiền lắm thì vẫn vậy. Nhà hát mới, thiết chế văn hóa đúng tầm đâu thể mọc lên một sớm một chiều. Với khán phòng Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, tôi đã đầu tư thêm về âm thanh, ánh sáng, thay lại ghế, cửa vào đảm bảo cách âm… để đáp ứng yêu cầu một khán phòng biểu diễn sân khấu.

Ở đây, chúng tôi hướng đến làm những gì chưa có ở Việt Nam. Như là kể câu chuyện cũ theo cách mới - xu hướng các nước và Hollywood cũng đang tìm về những câu chuyện quen thuộc. Hay đơn giản chỉ là thấy nước ngoài làm cái gì mà mới lạ với sân khấu Việt Nam thì mang về, làm theo kiểu của mình cho phù hợp. Chỉ là cách tranh thủ thuận lợi từ sự chủ động tiên phong ở thị trường trong nước mà thôi.

Vở nhạc kịch Tiên Nga gây tiếng vang những năm gần đây cũng sẽ trở lại với diện mạo mới tại Nhà hát Thanh Niên - ẢNH: N.L
Vở nhạc kịch Tiên Nga gây tiếng vang những năm gần đây cũng sẽ trở lại với diện mạo mới tại Nhà hát Thanh Niên

* Vậy Nhà hát Thanh Niên sẽ có gì?

- Đầu tiên, đây là điểm diễn mở rộng của sân khấu IDECAF. Những vở diễn tiêu biểu và có nhu cầu phát triển lên sân khấu lớn của IDECAF sẽ đưa ra đây. Khán phòng Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có khoảng 700 ghế, ấm cúng hơn rất nhiều so với Nhà hát Bến Thành. Nhiều vở diễn của IDECAF ở Bến Thành bị loãng và thực tế cũng khó thể lấp đầy, nhiều lúc tôi phải cho che lại hàng ghế hai bên cánh để bớt trống trải. Không gian của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM là vừa vặn cho cả khán giả lẫn diễn viên, sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của khán giả cũng bắt nhịp nhanh hơn, thấm hơn.

Quan trọng hơn, đây là một “nhà hát mở” với đủ loại hình, có cải lương, múa rối, nhạc kịch, các hình thức sân khấu truyền thống lẫn hiện đại phục vụ đa dạng nhu cầu khán giả. Và cả sân khấu thiếu nhi sẽ diễn vào sáng cuối tuần.

Vở diễn Bí mật vườn Lệ Chi sẽ có mặt
Vở diễn Bí mật vườn Lệ Chi sẽ "có mặt" tại Nhà hát Thanh Niên

* Ông đã chuẩn bị nguồn lực biểu diễn như thế nào?

- Tất cả nghệ sĩ thân quen của sân khấu IDECAF đều cùng tham gia. Chúng tôi cũng trên tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”, sẵn sàng chào đón những gương mặt trẻ - tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhà sáng tạo trẻ các loại hình sân khấu - phù hợp tiêu chí của mình.

Về kịch mục, chúng tôi đưa năm vở kịch kinh điển của sân khấu IDECAF trở lại với phiên bản mới. Song song đó là chuẩn bị những dự án hoàn toàn mới: vở nhạc kịch mới kết hợp cải lương lấy cảm hứng từ bộ phim Song lang (biên kịch: Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Leon Quang Lê); vở nhạc kịch chuyển thể từ truyện Thằng quỷ nhỏ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dành cho tuổi teen; phục dựng lại nhạc kịch Tin ở hoa hồng và sẽ sử dụng dàn nhạc sống; ngoài ra còn có một vở kịch lịch sử và hai vở cải lương phong cách mới.

* Xin cảm ơn ông!

Ninh Lộc (thực hiện) 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI