Nhà dưỡng lão cho người trẻ

14/08/2024 - 06:05

PNO - Nhà dưỡng lão giờ đây không còn chỉ dành riêng cho người già. Nhiều người trẻ ở độ tuổi 20-30 cảm thấy mình kiệt sức đã đến nhà dưỡng lão trú ngụ để lấy lại cân bằng.

"Nghỉ hưu tạm thời"

Những bạn trẻ tại làng hưu trí thanh niên Guanye tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cùng người dân địa phương  - Nguồn ảnh: Làng hưu trí thanh niên Guanye/CNA
Những bạn trẻ tại làng hưu trí thanh niên Guanye tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cùng người dân địa phương - Nguồn ảnh: Làng hưu trí thanh niên Guanye/CNA

Bình minh ló dạng, sưởi ấm những con đường lát đá cuội và những bức tường cũ kỹ của một ngôi làng còn đang ngái ngủ. Tiếng chó sủa xa xa hòa vào tiếng ve sầu và tiếng rao của những người bán hàng rong. Đó chính là hình ảnh và âm thanh của một buổi sáng điển hình tại làng hưu trí thanh niên Guanye ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kinh 3 giờ lái xe, bối cảnh ở đây hoàn toàn khác xa với thực tế đô thị. Một cư dân của làng Guanye tên Xiaodei cho biết: “Tôi đã chán môi trường cạnh tranh trong thành phố. Sau khi trải nghiệm làng hưu trí thanh niên này, tôi thấy khá thoải mái. Ở đây có núi và sông, mang đậm nét thôn dã và tôi thực sự thích thiên nhiên”.

Những làng hưu trí dành cho thanh niên như Guanye có xu hướng tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần của khách hàng, cung cấp nơi để mọi người giao lưu, trút bầu tâm sự và thư giãn. Chúng tọa lạc ở nhiều tỉnh khác như Trịnh Châu, Trùng Khánh, Vân Nam và Sơn Đông.

Theo ông Cui Kai - một trong những người quản lý tại Guanye - từ “hưu trí” được sử dụng theo nghĩa tượng trưng, ​​biểu thị hành trình tìm kiếm sự bình yên nội tâm và lối sống thanh thản, vượt qua ranh giới tuổi tác.

Thành lập vào năm 2017, Guanye cung cấp hơn 240 giường tại 3 tòa nhà ký túc xá. Giá lưu trú ở đây dao động từ 138 nhân dân tệ (480.000 đồng)/ngày cho đến 3.599 nhân dân tệ (12,6 triệu đồng)/tháng. Hầu hết cư dân tại các cơ sở này là những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30, chọn “nghỉ hưu tạm thời” ở đây trên con đường sự nghiệp.

Lu Leilei - 32 tuổi, chủ một viện dưỡng lão thanh niên ở tỉnh Vân Nam - giải thích: “Một số người có thể tự hỏi tại sao những người trẻ tuổi lại nghỉ hưu sớm như vậy, nhưng nhiều người ở độ tuổi 30 đang cảm thấy lạc lõng. Tôi đã từng là một trong số họ”.

Tại cơ sở của Lu, người trẻ bắt đầu buổi sáng bằng việc uống cà phê, sau đó là bài tập khí công trong sân và một buổi thiền trên núi. Buổi chiều, mọi người dành thời gian làm nông, câu cá trên sông và nấu bữa tối trong bếp chung.

Buổi tối, cả cộng đồng quây quần bên đống lửa trại để trò chuyện, chơi mạt chược và hát karaoke. Không giống như các dịch vụ truyền thống dành cho người cao tuổi, những nơi tĩnh tâm này giống như các nhà trọ cộng đồng, nơi mọi người quây quần làm việc, giải trí cùng nhau.

Dù vậy, các viện dưỡng lão dành cho người trẻ đang gặp phải sự chỉ trích, đặc biệt là từ thế hệ trước. Trên mạng xã hội Weibo, một người nói: “Tại sao những người trẻ tuổi lại muốn nghỉ hưu sớm như vậy? Họ đang bỏ bê nhiệm vụ chính của mình”. Tiến sĩ Amir Hampel - phó giáo sư tại Đại học New York ở Thượng Hải (Trung Quốc) - cho biết: “Ở các viện dưỡng lão dành cho thanh thiếu niên, những người trẻ vẫn đang tích lũy vốn văn hóa, giao lưu xã hội, trong khi giải tỏa và thư giãn”.

Sinh viên Fang Jingyu (20 tuổi) cho biết kỳ nghỉ ngắn ngủi 2 ngày tại Guanye là một điều bất ngờ thú vị: “Trước đây, tôi có một số định kiến ​​đối với hình thức lưu trú ở vùng nông thôn. Tuy nhiên khi đến đây, tôi thực sự ấn tượng trước mối liên kết tình cảm mạnh mẽ giữa những người tổ chức, khách và dân làng”.

Người trẻ sống cùng người già

Đối với những người trẻ thích hoạt động xã hội, viện dưỡng lão Sunshine Home ở thành phố Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) sẵn sàng cung cấp chỗ ở miễn phí - một căn phòng rộng 30m2 với 2 giường đơn, phòng tắm riêng và ban công - như một ưu đãi thu hút người trẻ đến sống cùng các cư dân cao tuổi.

Trong 2 đợt “tuyển dụng” đầu tiên, tổng cộng có 30 ứng viên trẻ được chấp nhận vào chương trình “nhà ở nhiều thế hệ”. Tất cả người tham gia được yêu cầu ký hợp đồng 1 năm với cơ sở. Trong những ngày đầu của chương trình thí điểm, họ có nghĩa vụ dành 20 giờ mỗi tháng cho những cư dân cao tuổi và trả 600 nhân dân tệ phí quản lý mỗi tháng. Dù vậy, chương trình đã có những thay đổi. Người tham gia hiện chỉ cần dành ra ít nhất 10 giờ mỗi tháng cho người cao tuổi và phí quản lý cũng giảm bớt một nửa.

Những người trẻ cùng trò chuyện, cùng ăn uống, đi bộ với người cao tuổi và một số hoạt động khác. Một cư dân 90 tuổi ở đây thường được mọi người gọi là “bà giáo Wang” đã gặp nhóm bạn đồng hành trẻ đầu tiên vào năm 2019. Bà không thể nhớ tên của họ, nhưng thời gian ở bên họ khiến bà cảm thấy như thể mới hôm qua.

Bà chia sẻ: “Những người trẻ giống như gia đình. Họ rất quan tâm và thường trò chuyện với tôi. Khi họ chia sẻ với tôi những điều về thế giới bên ngoài, tôi cảm thấy rất vui”.

Linh La (theo CNA, SCMP, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI