Trong khi đó, Nhà hát Kịch TP.HCM (nhà hát) lại gần như không để lại dấu ấn nào đáng kể. Không ít vở diễn chẳng đủ sức kéo khán giả đến rạp.
|
18 tuổi - vở diễn vừa ra mắt của Nhà hát Kịch TP.HCM |
Nhiều đời giám đốc nhà hát luôn than thở rạp Công Nhân quá tệ, khó tổ chức biểu diễn dù trên thực tế, nhiều nhóm tư nhân vẫn thuê rạp Công Nhân để tổ chức các suất diễn.
Một nhà hát công lập, được cấp kinh phí bạc tỷ mỗi năm, sở hữu một điểm diễn là mơ ước của nhiều đơn vị XHH, nhưng hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả trong nhiều năm đã khiến dư luận thắc mắc, người làm nghề bức xúc.
Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (VH-TT) để có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng của nhà hát.
Phóng viên: Những tồn tại của nhà hát không còn là chuyện ngày một ngày hai. Quan điểm của Sở VH-TT trước thực trạng này ra sao?
NSƯT Thanh Thúy: Trong tình hình khó khăn chung của hoạt động sân khấu, nhà hát vẫn có những nỗ lực nhất định để duy trì hoạt động và đảm bảo nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa. Dù vậy, ta vẫn phải nhìn nhận tồn tại của nhà hát, cũng là tình trạng chung của một số đơn vị công lập: thiếu sự đổi mới, năng động trong công tác tổ chức biểu diễn, tiếp cận với nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó cũng có những khó khăn khách quan như thiếu thốn cơ sở vật chất, thu nhập của diễn viên còn thấp so với mức sống ở TP.HCM...
* Khó khăn là chuyện muôn thuở, các sân khấu tư nhân phải tự túc hoàn toàn từ điểm diễn đến kinh phí nhưng vẫn hoạt động tốt. Thậm chí, có nhóm XHH còn phải thuê lại rạp Công Nhân của nhà hát để tổ chức biểu diễn.
- Đúng là nhiều sân khấu XHH, dù khó khăn về điểm diễn, vẫn cố gắng xoay xở. Bức tranh của sân khấu kịch nói thành phố hiện nay chưa phải là bức tranh sáng. Chúng tôi đang từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn chung này. Riêng với nhà hát, Sở VH-TT vừa có cuộc gặp gỡ với ban giám đốc trao đổi những nội dung cụ thể, mang tính đột phá về nhiều mặt. Đã có những tia sáng, những dấu hiệu lạc quan.
Sự lạc quan thể hiện bằng những con số, là những mục tiêu đã đạt được so với kế hoạch được giao và so với cùng kỳ những năm trước. Không thể phủ nhận tâm huyết và lòng yêu nghề của lãnh đạo và tập thể diễn viên, cán bộ, nhân viên nhà hát. Tuy nhiên, đi sâu vào chất lượng của từng vở diễn thì đó lại là một chuyện khác và cần phải bàn thêm.
* Khi hoạt động của các đơn vị XHH được xem là diện mạo của sân khấu kịch TP.HCM, có ý kiến cho rằng, cần xem lại việc duy trì một đơn vị nghệ thuật công lập kém hiệu quả.
- Nhà hát là đơn vị có chức năng xây dựng và tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức kịch nói của nhân dân thành phố, giao lưu văn hóa trong nước và nước ngoài, phù hợp với xu hướng, nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Nam bộ và TP.HCM. Nhà hát thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị, phục vụ khán giả vùng sâu vùng xa trong những ngày lễ, tết…
Theo thiết chế văn hóa cấp thành phố thì nhà hát là đơn vị công lập duy nhất hoạt động ở lĩnh vực kịch nói, có bề dày lịch sử hơn 60 năm và cần được duy trì.
* Nếu vẫn duy trì, nhà hát chắc chắn cần những định hướng, giải pháp cụ thể?
- Những thành tựu của nhà hát trong chặng đường xây dựng và phát triển nhiều năm qua là rất đáng tự hào, nhưng cũng không thể ngủ quên với hào quang của quá khứ. Ban giám đốc nhà hát cần xác định lại vị trí của mình trên bản đồ nghệ thuật thành phố, để biết cần xây dựng, phát triển đơn vị ra sao cho xứng đáng với thương hiệu đã gầy dựng trong hơn 60 năm qua.
