Nhà đông con, đứa nhỏ nào cũng mặc đồ thừa của đứa lớn

10/04/2022 - 21:23

PNO - Tôi sinh ra trong gia đình… hơi đông con, tôi có hai chị và em trai kém một tuổi. Thời thơ ấu, hiếm khi nào tôi có áo quần giày dép mới.

Bạn đồng nghiệp hay khen ngợi các bộ cánh diện đi làm của tôi, lúc thì là cách phối màu đậm nhạt bắt mắt, lúc là những chiếc váy hay áo đầm vừa vặn và lạ mắt.

Tôi sinh ra trong gia đình… hơi đông con, tôi có hai chị và em trai kém một tuổi. Khỏi phải nói, suốt thời thơ ấu, hiếm khi nào tôi có áo quần giày dép mới.

Quần áo từ chị lớn, đến chị kế, rồi đến tôi. Có chiếc áo đầm, má tôi hay nói: “Mua từ hồi trước giải phóng”, bây giờ mỗi khi nhìn ảnh gia đình, tôi vẫn nhận ra chị cả tôi mặc trước, được ba má tôi chụp hình ở sở thú, rồi tôi mặc lại chụp cùng gia đình vào dịp tết một năm nào đó. Mà chị cả cách tôi đến tám tuổi. Hình chị chụp trắng đen, đến phiên tôi thì đã được lên đến phiên bản hình màu nên chiếc áo đầm nhìn rất bắt mắt. 

Gia đình tác giả đông chị em, đứa nhỏ mặc đồ thừa của đứa lớn
Gia đình tác giả đông chị em, đứa nhỏ mặc đồ thừa của đứa lớn

Tôi còn nhớ chiếc áo đầm rất xinh, dù đã được chuyền tay qua mấy chị em nhưng nhìn như mới nên dù là áo cũ tôi vẫn vui vẻ diện tết và được rất nhiều người khen ngợi mỗi khi diện chiếc áo đó. 

Thật ra cũng có vô số lần tôi ngậm ngùi vì đợi mãi vẫn không đến lượt mình có áo quần mới. Hết mặc lại đồ cũ của các chị, tôi lại đi giày dép ké của thằng em. Mà những tỵ nạnh, hờn dỗi chỉ diễn ra trong nhà, và tôi buồn một lúc thôi, chứ không hiểu sao, từ bé tôi đã hiểu rằng “hạnh phúc là không thể cưỡng cầu”. Nếu tôi làm mình làm mẩy, chắc ba má cũng sẽ bấm bụng mua thêm cho tôi, nhưng niềm vui có áo mới cho riêng mình, làm sao khỏa lấp ánh mắt đăm chiêu của má, những vòng bánh xe vội vã đi dạy thêm của ba. 

Thế nên chị em tôi quen dần quần áo cũ mặc đến rách, rách thì vá, vá hết nổi thì sẽ được trưng dụng làm giẻ lau. Chị em tôi lớn lên trong môi trường như thế, và tôi chắc bạn bè của tôi nhiều người cũng như vậy. 

Tôi lấy chồng người Anh và sang Anh sinh sống. Có lần tiện đường tôi theo chân một cô bạn người Anh ghé vào cửa hàng từ thiện để cho đồ cũ của cô. Những chiếc áo len cô bảo chỉ mới mặc một vài lần, những đôi giày còn rất mới nhưng cô không cảm thấy thích nữa. Cô nói cô chuẩn bị mua một loạt đồ mới để thay thế những món vừa mới cho đi. Tôi không so sánh cách nào hay hơn, tiết kiệm hơn, vì mỗi người một thói quen, một sở thích, một môi trường được nuôi dưỡng để lớn lên. 

Ông xã người Anh của tôi hay kể về những mùa Giáng sinh, anh và các anh em mỗi người viết một danh sách những món quà yêu thích để bố mẹ mua cho. Anh cũng có đến bốn anh em, nhưng anh không phải xài lại hay sử dụng ké đồ của ai cả. Bố mẹ anh đáp ứng hầu hết các sở thích của con.

Tôi thích nghe những câu chuyện anh kể về gia đình thời bé, tôi cũng kể cho anh nghe chuyện gia đình, chị em tôi chia sẻ đồ dùng với nhau. Dù hai câu chuyện không giống nhau, tôi chưa bao giờ nghĩ mình khổ hơn anh, tôi trân trọng sự cố gắng của ba má mình, tình yêu thương đùm bọc của cả gia đình với nhau. 

Mà tôi cũng chưa tiết lộ bí mật của tôi với các đồng nghiệp, đó là nhờ không vứt đồ cũ, thỉnh thoảng, một chiếc váy định cho đi từ lâu nhưng vẫn tiếc nên giữ lại, bất ngờ lại hợp màu vô cùng với hoa văn của chiếc áo mới mua. Vậy là tôi lại có một bộ cánh vừa mới vừa cũ đủ khiến cho mọi người tấm tắc khen ngợi.

Phan Quỳnh Dao 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI