Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ tiền vào bất động sản Việt Nam

26/02/2023 - 13:26

PNO - Trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn ngoại là giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Vốn ngoại vẫn đổ vào bất động sản 

Số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Theo thống kê của Công ty Colliers Việt Nam, bất chấp những biến động trong năm 2022, tính đến ngày 20/12/2022, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin lạc quan của nhà đầu tư ở châu Á – Thái Bình Dương về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức và các hoạt động tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ tiếp diễn trên thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.

Vốn
Theo Cục đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản giữ  vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI

Ngoài ra, tại các thị trường mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu, với vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 25,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước. Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam. 

Ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như khó khăn về nguồn vốn, vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý. Bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại cả về khách quan và chủ quan như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài trong việc triển khai thực hiện dự án do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất của thị trường đã tồn đọng trong nhiều năm qua. Nhưng nền kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có các tín hiệu tích cực giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Do đó, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

Giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp

Để đảm bảo ngành bất động sản duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, ông Neil MacGregor cho rằng giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. 

“Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay” - ông Neil MacGregor nói.

Ở góc độ các doanh nghiệp bất động sản, ông Neil MacGregor cho rằng, các chủ đầu tư cần tìm đến những giải pháp mang tính bền vững với bức tranh dài hạn. Để quá trình thu hút nguồn vốn diễn ra thuận lợi và tìm được những nhà đầu tư phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên, cần có thêm sự hỗ trợ chuyên nghiệp đến từ các đơn vị tư vấn đầu tư kinh nghiệm và mạng lưới kết nối rộng khắp ở nhiều thị trường. 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản bị tắt nghẽn tín dụng, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn ngoại là một giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp hiện nay.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản bị tắt nghẽn tín dụng, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn ngoại là một giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp hiện nay.

“Các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Chúng tôi nhận thấy với những lợi thế về am hiểu thị trường và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong nước kết hợp với kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án bất động sản quy mô lớn với chất lượng tốt đã được cung cấp cấp cho thị trường ở mọi phân khúc” - ông Neil MacGregor nhận định. 

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng thêm 1,5-2% hồi đầu tháng 12/2022 đã giúp cải thiện tâm lý thị trường. Tại Colliers, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn. Dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, họ đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. Với các chủ đầu tư trong nước, chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.” – ông David Jackson, Tổng Giám đốc - Colliers Việt Nam nhận định.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI