Đây là nội dung vừa được UBND TP.HCM thông qua theo đề xuất của Sở LĐ- TB-XH TP. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) băn khoăn, liệu động thái này có thực sự cần thiết khi các quy định của pháp luật hiện hành đã có, việc niêm yết sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Cơ sở kinh doanh "ái ngại"
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cơ sở hớt tóc, gội đầu Mimosa trên đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết, về nguyên tắc, cơ sở kinh doanh được phép làm những việc pháp luật không cấm. Ai cũng biết cơ sở hớt tóc, gội đầ u nếu có hành vi khiêu dâm, kích dục hoặc không thực hiện đầy đủ điều kiện kinh doanh đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. “Rõ ràng quy định buộc cơ sở kinh doanh phải niêm yết cam kết phòng, chống tệ nạn mại dâm, khiêu dâm, kích dục là thừa, bởi không có tác dụng phòng, chống các tệ nạn trên” - chị Hà nói.
Anh H. (chủ một nhà hàng lớn trên đường Lê Quý Đôn, Q.3) lo lắng: “Từ trước đến nay, chỉ những cơ sở vi phạm sau khi bị xử lý mới phải viết cam kết. Giờ chúng tôi không vi phạm vẫn phải làm cam kết dán trước cơ sở của mình. Nhiều người không hiểu, nghĩ chúng tôi từng vi phạm. Việc này sẽ gây bất lợi cho hình ảnh cơ sở kinh doanh, trong khi chúng tôi không làm gì trái quy định pháp luật”.
Bà Đ.T.Đ. quản lý spa E.P. (đường Lê Văn Sỹ, Q.3) cho rằng việc làm bản cam kết chỉ mang tính hình thức. “Các cơ sở, DN đóng trên địa bàn các quận huyện, họ làm gì, hoạt động như thế nào thì công an khu vực có thể nắm hết cả rồi, quan trọng là có muốn xử lý hay không. Nếu bắt buộc các DN, cơ sở kinh doanh làm bản cam kết, chúng tôi sẵn sàng chấp hành, nhưng bản cam kết này không giải quyết được vấn đề, chỉ một tờ giấy mà hạn chế được tệ nạn mại dâm ư? Tôi không ủng hộ phương án này”, bà Đ. bày tỏ.
|
Một số chủ cơ sở, DN lo lắng, nếu họ không thực hiện có bị xử lý? Anh T. (chủ một cơ sở massage trên đường Mạc Đĩ nh Chi, Q.1) nói: “Chúng tôi luôn răn đe nhân viên không được thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục. Trong các phòng làm việc của nhân viên luôn có dán bảng nội quy tương tự như nội dung bảng cam kết trên. Bởi tất cả mọi sai phạm của nhân viên, chủ cơ sở là người phải chịu trách nhiệm cao nhất”. Theo anh T., anh hoàn toàn có thể làm cam kết nếu cơ quan chức năng yêu cầu, nhưng anh không muốn dán công khai theo quy định. Tuy nhiên, anh lo lắng nếu không thực hiện việc này liệu có bị xử phạt, trong khi pháp luật chưa có quy định về việc này.
Không cam kết, nếu vi phạm sẽ xử lý nặng?
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, hiện trên địa bàn TP có 17.545 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Sáu tháng đầu năm, TP đã kiểm tra 98 lượt, 97 cơ sở có vi phạm về mặt hành chính. Trong 97 cơ sở vi phạm, có 48 cơ sở có những hành vi kích dục, mại dâm tại chỗ.
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến khá phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú hoặc ăn chơi thác loạn tại một số nhà hàng, quán bar, vũ trường. Phổ biến nhất là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: nhà hàng (có tiếp viên nữ ăn mặc hở hang), cà phê đèn mờ; cơ sở hớt tóc, gội đầu; cơ sở chăm sóc sức khỏe như xông hơi, xoa bóp, cạo gió, giác hơi, spa chăm sóc da… Cá biệt, tại một số ít spa có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đã tham mưu với Sở LĐ-TB-XH TP đề nghị UBND TP.HCM cho phép Sở LĐ-TB-XH triển khai mẫu bản cam kết về phòng, chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Ông Quý cho biết, sau khi được UBND TP chấp thuận, ngày 8/7, Sở sẽ tổ chức hội nghị sơ kết về tình hình mại dâm và triển khai mẫu xuống các quận huyện, phường xã, thị trấn để địa phương mời các chủ DN, cơ sở nhận mẫu về ký cam kết. Theo đó, bản cam kết được lập thành ba bản, một bản niêm yết tại phường, một bản tại khu phố và một bản phải niêm yết tại quầy lễ tân của DN.
PV đặt vấn đề nếu DN, các cơ sở không đồng ý làm cam kết thì xử lý thế nào, ông Quý trả lời, DN phải đồng ý, vì đây là bắt buộc, nếu họ không làm thì khi có đoàn kiểm tra đột xuất, cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn.
Theo ông Quý, năm 2013, UBND TP đã có công văn yêu cầu các DN cam kết vấn đề này. Khi đó, chỉ có 75-80% DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, thực hiện nội dung cam kết. Hiện, một số thông tư, nghị định không phù hợp tình hình mới, nên cần bổ sung công văn này. PV nêu băn khoăn, ái ngại của các DN, cơ sở rằng việc làm cam kết chỉ là hình thức, không có ý nghĩa trong việc giải quyết tận gốc vấn đề mại dâm, ông Quý khẳng định: “Họ nói vậy là không đúng, ở đây tôi xin khẳng định rằng chỉ có DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội mới phải làm cam kết”.
Ông Quý giải thích, khi chủ DN ký vào bản cam kết, có nghĩa họ phải nâng cao ý thức tại nơi kinh doanh, phải có trách nhiệm quản lý theo dõi nhân viên. Còn quản lý việc thực hiện cam kết của các DN, cơ sở như thế nào là trách nhiệm của UBND phường, trưởng công an phường, tiếp đó là cấp quận. Để xảy ra tệ nạn mại dâm, trước tiên là trách nhiệm của chủ DN, trách nhiệm của phường, quận. Tiếp đó, là các đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Tuy nhiên, ông Quý thừa nhận vẫn còn kẽ hở: “Hiện nay, tôi thấy còn có chỗ hở là nếu DN, cơ sở cam kết mà không thực hiện thì xử theo luật định, còn những DN không cam kết mà vẫn có tệ nạn mại dâm thì cũng xử theo luật định. Tuy nhiên biện pháp, chế tài ràng buộc các DN này như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ”.
|
Một cơ sở vi phạm bị bắt vào tháng 3/2016 |
Không khả thi
Đại diện lãnh đạo một quận cho rằng, phòng chống tệ nạn xã hội là chủ trương đúng của TP, cần nhiều giải pháp như phải có an ninh cơ sở, giám sát địa phương, tai mắt quần chúng, việc ký cam kết cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện hiệu quả hay không là chuyện khác.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu rõ: Luật DN năm 2014 quy định quyền của DN tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. DN tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh (điều 7).
DN có nghĩa vụ: bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật (điều 8).
Điều 15 pháp lệnh số 10/2003 về phòng, chống mại dâm, quy định trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm: không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm những công việc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách của họ; cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở. Người lao động làm việc tại các cơ sở quy định tại khoản 1 điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
“Như vậy pháp luật đã quy định chặt chẽ và đầy đủ, nếu có phát hiện vi phạm các quy định trên thì dù là DN hay chính quyền cũng phải bị xử lý. Việc ban hành mẫu bản buộc DN cam kết “về phòng, chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục” mang nặng tính hình thức và thừa vì pháp luật đã quy định cụ thể. Điều quan trọng hơn là cơ quan nhà nước và DN căn cứ vào luật để thực hiện”, ông Lễ nói.
Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Trên thực tế, việc buộc các cơ sở kinh doanh nhạy cảm phải làm bản cam kết này chỉ mang tính hình thức và không mấy khả thi, bởi hiện nay vẫn chưa có cơ chế quản lý, giám sát và chế tài cụ thể để buộc các cơ sở kinh doanh này phải thực hiện”.
Quỳnh Mai - Phan Trí