Nhà giáo chịu nhiều áp lực, nhưng thu nhập chưa tương xứng

03/04/2024 - 11:11

PNO - Theo tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, hệ thống pháp luật về nhà giáo còn tản mạn, thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng chính sách cho nhà giáo gặp nhiều khó khăn.

Sáng 3/4, tại Tọa đàm pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - Phó trưởng ban phụ trách Ban thanh tra - Pháp chế, Đại học quốc gia TPHCM - nhận định, xã hội đặt trên vai nhà giáo nhiều sứ mệnh nhưng quyền và phúc lợi họ được hưởng chưa tương xứng. "Mức thu nhập, mức lương như vậy thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao quá mức ở nhà giáo" - bà Dung nói.

 TIến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - Ảnh: Nguyễn Loan
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung nhận định các quy định về nhà giáo hiện còn tản mạn, chưa thống nhất - Ảnh: Nguyễn Loan

Hiện cả nước có hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia. Biên chế của ngành giáo dục chiếm khoảng 43% tổng biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của cả nước. Trong quỹ lương khối sự nghiệp của cả nước, ngành giáo dục cũng chiếm hơn 70%.

Như vậy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đảm bảo cho 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên được học tập trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo đang chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau như Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Mỗi văn bản luật này đều có quy định về nhà giáo nhưng chưa cụ thể, chưa phản ánh rõ tính chất và yêu cầu nghề nghiệp của nhà giáo. Nhiều văn bản xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

Chính vì hệ thống pháp luật về nhà giáo còn tản mạn, một số văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa rõ và thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng chính sách cho nhà giáo gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (ví dụ, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), mức lương cơ sở còn thấp.

Hơn nữa, vấn đề cải cách chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết số 27- NQ/CP, dự kiến sẽ áp dụng một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức, đồng thời bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo, điều này chắc chắn dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Ngoài ra, việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo và bồi dưỡng viên chức vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc trên thực tế.

Trước những thực trạng nêu trên, ngày 7/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 5 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI