Có mẹ, có chị nâng niu ước mơ
Thập niên 50 của thế kỷ trước, cha cô Quế là ông Trần Công Khuyên, một cán bộ cách mạng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Bắc. Mẹ cô Quế là bà Nguyễn Thị Thảo - chiến sĩ tình báo vừa lo công chuyện hậu phương, vừa tham gia công tác thông tin, liên lạc cho cán bộ cách mạng nằm vùng tại miền quê bán sơn địa thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).
Cứ vài tháng bà Thảo lại bị giặc bắt giam, tra khảo một lần. Mấy anh chị em cô Quế lúc đó chẳng khác nào trẻ mồ côi, phải tự cưu mang, dìu dắt nhau để học hành và sống sót.
Cô Quế kể: “Bà nội chúng tôi bị mù suốt 14 năm, không thể tự túc sinh hoạt, mẹ tôi vừa chăm mẹ chồng vừa vào tù ra tội, nên hầu như mọi việc lớn bé trong nhà mẹ đều giao lại cho chị Như. Nhiều người làng lúc đó khuyên mẹ cho tôi nghỉ học, nhưng mẹ và chị tôi không đồng ý. Biết tôi ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ, chị Như gánh hết vất vả về mình, chị vừa làm cha, vừa làm mẹ, chăm sóc tôi và các em. Mỗi ngày chị dậy từ 3 giờ sáng để cơm đùm gạo nắm cho tôi đi học. Thời gian rảnh ở nhà, chị lại phụ mẹ tìm rau, mót củi, trồng trọt và nuôi thêm gà, heo để mưu sinh”.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, năm 1965, cô Trần Thị Quế thuộc diện hạt giống đỏ - là con em cán bộ cách mạng của địa phương - nên được tuyển vào Trường trung học Nguyễn Văn Trỗi, học lên cấp II. Để tránh sự nhòm ngó của giặc, trường đóng chân trong một khu rừng biên giới giáp Lào của huyện A Lưới, thuộc Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên.
Một năm sau, khu rừng bị giặc Mỹ rải bom đốt trụi khiến trường bị lộ, toàn bộ học sinh và cô thầy trong trường phải hành quân ra Bắc.
“Đó là chuyến đi kéo dài hơn ba tháng trời. Chúng tôi phải băng rừng, vượt núi trong điều kiện vô cùng kham khổ về cái ăn, cái mặc, thuốc men, y tế. Từ 100 em lúc khởi hành, khi đoàn đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì quân số chỉ còn 18 cháu.
|
Cô sinh viên Trần Thị Quế (ngồi) tại Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội |
Nhiều bạn học của tôi đã bỏ cuộc, bỏ mạng trong chuyến đi sinh tử ấy. Tôi đã phải bám vào vai thầy giáo để vượt sông Bến Hải trong đêm, khi pháo sáng của giặc liên tục lòe chớp trên đầu”, cô Quế hồi tưởng.
Đến năm 1967, khi ra đến Ninh Bình, cô Trần Thị Quế trở thành học sinh đoạt giải cao nhất trong cuộc thi môn văn cấp tỉnh.
Cô kể: “Trong buổi chào cờ ngay sau hôm nhận giải, tôi được thầy hiệu trưởng mời lên nói chuyện trước toàn trường. Trong không khí trang nghiêm, đầy trân trọng ấy, một lần nữa ước mơ được trở thành một cô giáo dạy văn lại sôi trào trong tôi. Chính ghi nhận và sự tiếp lửa của thầy cô và bạn bè vào ngày hôm ấy đã mang đến cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt, thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng, vượt qua nhiều cuộc “trường chinh” khác trong hành trình đi tìm con chữ sau này. Năm 1972, thi đỗ vào Trường đại học sư phạm 1 Hà Nội, tôi thật sự đã chạm vào ước mơ của mình”.
Không có học sinh hư
Năm 1976, tốt nghiệp Trường đại học sư phạm 1 Hà Nội, cô sinh viên Trần Thị Quế được ngành giáo dục phân công về nhận nhiệm vụ tại Bình Trị Thiên. Kể từ đó, cô Quế có hơn 30 năm gắn bó, miệt mài đưa đò nhiều thế hệ học trò dưới mái trường Quốc học Huế.
“Trong hơn ba thập kỷ giảng dạy, lớp học để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất không phải là những lớp chuyên, chọn luôn dẫn đầu thi đua của trường, mà là lớp 10C khóa 1990 - 1993. Đây là lớp học có nhiều học sinh cá biệt, ngỗ nghịch đến mức thầy hiệu trưởng Đặng Xuân Trường đã cho tôi một tuần suy nghĩ trước khi nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp này.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm suy nghĩ tôi đã đồng ý cận kề, làm bạn với các em. Với tôi, không có học sinh ngoan, học sinh hư. Khi các em ngỗ ngược nhất, thì giáo viên không được dùng quyền lực để áp đặt với các em”.
Với suy nghĩ mỗi học sinh đều là một tờ giấy trắng, người thầy phải biết tạo ra khoảng lặng để kéo giãn căng thẳng, cảm hóa ngỗ nghịch, cô giáo Trần Thị Quế dành hết tâm sức để vẽ nên những bức tranh đẹp nhất. Học trò của cô, từ những thế hệ đầu tiên cho đến sau này có rất nhiều người thành đạt, như cô từng chia sẻ:
Làm nghề nhà giáo thanh cao
Ba hai năm ấy biết bao nhiêu tình
Bấy nhiêu thế hệ học sinh
Từ Trường Quốc học trưởng thành bay cao
Nhà văn, nhà báo, ngoại giao
Giáo sư, tiến sĩ nghề nào cũng thông
Một mình lên thác xuống ghềnh
Hơn ba thập kỷ theo đuổi sự nghiệp “trồng người”, cô Trần Thị Quế luôn được trò yêu, đồng nghiệp quý mến, thế nhưng chỉ những bạn bè thân cận nhất mới hiểu được nỗi cực nhọc của cô sau khi rời bục giảng.
Trong lời tự bạch của tập thơ Nắng hoàng hôn, cô đã khái lược một vài dòng về quãng đời vừa làm thầy vừa làm mẹ, làm cha đầy vất vả của mình: “Bốn năm sau khi nhận công tác, cuộc sống gia đình đang diễn ra tốt đẹp thì bỗng nhiên “người ấy” rời tổ ấm ra đi, để lại cho tôi hai đứa trẻ. Bé trai mới chập chững biết đi, bé gái mới ra đời còn đỏ hỏn. Cuộc đời lên thác xuống ghềnh bắt đầu từ đó”.
Trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, đồng lương giáo viên ít ỏi, để có đủ tiền nuôi con, cô giáo Trần Thị Quế nhận thêm tất cả những việc có thể làm.
Cô kể: “Hồi đó, cứ sáng tôi đi dạy, chiều về ở trong khu tập thể chật hẹp, tôi nuôi vịt nuôi gà, tối đến lại bóc lạc, nhận sản phẩm may gia công tại nhà. Tôi làm si-rô, chở nước đá, nhận quét trường thuê… Nghe ở đâu có nghề mới, tôi cũng sắp xếp đi học. Học rồi làm, làm thành thạo lại đi dạy cho người khác để kiếm thêm đôi ba đồng học phí phụ tiền ăn uống, thuốc men cho con. Ngày nào tôi cũng chỉ ngủ được 3, 4 tiếng, quần quật liên tục trong mấy chục năm trời để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.
Tuy khổ cực, bản thân không có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng cô luôn bên cạnh, kèm cặp các con rất kỹ. Tối nào đến giờ là ngồi vào ôn bài, hết giờ học là đi ngủ. Cô dạy con trai sự dứt khoát rõ ràng, với con gái cô rèn cho con sự gọn gàng, dịu dàng, ý tứ. Từ chuyện học hành, sức khỏe lúc các con còn nhỏ, đến lúc trưởng thành, đỗ đạt, dựng vợ gả chồng đều một tay cô xoay xở, lo liệu.
Hiện tại, các con của cô Trần Thị Quế đều đã có gia đình riêng. Và điều đặc biệt là cả con gái, con trai, con dâu, con rể đều theo nghiệp giáo viên, ngày ngày nối tiếp chân mẹ cần mẫn cày xới trên mảnh ruộng “trồng người”.
|
Cô Quế (bên trái, mắt kiếng trắng, đội mũ) vui tuổi già cùng bạn bè |
Bình minh đang đến…
Khi nghe tôi hỏi về niềm vui hiện tại, người nữ cựu giáo viên đã mượn ý của câu thơ Đêm chợt vỡ bình minh đang dần đến để trả lời. Cô nói: “Tất cả những thăng trầm, cay đắng đã qua rồi. Và, mọi quả ngọt đều xuất phát từ bộ rễ sâu. Từ những đổ vỡ trong gia đình, đến cạnh tranh ngoài xã hội đều không đánh gục được tôi. Với tôi bây giờ, sự trưởng thành của các con, các cháu là nguồn tự hào, động viên lớn. Cả tôi và các con đều theo nghề giáo nên gia đình càng có sự gắn bó, sum vầy. Những trải nghiệm nghề của tôi ngày xưa bây giờ trở thành vốn liếng để tôi truyền lại cho các con”.
Ở tuổi 70, cô Trần Thị Quế tham gia sinh hoạt trong nhiều câu lạc bộ hội người cao tuổi tại địa phương. Không những luôn đi đầu trong các phong trào văn nghệ, văn hóa, thể thao, cô còn hướng dẫn, vận động bạn bè cùng lứa tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Mỗi ngày trôi qua, cô đều viết văn, làm thơ. Những vần thơ đẹp nhất, cô dành cho gia đình và trường lớp. Hằng năm, cứ đến ngày 20/11 cô lại nhớ lớp, nhớ học trò quay quắt, cô viết:
Dẫu thời gian nhạt má hường
Giã từ bục giảng mà thương nhớ hoài
Thầy cô dạy chữ, dạy người
Học trò thành đạt, suốt đời tri ân
Tháng năm, năm tháng xa dần
Chỉ còn đọng lại chữ tâm dâng đời.
Diệu Thông