LTS - Bạn còn nhớ cô giáo đầu tiên dạy mình chữ i tờ thời thơ ấu? Bạn luôn nhớ người thầy giáo đặc biệt trong cuộc đời mình? Có người tuy không dạy bạn chữ nào nhưng vẫn là người thầy đúng nghĩa đối với bạn? Ai trong chúng ta cũng có người thầy không thể quên của riêng mình.
Chuyên mục “Thầy tôi” dành để bạn chia sẻ câu chuyện về những thầy cô giáo đáng kính, đã, đang và mãi mãi vun đắp cho bạn, cho chúng ta, cho cộng đồng biết bao điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ câu chuyện hay, đẹp về thầy cô giáo của mình kèm hình ảnh đến hộp thư: online@baophunu.org.vn.
Báo Phụ Nữ
|
Hồi ấy, nhà thầy là một căn phòng nhỏ nằm ngay trên tầng lầu hai của trường PTTH Trưng Vương (Qui Nhơn). Đứng từ cửa sổ, bên chậu hoa quỳnh mà thầy rất yêu quý, nhìn ra biển, có thể thấy hàng phi lao đung đưa, thấy mép bãi cát cong cong sóng của bán đảo Phương Mai và những gợn sóng xanh thẳm. Khuya vắng, nghe được tiếng sóng ì ầm.
|
Thầy Trương Tham |
Thầy thường nói với tôi là thầy với tôi có "chút duyên" riêng. Thấy tôi có chút năng khiếu qua kỳ thi học sinh giỏi lớp chín của tỉnh, lại biết ba má tôi nghèo không kham nổi tốn kém cho tôi đi học xa, thầy đã dành nguyên cả ngày chủ nhật, đáp chuyến xe đò người chen chúc chật như nêm ra tận nhà tôi, một thị trấn hẻo lánh, thuyết phục bằng được ba má tôi cho tôi vào Quy Nhơn học (cả đi lẫn về hết trăm rưỡi cây số, thật là “sư phụ tầm đệ tử nan”).
Sau những chuyện đời buồn riêng, thầy sống độc thân. Không vợ, không con, thầy coi học trò như con, dành cho chúng tôi tất cả sự chăm chút đầy tình mẫu tử. Khi tôi mới vào học, lạ nước lạ cái, ở trọ nhà người cô họ rất chật chội, thầy đến tận nơi xem xét, sắp xếp từng chỗ ăn chốn ngủ, dặn dò cô tôi chăm sóc tôi.
Thậm chí thầy mua cả cho tôi vé xem phim, vé xem ca nhạc để tôi “mở rộng kiến văn”. Cái quan trọng nhất là sách, thầy lại cho mượn từ tủ sách riêng rất phong phú của thầy, thậm chí cho cả tiền để “mượn mua” sách mới. (Tiếng thế, chứ với tình trạng “viêm màng túi” thường xuyên như chúng tôi, ai chả biết thừa là có đứa nào trả nổi bao giờ).
Đời thường, thầy thông cảm bao nhiêu, chăm sóc bao nhiêu, trong học tập thầy lại càng nghiêm khắc, càng “kỷ luật sắt” bấy nhiêu! Tất cả đều phải tuân thủ đúng lịch học, lịch làm bài quy định từng li từng tí. Với một chú bé nhà quê luôn quan niệm văn chương là một cái gì lãng mạn, tùy “thần hứng”, cái chương trình chính xác, khô khốc này xem ra kém hấp dẫn. Thế là tôi bắt đầu “phá cách”: trốn tránh, nộp bài trễ, bài không đúng độ dài yêu cầu, thi thoảng lại chuồn đi chơi với bạn gái. Lúc đầu thầy còn tạm nhân nhượng, nhắc nhở. Tái phạm, trả giá rất đắt.
|
Thầy và các học trò trong đội chuyên văn của trường Trưng Vương - Quy Nhơn |
Thầy mắng tôi - nói không ngoa - quả như tát nước sôi vào mặt. Hoảng quá, sau những buổi “lên dây cót” ác liệt đó, tôi bắt đầu vào nhịp học hành.
Điều cuốn hút tôi chính là nhiệt tình say sưa đối với văn chương nơi thầy. Thầy có sự cảm thụ tài hoa, tinh tế đối với từng rung động nhỏ, vi tế của thơ ca, dù đó là tác phẩm cổ điển hay là những bài thơ hiện đại. Những giờ giảng ở lớp đã thú vị, mà thú vị hơn lại là những buổi “ngoại khóa” bất ngờ khi chúng tôi đến nhà thầy chơi, giúp thầy nấu cơm, xách hộ đôi thùng nước lên cầu thang, hoặc thơ mộng hơn, thầy trò ngồi “phiếm đàm” những giai thoại văn chương kỳ thú bên ấm trà nóng, chờ xem hoa quỳnh nở về đêm. Những câu chuyện tưởng như không đầu, không đuôi về bếp núc văn chương ấy không ngờ lại giúp chúng tôi hình dung được chân dung tác giả một cách sinh động.
