Nhà đông con

18/08/2016 - 12:44

PNO - Mẹ tôi đông con, mỗi lần nhà có giỗ chạp hay tiệc tùng, con cháu ở xa phần nhiều tranh thủ về. Vui nhất là mỗi dịp hè, nhà cứ như hội.

Mẹ tôi hay làm phép tính nhẩm, chín đứa con với chín đứa dâu rể, vị chi là mười tám. Mỗi cặp vợ chồng có hai đứa con, vị chi cũng là mười tám. Rồi mẹ cười tươi, tổng cộng có ba mươi sáu đứa cháu, con, chưa kể chuẩn bị có cháu cố… Chúng tôi hay nhìn vào “bảng thành tích” của mẹ mà phục rằng, con đông kiểu ấy sao ba mẹ nuôi dạy cho thấu? Riêng chuyện cơm nước hàng ngày cũng đủ xỉu, chưa nói đến việc dạy dỗ, học hành.

Nhà mẹ khá rộng, vườn có nhiều cây xanh. Nhưng dù rộng cỡ nào, sự có mặt của “đội quân” con cháu cũng khiến ngôi nhà như hẹp lại. Con cháu về, tuy đã có tuổi, nhưng mẹ thích tự tay làm món này món kia đãi đằng. Mẹ tự tay trải chiếu lên nền nhà, phía đầu hồi, để các cháu nằm hứng gió. Thấy các cháu say giấc, mẹ tôi lại nhớ chuyện ngày xưa. Chuyện nhà đông con, buổi trưa các con xếp hàng nằm như cá mòi. Muốn gọi đứa nào dậy, là phải nhìn ngó, rồi mới lay kẻo nhầm. Hay lúc ngồi vào bàn ăn, mẹ điểm danh bằng cách đưa mắt rà soát một lượt, “quân số” đầy đủ mới an lòng.

Mẹ kể, những anh chị đầu của tôi lần lượt tới tuổi học xa nhà, dường như năm nào cũng có đứa rời tổ ấm. Tới bữa ăn, mâm cơm vắng người, nhà thiếu tiếng cười, thiếu những bước chân rộn ràng, cảm giác trống trải ấy phải mất một thời gian chúng tôi mới quen. Từ ngày các anh chị đi học xa, ba mẹ thiếu người đỡ đần, chị em tôi bắt đầu được mẹ chỉ dạy để “tiếp quản” thay các anh chị. Ban đầu cò n vụng về, rồi tiến bộ dần. Tôi nhớ nhất mỗi lần nhà trường gửi giấy báo thu học phí, ba mẹ tôi bắt đầu thu xếp chi tiêu cho thật hợp lý. Mẹ tôi buôn bán, có đồng ra đồng vô, nhờ thế mới kham nổi đàn con đông.

Nha dong con
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Bây giờ, hầu hết gia đình chỉ sinh nhiều nhất hai con. Vậy mà mỗi khi có chuyện rắc rối, mọi việc cứ rối tung lên. Ngay cả chuyện ăn ngủ của hai đứa con, có khi bở hơi tai. Mà các con chểnh mảng thật, làm gì cũng hỏng, chuyện gì cũng phải nhắc. Thấy thế, mẹ tôi cứ lắc đầu thở ra, rằng ngày trước mẹ đông con, nếu quản lý, dạ y dỗ con cái kiểu như chúng tôi, chắc mẹ đứt hơi, thời gian đâu mà buôn bán mưu sinh, rồi các con biết có nên người? Mẹ nhớ lại thời nhà đông con, những đứa lớn phải đỡ đần việc nhà cho mẹ và chăm em, để ba mẹ đi làm. Nói thế không có nghĩa là ba mẹ bỏ bê con cái, mà trong mỗi bữa ăn, ba tôi hay nhắc lại những chuyện đã làm trong ngày, chuyện làm được chuyện chưa làm được, rồi phân công nhiệm vụ cho ngay cả đứa con nhỏ nhất.

Mẹ kể, ngày tôi bé tí, tôi và ba đã cam kết, nhà dơ là tôi bị ăn đòn. Hay như anh lớn của tôi, phải đảm đang chuyện gánh đầy ảng nước. Hai chị lớn thì lo chuyện chợ búa, bếp núc và quản lý các em… Nhiệm vụ chính là thế, còn những chuyện vặt vãnh, thấy chướng tai gai mắt là phải làm, không đợi nhắc nhở. Chuyện nhặt rau, rửa rau, vo gạo, quét nhà, nấu ăn, giặt quần áo, các anh tôi làm ngon lành. Nên ngày các anh chị tôi xa nhà, ba mẹ rất yên tâm, tin là “vứt” đâu các con cũng sống tốt.

Ngẫm lại, tôi phục mẹ sát đất. Mẹ không “ấp” con kiểu chuyện gì cũng giành làm, nhưng tình thương đối với con cháu thì vô hạn. Mẹ có thể cho ăn cho mặc, cho học hành, nhưng không cho phép làm những điều sai trái. Có lẽ nhờ thế mà “đội quân” của ba mẹ mới trưởng thành. Bản thân tôi không muốn “đốt sách” của mẹ, mà cứ nghĩ con cái ít ỏi, để con sung sướng được ngày nào hay ngày ấy. Nhưng bà mẹ 3x của tôi cho rằng như thế là không hay. Bởi con trẻ như trang giấy trắng, con hư hay nên là do cha mẹ. Không dạy dỗ từ nhỏ thì chờ đến bao giờ?

Thái Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI