Nhà giá rẻ… không rẻ
Theo Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP.HCM (Horea), từ đầu năm đến nay, thị trường nhà ở thương mại TP.HCM có hơn 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với khoảng 16.506 căn gồm: 14.754 căn hộ chung cư và 1.752 căn nhà ở thấp tầng. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp có 5.164 căn; căn hộ trung cấp: 5.136 căn; căn hộ bình dân: 6.206 căn.
Như vậy, phân khúc căn hộ bình dân vẫn chiếm số lượng cao nhất. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường BĐS hiện nay, rất khó để tìm được một căn hộ bình dân đúng nghĩa. Nếu như cách nay khoảng một năm, tại các quận 8, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân... hầu hết giá bán căn hộ chung cư đều dưới 1 tỷ đồng/căn thì nay các dự án này rất hiếm hoi. Phần lớn dự án đều bán với giá cao hơn nhiều.
|
Giấc mơ có nhà ngày càng xa tầm với người thu nhập thấp |
Dự án Chương Dương Home tại Q.Thủ Đức (Công ty cổ phần Chương Dương làm chủ đầu tư) lâu nay được biết đến dành cho người thu nhập thấp với giá chỉ khoảng 600 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, trong vai khách hàng, chúng tôi được nhân viên ở đây cho biết, dự án đã “cháy” hàng từ lâu.
Tương tự, tại Q.9, nơi trước đây người thu nhập thấp có nhiều lựa chọn căn hộ giá bình dân, nay trở nên khan hiếm. Hiện, dự án Fuji Residence (P.Phước Long B, do Tập đoàn Nam Long đầu tư) và dự án Him Lam Phú An (P.Phước Long A, do Him Lam Land đầu tư) giá bán đã được đẩy lên gần 2 tỷ đồng/căn.
Ở khu vực phía tây TP, dự án giá rẻ cũng ngày càng khan hiếm. Ngoài các dự án như Green Town (Q.Bình Tân, Công ty TNHH IDE đầu tư); Heaven Riverview (Q.8, Công ty TNHH đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà An Phúc đầu tư) có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn. Hầu hết các dự án còn lại đều đã đẩy giá lên rất cao. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án có giá bán còn “mềm”, thực tế đều là dự án đã tung hàng ra thị trường từ cách nay khoảng nửa năm.
|
Green Town, một dự án có giá bán còn thấp ở Q.Bình Tân, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện dự án cũng không còn nhiều hàng |
Thậm chí, tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh trước đây giá bán căn hộ chỉ dao động ở mức khoảng 600 - 700 triệu đồng/căn, nay đã đẩy lên hàng tỷ đồng. Dự án Mizuki Park (H.Bình Chánh) có tổng diện tích khoảng 26 hecta do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư, trước đây được hứa hẹn sẽ tạo thuận lợi cho người thu nhập thấp, nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Vừa qua, chủ đầu tư tiết lộ dòng sản phẩm căn hộ Flora của dự án sẽ có giá từ khoảng 21,5 triệu đồng/m2. Tính ra các căn hộ sẽ có giá bán trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn.
“Vợ chồng tôi dạy học ở Bình Chánh, tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng. Trừ tiền học của con, chi phí gia đình, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng. Gần 10 năm qua, chúng tôi tiết kiệm được khoảng 600 triệu, định mua một căn hộ khoảng 1 tỷ đồng nhưng gần hai tháng qua, chúng tôi không tìm được căn hộ nào có giá này, phần lớn giá thấp nhất đều ở mức khoảng 1,3 tỷ đồng/căn. Nếu vay ngân hàng mua nhà, tính ra vợ chồng tôi phải trả trong khoảng 20 năm mới hết nợ” - chị Trần Thị Thủy than.
Cần hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở
Theo ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và quản lý BĐS Trường Phát, nguyên nhân của việc tăng giá là do giá đất, vật liệu xây dựng... ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, khi thị trường tốt, doanh nghiệp luôn kỳ vọng lợi nhuận cao, nên thường bung hàng giá cao hơn. Nếu so với cách nay khoảng một - hai năm, căn hộ giá rẻ được ngầm hiểu có giá bán dưới 1 tỷ đồng/căn thì nay đã được thay bằng mức giá mới từ khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng/căn.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM, các doanh nghiệp đều biết rõ nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp vì lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với phân khúc căn hộ bình dân. Vì vậy, khi thị trường tốt, chủ đầu tư sẽ chuyển sang đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp.
Theo Horea, nhìn toàn cục thị trường BĐS hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện đã có tình trạng lệnh pha cung - cầu. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đang tiếp tục đổ vào thị trường BĐS, nhưng có xu hướng lệch về phân khúc BĐS cao cấp và nghỉ dưỡng.
Để giải quyết tình trạng mất cân bằng trên thị trường BĐS hiện nay, theo Horea, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách tái cân bằng thị trường thông qua các chính sách hỗ trợ cho phân khúc nhà giá rẻ.
Cụ thể, Luật Đất đai chưa thật sự khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở giá rẻ. Chẳng hạn, hiện nay, nhiều dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại cùng thực hiện phân khúc nhà cho thuê có giá cho thuê bằng nhau nhưng chính sách hỗ trợ khác nhau. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ như: tạm hoãn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, gói vay ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ tung ra thị trường năm 2013 đã giúp thị trường BĐS phát triển tốt. Tuy nhiên, khi gói tín dụng này kết thúc vào cuối năm 2016, đến nay vẫn chưa có gói hỗ trợ nào được tung ra.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mức vay ưu đãi cho người vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm, nhưng đến nay chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV để triển khai thực hiện chính sách này.
Hỗ trợ vốn vay cho người thu nhập thấp là kéo doanh nghiệp quay về đầu tư nhà giá rẻ
Không chỉ hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay cho người mua nhà ở giá rẻ. Cụ thể, có thể hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người mua nhà ở dưới 1 tỷ đối với căn hộ đầu tiên. Việc này không chỉ giúp người có nhu cầu nhà ở mua được nhà mà còn kéo doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàng - chuyên gia BĐS
|
Phan Trí