Dạy học sinh, thầy không coi “cá mè một lứa” mà luôn nhìn nhận mỗi người như một thế giới riêng biệt, có tâm hồn riêng, cả những thói hư tật xấu ăn sâu vào văn phong vì "văn tức là người”. Những bài văn thành công, thầy giữ lại, đóng vào hồ sơ riêng của từng đứa (thầy có khoảng năm mươi bộ “hồ sơ học sinh giỏi” như thế). Tôi biết thầy sẽ giữ làm tư liệu bài vở cho những học sinh lớp sau tham khảo, học hỏi ở lớp đàn anh đi trước, vì mỗi người đều có một nét độc đáo riêng “những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ”. Hơn nữa, theo lời thầy: “Những bài văn mẫu trong sách rất hay, nhưng nó có thể mua được bằng tiền, còn những bài viết này tôi quý vì nó có mồ hôi nước mắt lao động của các anh chị”. Có lẽ vì vậy, mỗi học sinh ra trường đều luôn lưu giữ một gương mặt sinh động trong trí nhớ của thầy.
Kỳ thi quốc gia năm ấy, người ta ra một cái đề lạ chưa từng thấy: Bình luận bài thơ “Thơ ca” của nhà thơ Đaghétxtan Raxun Gamzatốp.
“…Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé.
Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công.
Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện.
Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng …..”
Tôi chưa bao giờ đọc tác phẩm “Đaghétxtan của tôi” của Raxun Gamzatốp, một cuốn sách còn khá mới lạ đối với thầy trò tỉnh lẻ chúng tôi hồi ấy.
Nhưng tôi đọc từng lời thơ mà nghe như nói về cuộc đời mình, về cuộc đời thầy, rằng vì sao những con người sống còn thiếu gạo, thiếu tiền như chúng tôi lại gặp nhau, rằng cuộc đời vẫn cần những lời thơ lãng mạn mộng mơ, những khát khao vươn lên từ cuộc sống tầm thường. Đó chính là sự quan tâm đến nhau giữa cuộc đời, là tình thương thật sự giữa người và người.
Tôi nhớ đến những giọt mồ hôi của mẹ cha rơi giữa luống cày, đến người thầy đã lặn lội đường xa chỉ với một khát khao giúp cho một chú bé nhà quê có chút tia sáng văn chương thành người hữu dụng. Nhớ đến rưng rưng những buổi thầy dạy tôi cái đẹp thơ ca giữa lúc trông chừng nồi canh rau cho bữa cơm chiều…Và tôi đã viết như lên đồng về chức năng của thơ ca, về tình người trong văn chương, trong cuộc đời mà thầy đã giúp tôi hiểu được.
Năm đó, tôi được giải ba toàn quốc. Mừng được giải, nhưng cái tôi thấm thía nhất là câu nói của thầy trong bữa cơm thân mật “mừng chiến thắng”: “Thầy mừng nhất là các anh, chị đã học được cách vượt qua chính mình. Có thể, sau này mới đứng vững trong cuộc đời”.
Hơn hai mươi năm rời quê hương đi lập nghiệp, tôi quen với nhịp sống phương Nam quanh năm tất bật, những kỷ niệm về thầy, về thời gian khổ đầy yêu thương ấy như đã lùi xa. Bỗng cuối năm 2012, tôi nhận được tin dữ từ người bạn cũ: thầy đã ra đi sau một cơn bạo bệnh bất ngờ. Vội đón chuyến tàu đêm về Quy Nhơn đưa tang, cùng nhiều anh chị các khóa đã học thầy, tôi thắt lên đầu chiếc khăn tang trắng, để tang thầy như người cha thứ hai của mình.
Hòa vào đoàn người kéo dài cả vài cây số từ bệnh viện đa khoa tỉnh lên nghĩa trang Phật giáo để tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng, lòng tôi rối bời bao cảm xúc. Tôi nhớ day dứt những lời thầy dạy buổi đầu đến nhà tôi, rằng học hành không thiếu cũng chẳng dư, rằng biết đủ là đủ, cái cần nhất là hãy vượt qua chính mình và mở lòng ra với mọi người, còn cơm áo công danh ở đời, cần đấy, nhưng lắm lúc cũng như mây bay gió tản.
Suốt năm mươi năm đi dạy, thầy đã chắt chiu tìm nhặt lấy từng mầm non năng khiếu ở khắp trong Nam ngoài Bắc, để ươm trồng, để hy vọng, để bắc chiếc cầu cho đám trẻ vào đời.
Thầy ơi!Thầy đã ra đi, nhưng hương hoa quỳnh mong manh sương khói văn chương ấy, thầy đã phả vào tâm hồn của biết bao lứa học trò, để chúng con mang đi theo suốt cõi nhân gian này.
Nguyễn Thanh Tùng