Nhà đất thiếu để ở nhưng thừa để bán

14/05/2024 - 16:45

PNO - Đó là ý kiến của nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM tại hội thảo “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp”.

Sáng 14/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM: Thực trạng và giải pháp” nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Đất đai 2024.

Công tác quản lý đất còn nhiều khó khăn

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, thời gian qua TP đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi số trong quản lý đất đai, đổi mới công tác tài chính đất đai, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất…Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo

Giáo sư Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn, góp phần to lớn vào phát triển đất nước và từng địa phương, trong đó có TPHCM.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng; số vụ khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; đất đai vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, chúng ta cần phân tích bối cảnh và yêu cầu mới đối với việc quản lý đất đai trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024, Nghị quyết số 98/2023/QH15. Đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn TPHCM thời gian tới.

90% nguồn cung căn hộ là kinh doanh

Ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - chia sẻ, qua số liệu thống kê, báo cáo có thể thấy có gần 90% nguồn cung căn hộ kinh doanh, chỉ có khoảng 10% căn hộ cho người lao động, người có thu nhập thấp. Trong khi đó, nhiều dự án căn hộ bán đến hàng trăm triệu đồng/m2 thì chỉ có một số ít người mua để ở hoặc đầu cơ. Chính sách đất đai của ta hiện nay nghiêng về địa ốc kinh doanh nhiều hơn. Giải quyết vấn đề nhà ở không đúng, không hợp lý đã làm lãng phí đất đai và chôn vốn đất, vốn đầu tư tài chính khắp nơi. Hiện Nhà nước vẫn chưa giải quyết được nhà ở đầy đủ và ổn định cho dân; trong tương lai cũng chưa thấy được khả năng thực hiện được việc này. Nhà nước cần có chủ trương, chính sách thu hồi và giao đất ở cho người có thu nhập thấp và hộ gia đình không có nhà ở.

Nhìn tổng thể, chúng ta chưa tìm được phương án tối ưu cho quy hoạch sử dụng đất đúng và hợp lý, cũng như chưa quản lý chặt chẽ, hiệu quả quá trình sử dụng đất. Quan trọng trước tiên là quy hoạch thành phố đa trung tâm vẫn chưa thực hiện được.

Do đó, cần quy hoạch sử dụng đất đai trên cơ sở phân loại đất theo mục đích và nhu cầu sử dụng theo hướng ưu tiên đảm bảo nhu cầu sống cho người dân như: đất phục vụ quốc phòng, an ninh; đất sản xuất nông nghiệp và đất bảo vệ môi trường, đất ở, (bao gồm đất phục vụ chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà "ổ chuột", nhà trên kinh rạch ô nhiễm)…

Giao lại hoặc thu hồi rồi giao lại đất cho hộ dân hoặc người lao động không có nhà ở để dân tự xây dựng chỗ ở với chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp. Nhà nước khuyến khích nhân dân thành lập Hợp tác xã nhà ở với tinh thần tự chủ, tự quản.

Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM liên tục trễ hẹn nhiều năm.
Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM liên tục trễ hẹn nhiều năm.

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ ban kinh tế của Quốc hội - cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 có rất nhiều điểm mới, bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bảo đảm thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và quy định pháp luật khác có liên quan.

Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất theo nguyên tắc phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của trung ương.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện hơn về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Do đó, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật là công tác Chính phủ cần sát sao chỉ đạo trong năm 2024.

Quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024.


Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI