Giá nhà tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý II/2024, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5% đến 6,5% trong quý và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí, giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm.
Thị trường căn hộ chung cư TPHCM trong quý II/2024 cũng không nằm ngoài xu thế tăng giá, theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì biến động giá rao bán căn hộ chung cư TPHCM phân khúc trung cấp (giá 35-55 triệu đồng/m2) tăng 2%; cao cấp (giá trên 55 triệu đồng/m2) tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
|
Giá căn hộ chung cư cả nước đã tăng 25% theo năm. |
Đồng thời giá bán của các dự án chung cư đã qua sử dụng ở TPHCM cũng có xu hướng tăng, nhất là khu vực nội thành, cụ thể: dự án căn hộ chung cư City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (quận 7) và Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) lần lượt tăng 11% và 10%; dự án Eco Green Sài Gòn (quận 7) tăng khoảng 6,8% (lên mức 61,1 triệu đồng/m2), Jamona Heights (quận 7) tăng khoảng 5,9% (lên mức 42,6 triệu đồng/m2)…
Bộ Xây dựng nhận định, giá căn hộ chung cư tại TPHCM có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung dự án mới triển khai ra thị trường đang khan hiếm.
Nhà dưới 3 tỉ gần cạn kiệt
Ông David Jackson – Tổng giám đốc Công ty Avison Young Việt Nam chia sẻ, phân khúc nhà ở phổ thông có giá dưới 38 triệu/m2, trung cấp khoảng 38 – 75,5 triệu/m2, cao cấp khoảng 75,5 – 151 triệu/m2 và hạng sang có giá trên 188,6 triệu/m2.
Theo sự vận động và phát triển của thị trường, giá bán căn hộ chung cư không ngừng tăng, thúc đẩy các phân khúc nhà ở tái định nghĩa chỉ sau vài năm. Chẳng hạn, trước năm 2019, các dự án có giá khoảng 40 triệu/m2 đã được xem là tiệm cận với mức trung-cao cấp; trong khi hiện nay, mức giá khoảng 50 triệu/m2 được xem là mức thấp nhất của phân khúc trung cấp.
Giá dự án mở bán sau cao hơn dự án trước và duy trì đà tăng trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Điều này phản ánh mức độ hạn chế của nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường, và tiềm năng tăng giá tại vị trí hay khu vực của dự án trong tương lai.
|
Theo các chuyên giá, vấn đề nhà ở giá phải chăng là một bài toán khó đối với nhiều quốc gia trên thế giới, cả tại các thị trường phát triển và đang phát triển. |
Nguồn cung nhà ở nói chung và căn hộ nói riêng tại TPHCM không đủ đáp ứng nhu cầu của gần 10 triệu cư dân nơi đây. Nguồn cung căn hộ mới thấp và thiếu cân bằng giữa các phân khúc, kéo giá bán tăng theo nhiều tốc độ khác nhau. Tính đến cuối quý II/2024, giá căn hộ sơ cấp toàn thị trường TPHCM tăng 5% so với quý trước và tăng nhanh hơn ở phân khúc cao cấp, đạt 7%.
Bà Đỗ Thị Thu Giang - Giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, nguồn cung nhà ở toàn cầu đã không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Tăng cường mức cung cần phải là trọng tâm của bất kỳ chiến lược nào về khả năng chi trả nhà ở. Vì dòng sản phẩm căn hộ dưới 3 tỉ đồng được xem là bình dân ở TPHCM đang ngày càng hạn chế, chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp 6 tháng đầu năm 2024, chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10 km. Khả năng chi trả sẽ là thách thức lớn khi chưa đến 5% nguồn cung tương lai trong 3 năm tới rơi vào phân khúc này.
“Không có giải pháp duy nhất nào để thúc đẩy nguồn cung nhà ở và cải thiện khả năng chi trả, cả khu vực tư nhân và Nhà nước đều không thể tự mình thực hiện. Do đó, khi hợp tác để cùng giải quyết vấn đề này, khu vực tư nhân có thể mang lại vốn và chuyên môn, khu vực công có thể cung cấp quyền tiếp cận đất đai và môi trường kinh doanh minh bạch cho các nhà đầu tư” – bà Giang nhận định.
Cũng theo bà Giang, hiện nhiều dự án hạ tầng này đang cải thiện tính kết nối thông qua các đường bộ, cao tốc, cầu và đường vành đai. Điều này giúp kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện ích cho cư dân một cách hiệu quả hơn. “Việc mua nhà tại các vị trí tốt thường không khả thi đối với người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, việc cung cấp hạ tầng giúp giảm thời gian di chuyển và mở ra nhiều sự lựa chọn hơn ở các vùng lân cận, giải quyết được vấn đề về giá cả phải chăng. Hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở”- bà Giang nói thêm.
Bích Trần