Ngoài nhiệm vụ phục vụ, nhà hát cần khai thác mạnh mẽ hoạt động biểu diễn, xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đa dạng, phong phú về đề tài, hình thức thể hiện, xây dựng kế hoạch quảng bá biểu diễn cụ thể.
Để có được những tác phẩm chất lượng, hiệu quả, ngoài việc bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, ban giám đốc nhà hát cần xác định phong cách nghệ thuật nhất quán, kiên trì thực hiện, đồng thời không ngừng đổi mới dàn dựng, tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu nhà hát trong xu thế mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khán giả.
Sở VH-TT TP.HCM cũng đã tổ chức khảo sát thực trạng cơ sở vật chất của nhà hát và đề xuất phương án cải tạo, để có một điểm diễn tốt hơn, nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn cho nhà hát; nhưng yêu cầu thay đổi mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng với nhà hát trong giai đoạn sắp tới chính là từ yếu tố nội lực.
Muốn có đột phá, phải bắt đầu từ ý tưởng. Phải xây dựng những vở diễn phản ánh các vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm; mạnh dạn chạm đến những đề tài, vấn đề gai góc của xã hội hiện nay.
Vở 18 tuổi của đạo diễn Thái Kim Tùng, vừa ra mắt tháng 8/2018, là một trong những nỗ lực “chuyển mình” của nhà hát. Nằm trong dự án Sân khấu học đường, nhà hát sẽ kết nối với một số trường đại học, THPT để đưa vở diễn này vào phục vụ học sinh, sinh viên.
* Nhiều ý kiến cho rằng, các suất diễn phục vụ của những đơn vị nghệ thuật công lập chưa thực sự hiệu quả.
- Hoạt động biểu diễn phục vụ ngoại thành, trường, trại là chủ trương, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa; thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa của nhân dân thành phố ở khu vực trung tâm và ngoại thành.
Sở VH-TT đang xây dựng kế hoạch đổi mới công tác tổ chức các suất diễn ngoại thành. Thay vì dàn trải về số lượng, các suất diễn sẽ theo hướng nâng cao chất lượng. Một số chương trình tổng hợp sẽ tăng cường thêm các nghệ sĩ tên tuổi đang hoạt động nghệ thuật tự do để tăng hiệu quả của buổi diễn.
Ngoài những đơn vị nghệ thuật công lập, các đơn vị XHH cũng sẽ tham gia biểu diễn phục vụ. Việc này đã được thực hiện với các sân khấu XHH như Idecaf, Kịch Hồng Vân… Bên cạnh đó là sự tăng cường phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố trong công tác tổ chức các suất diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn.
* Từ thực trạng của các đơn vị công lập và hiệu quả, chất lượng vở diễn của các sân khấu XHH, có ý kiến cho rằng, thay vì dồn sức đầu tư cho đơn vị công lập, nên chăng chia khoản đầu tư cho XHH?
- Một trong những cách làm của Sở VH-TT nhiều năm nay là đặt hàng suất diễn đối với một số đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, đưa những kịch mục về đề tài lịch sử, đề tài xã hội quan tâm như an toàn giao thông, môi trường… đến với học sinh, sinh viên. Cách này vừa phát huy hiệu quả về công tác giáo dục, vừa nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ công chúng thành phố.
Hiện Sở VH-TT đang nghiên cứu, trao đổi với các ngành liên quan để tham mưu cho lãnh đạo thành phố những giải pháp mang tính đầu tư có chiều sâu, hiệu quả theo tiêu chí công khai, minh bạch, phát huy nguồn lực của các đơn vị XHH, nhằm tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, đa dạng, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố.
* Xin cảm ơn bà.
“Với tầm vóc của nhà hát, không thể bỏ qua công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ sáng tạo. Cần có những biện pháp kích thích, tạo sự cạnh tranh lành mạnh ngay trong chính đội ngũ diễn viên của nhà hát. Đặt hàng những tác phẩm với các vai diễn “đo ni đóng giày”, phù hợp với năng lực từng diễn viên, giúp diễn viên phát huy tài năng và sự sáng tạo để tạo dấu ấn cho riêng mình. Cách làm này vừa giữ diễn viên gắn bó với nhà hát, đồng thời xây dựng được những vở diễn chất lượng, thu hút khán giả”.
NSƯT Thanh Thúy
(Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM)
|
Thảo Vân (thực hiện)