Điều khiến người dân bức xúc là sự chậm chạp trong xử lý của cơ quan chức năng.
Khách sạn được “ưu ái”
Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện công trình khách sạn ở số 55/29 - 55/31 - 55/33 Lê Thị Hồng Gấm (P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) đã xây dựng với rất nhiều sai phạm so với nội dung giấy phép về bậc tam cấp, ram dốc khoảng lùi, diện tích sử dụng tại tầng lửng, ô thông tầng phía sau từ lầu 1 đến lầu 5 và sân thượng, cầu thang sắt thoát hiểm…
Ngày 4/5/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt đại diện theo pháp luật của công trình trên là Công ty cổ phần Thương mại Cẩm Lệ do bà Hoàng Thị Lệ làm tổng giám đốc với số tiền 40 triệu đồng, đồng thời đình chỉ công trình, buộc phá dỡ phần xây dựng sai phép trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Ngày 10/6/2016, UBND TP.HCM tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty trên do xây dựng tăng diện tích tại phần mái che thang là 207,075m2 so với giấy phép xây dựng; mức xử phạt hành chính là 500 triệu đồng và hình phạt bổ sung là tước giấy phép xây dựng 12 tháng, thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày.
Đến ngày 23/6/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục ban hành văn bản “Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” đối với công ty trên do không tự giác chấp hành đầy đủ nội dung quyết định ngày 4/5/2016 của Thanh tra Sở Xây dựng, đồng thời có văn bản gửi Chủ tịch UBND Q.1 để ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ.
|
Một trong những công trình có sai phạm xây dựng ở Q.1, TP.HCM |
Mãi đến gần 3 tháng sau, Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải mới ký quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng nói trên.
Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM, người dân cho rằng, UBND Q.1 đã chây ì trong việc ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình trên. Việc chây ì này đã giúp chủ công trình thi công xong và kinh doanh.
Dù ra quyết định cưỡng chế nhưng đến nay, UBND Q.1 vẫn chưa thực hiện quyết định của mình, Sở Xây dựng cũng không kiểm tra, đốc thúc việc tháo dỡ công trình vi phạm, nên “có quyết định rồi cũng như không”.
Ra quyết định cưỡng chế rồi… để đó
Tháng 4/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM phát hiện công trình 74 - 76 - 76 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 của Công ty cổ phần Giải trí BL do ông Nguyễn Quốc Bảo làm đại diện pháp luật có hàng loạt sai phạm: lắp dựng khung cột, đà thép lấn ranh chỉ giới xây dựng tại các tầng trệt, lầu 1, lầu 2 với diện tích 85,63m2; đổ sàn bê tông cốt thép tại vị trí không được phép với diện tích 175,78m2.
Ngày 20/4/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ra quyết định xử phạt công ty này 15 triệu đồng, đình chỉ toàn bộ công trình, buộc tháo dỡ phần xây dựng sai phép trong vòng 10 ngày. Do chủ đầu tư không tự giác chấp hành quyết định xử phạt nên ngày 26/9/2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành quyết định cưỡng chế thi hành, đồng thời chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND Q.1 ban hành quyết định cưỡng chế.
Ngày 24/3/2017, UBND TP.HCM tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 500 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Giải trí BL vì lỗi lắp dựng thêm tầng lửng lầu 1 với diện tích 72,40m2, yêu cầu công ty khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Thế nhưng, đến ngày 1/12/2017, ông Đoàn Ngọc Hải mới ký quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm nói trên.
Người dân còn cung cấp hình ảnh cho thấy, sau quyết định cưỡng chế của UBND Q.1, hai công trình sai phạm nói trên vẫn chưa bị xử lý.
Liên quan đến bài Biệt thự, khách sạn được xây sai phép ở quận 1 đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 24/8, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra thông tin, báo cáo cụ thể nội dung vụ việc và đề xuất hướng xử lý để UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Bài viết trên dẫn kết luận của UBND Q.1 về các thiếu sót, vi phạm trong công tác tham mưu cấp giấy phép của Phòng Quản lý đô thị Q.1. Tuy nhiên, theo các luật sư, không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho riêng một phòng chuyên môn mà cần xem xét trách nhiệm của người trực tiếp ký giấy phép xây dựng.
Không thể làm kiểu "thí chốt"
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Giám đốc Công ty luật 360 - cho rằng, không thể làm kiểu “thí chốt” như vậy được. Ông nói: “Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần căn cứ theo luật và Nghị định số 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ” để xử lý một cách nghiêm minh các cán bộ lãnh đạo chủ chốt được giao nhiệm vụ cấp phép xây dựng tại Q.1”.
Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM - cũng cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của người ký ban hành giấy phép xây dựng sai phạm.
Ông viện dẫn điều 104 Luật Xây dựng: “Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật” và điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA: “Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Theo đó, người trực tiếp ký giấy phép xây dựng sai phải bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại.
|
Nhóm phóng viên