LTS - Bạn còn nhớ cô giáo đầu tiên dạy mình chữ i tờ thời thơ ấu? Bạn luôn nhớ người thầy giáo đặc biệt trong cuộc đời mình? Có người tuy không dạy bạn chữ nào nhưng vẫn là người thầy đúng nghĩa đối với bạn? Ai trong chúng ta cũng có người thầy không thể quên của riêng mình.
Chuyên mục “Thầy tôi” dành để bạn chia sẻ câu chuyện về những thầy cô giáo đáng kính, đã, đang và mãi mãi vun đắp cho bạn, cho chúng ta, cho cộng đồng biết bao điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ câu chuyện hay, đẹp về thầy cô giáo của mình kèm hình ảnh đến hộp thư: online@baophunu.org.vn.
Báo Phụ Nữ
|
Vào Facebook của thầy Đào Phú Hùng, cảm nhận đầu tiên của tôi là được nhìn ngắm một cuộc sống tươi tắn, vui nhộn. Chủ nhà đam mê trồng tỉa cây cảnh, thưởng thức tiếng chim hót, ngắm trăng, cà phê với bạn đồng nghiệp, rong chơi với bạn văn nghệ sĩ, ca hát trong những cuộc giao lưu, trò chuyện thân tình với học trò cũ… những sắc màu đó đã đẩy lùi tuổi già và bệnh tật chỉ còn thấy hình ảnh một “cán bộ hưu trí” lãng mạn, năng động và vui tươi.
|
Thầy Đào Phú Hùng |
Cứ tưởng những hoạt động đầy chất nghệ này là của một ông giáo dạy văn, nhưng lại của thầy dạy toán. Hóa ra, toán không làm con người khô khan. Lòng người cũng không bị đón khung cứng nhắc với những con số. Nhìn thầy, tôi còn dám đưa ra kết luận: Học toán, dạy toán làm con người trẻ lâu.
Thực tế, thầy học toán, say mê toán, nhưng từ những năm học phổ thông ở Hà nội, thầy được học văn với các thầy cô nổi tiếng, nên cái đẹp, cái mềm mại của văn đã “nhiễm” vào tâm hồn thầy một cách tự nhiên và được thể hiện ra cũng tự nhiên qua cách thầy nói trên bục giảng, thầy hát trên sân khấu, thầy trò chuyện…
|
Thầy Hùng và những cuộc vui cùng bạn bè |
Năm 1982, chưa đến tuổi 30, đang là tổ trưởng bộ môn toán của trường PTTH Trưng Vương – Quy nhơn, thầy được ban giám hiệu giao cho một nhiệm vụ mới: lập các đội tuyển học sinh giỏi các môn Văn, toán, lý và anh văn. Vốn thích “tạo ra” những gì chưa có, thầy hăm hở vào cuộc, vượt qua nhiều điều không thể.
Thầy chú ý đến nguồn học sinh giỏi từ các trường cấp 2, được tuyển thẳng vào cấp 3, những em thi chuyển cấp điểm cao. Cùng với việc gom hết “bọn giỏi” vào một lớp, tên là lớp 10 C, thầy mời thầy cô giỏi, tâm huyết để phụ trách các đội. Sau một năm, sự tận tình của các thầy cô, cùng với các bài thi kiểm tra khá thường xuyên đã sàng lọc và đưa ra con số học sinh chính thức của các đội tuyển.
Thầy Hùng phụ trách đội toán. Thời đó, ở một trường cấp 3 nhỏ trong một thị xã nhỏ, nguồn tài liệu để giảng dạy cho các em học sinh giỏi rất khan hiếm. Để các em tiếp cận với kiến thức tầm quốc gia, quốc tế, thầy phải “ngoại giao” với các trường lớn trong cả nước để trao đổi, nhưng chủ yếu là mượn về rồi thầy trò cùng chép tay, trả lại đúng hẹn.
Thầy soạn một bài giảng cho đội toán bằng thầy soạn 10 bài cho lớp thường, bởi các bạn học sinh giỏi tiếp thu nhanh, và cũng chịu khó lùng sục, tìm tòi tiếp cận với kiến thức. Bài tập cho đội toán, Thầy phải “sáng tác” chứ không bê từ trong sách ra, độ khó phải được nâng lên. Từ khi phụ trách đội tuyển, đêm nào thầy cũng thức đến khuya soạn bài, và đến bây giờ về hưu rồi, thói quen ấy vẫn còn, bởi nghiệp đưa đò vẫn chưa dứt hẳn.
|
Thầy Đào Phú Hùng, nguyên hiệu trưởng trường Trưng Vương và các em học sinh trong ngày lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. |
Hồi đó, tôi được tuyển vào đội văn, hầu như ngày nào cũng phải viết ra một bài bình luận, cảm tưởng… vì thế, học toán đối với tôi trở nên vất vả. Nhưng thầy Hùng không để cho bọn văn phải “sống dở, chết dở” khi chung lớp với bọn toán. Thầy chia bảng làm đôi, một nửa cho đội toán tranh nhau giải những bài cao siêu, nửa còn lại cho bọn chuyên các môn khác, làm bài tập vừa sức của mình. Bây giờ, thầy kể lại chi tiết này, chứ tôi quên rồi, chỉ nhớ đến giờ toán là mong hết giờ.
Nhưng tôi lại nhớ mãi một kỷ niệm với thầy. Năm lớp 10, tôi bị gãy tay, nên không thể tham dự cuộc thi học sinh giỏi văn năm đó, nhưng điều tôi lo hơn là nghỉ ở nhà 1 tuần sẽ không theo kịp các bạn trong lớp nhất là các môn tự nhiên. Ngày đầu tiên, tôi mang cái tay bó bột đến lớp thảm hại ghê lắm. Đến giờ ra chơi, các bạn ra ngoài, còn lại một mình, tôi lên bàn giáo viên ngồi. Thầy Hùng đạp xe từ cổng trường vào, ngang qua lớp, trông thấy tôi, thầy dừng lại ngay, bước vào hỏi thăm.
Gần 40 năm rồi, tôi còn nhớ thầy hỏi câu “Em có đau lắm không?”. Thầy đi rồi, tôi mới biết mình đang khóc. Lúc tay bị gãy chưa bó bột đau lắm chứ mà tôi đâu có khóc. Nước mắt chỉ dành cho những ân tình mà mình bất ngờ nhận được. Cũng từ thăm hỏi của thầy, biết thầy quý mình, mà tôi học toán cũng khá hơn. Từ chuyện này, tôi rút ra một bài kỹ năng sống, rằng quan tâm đến người khác đúng nơi, đúng lúc chẳng bao giờ là điều bé mọn, nhỏ nhặt. Có duyên mới gặp nhau, nhưng sống có tình, sống thật tình thì mới giữ được chữ duyên.
|
Thầy Hùng và học trò Lê Đức Tuấn, đội tuyển toán 82-85. Tuấn từ Đức về thăm thầy. |
Thầy có một trí nhớ tuyệt vời, hầu như thầy nhớ hết tên từng đứa đã từng học với thầy, kèm theo đặc điểm của mỗi bạn. Học trò cũ ở xa về, bao nhiêu năm gặp lại, không cần hỏi câu “Thầy có nhớ em không”, không cần giới thiệu tên gì….mà còn được thầy kể chuyện hồi xưa cho nghe. Tôi học văn, mà gặp thầy vẫn cảm thấy là học trò của thầy, thân thiết với thầy chẳng kém các bạn học toán.
Thời trẻ thầy dốc sức trồng người, về hưu thầy vui thú trồng cây. Đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp và học trò của thầy khi họ đến nhà thầy chơi.
Thầy không ép học sinh học nhiều “Phải để cho các em còn thời gian để sống, để chơi và yêu…linh tinh chứ!”. Cả đời, tiếp xúc nhiều nhất với đối tượng học trò, thầy có kinh nghiệm: “Học giỏi không phải là yếu tố quyết định để tạo ra một con người sống tử tế và tình cảm. Dường như sống trong một cuộc đời bị va đập nhiều, từng trải nhiều, hiểu biết nhiều…con người mới đủ lòng trắc ẩn dành cho nhau và trao cho nhau những chân tình.
|
Với thầy Đào Phú Hùng, sống là phải vui và hạnh phúc. |
Tốt nghiệp cấp 3, tôi xa hẳn ngôi trường cấp 3 Trưng Vương vào Sài gòn lập nghiệp. Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, tôi trở về, thầy đã về hưu sau khi hoàn thành nhiệm vụ Hiệu trưởng, cũng là sau 40 năm thầy gắn bó với phấn trắng, bảng đen. Giờ gặp thầy, lúc nào cũng nhận thấy rõ ràng một điều, thầy đang sống rất vui, và đang lây lan cái vui sang người khác.
Thầy vẫn thích “tạo ra” những cái mới. Vì thế, thầy say sưa chọn cây, chọn chim để tham gia các hoạt động của hội Sinh vật cảnh. Thầy nhận ra rằng chọn chim cũng giống như chọn học sinh giỏi. Phải nhìn ra tiềm năng của nó và biết cách biến những khả năng của chúng thành tài năng.
Trường Sơn