Ngày 29/3, gia đình nhà điêu khắc Lê Công Thành cho biết ông qua đời vào 13g ngày 28/3. Nhiều nghệ sĩ thuộc lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của một tài năng. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài nhiều thập niên, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho mỹ thuật Việt Nam, trong đó có không ít công trình lớn.
|
Nhà điêu khắc Lê Công thành và vợ, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái. |
Sự nghiệp của nhà điêu khắc Lê Công Thành chia làm 2 giai đoạn với cột mốc là năm 1985. Trước 1985, ông tập trung sáng tác những đề tài của nền nghệ thuật hiện thực XHCN. Sau đó, ông tập trung vào việc mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ với hàng loạt tác phẩm tượng tròn. Ông cũng nghiên cứu đến điêu khắc trong không gian, kết cấu kim loại, bìa carton với dây căng...
Nhà điêu khắc từng chia sẻ về đề tài người phụ nữ trong sáng tác của ông: “Tôi không nặn những người đàn bà tếu táo, lãng mạn, ỉ ôi; cũng không nặn ra người đàn bà giá lạnh kiêu kỳ. Tôi không biết nói, chỉ biết nặn mà thôi. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu, đôi bàn tay chân thật để vỗ về. Tôi chỉ có thể nói một câu: “Tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm Người”.
|
Nhà điêu khắc Lê Công Thành vẫn miệt mài sáng tác cho đến những năm cuối đời. |
Nếu có cơ hội du lịch Đà Nẵng, không khó để du khách bắt gặp bức tượng điêu khắc Mẹ Âu Cơ (còn gọi Người đàn bà bọc trứng) được đặt tại công viên Biển Đông. Đây là tác phẩm phóng to từ phác thảo của nhà điêu khắc Lê Công Thành, được hoàn thành vào cuối tháng 6/2007. Công trình gồm những hình khối đơn giản nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang ý nghĩa về lịch sử, nguồn cội nhưng cũng rất hài hoà với không gian hiện đại của TP. Đà Nẵng.
|
Tượng Mẹ Âu Cơ (Người đàn bà bọc trứng) được đặt tại công viên Biển Đông, Đà Nẵng. |
Năm 1987, nhà điêu khắc Lê Công Thành thực hiện một công trình lớn tại Quảng Nam, tượng đài Chiến thắng Núi Thành - một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn. Tượng đài được đặt trên một ngọn đồi cao 43 mét so với mặt nước biển, với những hình khối được chạm trổ công phu. Năm 2010, công trình này được tôn tạo thêm một số hạng mục khác để hoàn thiện hơn.
Trong lần thực hiện công trình này, nhà điêu khắc Lê Công Thành từng bị thương và có một thời gian tạm dừng công việc điêu khắc. Tuy nhiên sau đó, ông tiếp tục hành trình đi tìm cái đẹp và thể hiện chúng qua những tác phẩm của mình.
|
Tượng đài Chiến thắng núi Thành tại Quảng Nam. |
Nhắc đến Lê Công Thành, giới yêu nghệ thuật, đặc biệt với điêu khắc không thể quên công trình tượng Nữ dân quân (1969); tượng tròn Bác Hồ và các cháu (1972); tượng Vân dại (1973), Bà má nghiền trầu (1973), tượng Bác Hồ (1987)… Hàng loạt tác phẩm chất lượng, tinh tế đã giúp ông được xem là nhà điêu khắc tiêu biểu của thế kỷ XX tại Việt Nam.
Đầu tháng 2/2018, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng giới thiệu đến công chúng 2 tác phẩm điêu khắc Thiếu nữ và Người mẹ được thực hiện từ phác thảo của nhà điêu khắc Lê Công Thành (sáng tác năm 2007).
Ngoài điêu khắc, ông cũng dành thời gian cho hội họa. Năm 2017, triển lãm Tranh giấy Lê Công Thành tại Hà Nội cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả, người trong nghề. Những bức tranh triển lãm được chọn từ hơn 300 tác phẩm sáng tác trong hơn 30 năm của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Chúng vẫn tập trung mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Màu sắc, bố cục trong tranh của ông hướng đến sự tối giản, nhưng có chiều sâu.
|
Một tác phẩm trong triển lãm tranh giấy của nhà điêu khắc Lê Công Thành. |
Tháng 4/2018, triển lãm Ảnh tượng của ông quy tụ 50 bức ảnh về các tác phẩm tượng chất liệu thạch cao, đồng và sắt với hai thể loại tượng tròn và tượng tấm mỏng cũng tạo được hiệu ứng tốt. Phần lớn các tác phẩm này vẫn nói về đề tài người phụ nữ với cách thể hiện sâu lắng, đa dạng.
|
Một góc không gian triển lãm Ảnh tượng của nhà điêu khắc Lê Công Thành. |
Nhận xét về tác phẩm của nhà điêu khắc kỳ cựu, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm (trưởng Ban tổ chức triển lãm) chia sẻ: “Những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành là kết tinh của vốn sống, vốn hiểu biết dồi dào về nghệ thuật căng đầy trong huyết quản; là kết quả của sự sáng tạo miệt mài, đam mê đổi mới không ngừng nghỉ và còn là thành công của một nghệ sĩ luôn khao khát xây dựng một phong cách độc đáo cho riêng mình”.
Trung tuần tháng 7/2018, một triển lãm khác của nhà điêu khắc Lê Công Thành cũng được tổ chức tại Hà Nội với tên gọi 3.3.3. Nhà tổ chức chọn 3 phác thảo điêu khắc bằng kim loại để thể hiện thành 9 tác phẩm theo kích thước từ nhỏ đến trung bình và lớn, thể hiện đậm đặc tinh thần sáng tạo của ông. Tuy nhiên, nhà điêu khắc không thể có mặt trong triển lãm này vì sức khoẻ yếu.
|
Không gian triển lãm 3.3.3 vào tháng 7/2018. |
Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Ông nhập ngũ năm 18 tuổi. Ông viết bài và vẽ minh họa cho báo Quân đội đến năm 1954, sau đó tập kết ra Bắc. Ông được cử tham gia khoá học Tô Ngọc Vân kéo dài từ năm 1955 đến 1957.
Ông theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962). Sau đó, ông được mời làm giảng viên trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (sau đổi là Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp). Ông cũng từng được cử đi thực tập điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô) từ 1968-1970. Năm 1975, ông thôi công việc dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật.
Ông từng tham gia rất nhiều triển lãm quốc tế tại Latvia (1979), Hong Kong (1991), Pháp (1997, 2004)…
Những năm sau này, ông sống tại một khu nhà tập thể ở Hà Nội, cùng với vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái. Nhà điêu khắc Lê Công Thành vẫn cần mẫn sáng tác.
Lễ viếng cố nhà điêu khắc sẽ được cử hành vào 13g ngày 30/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Lê Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 14g45 cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội
|
Trung Sơn