Nhà, đất đua nhau bán lỗ để trả nợ ngân hàng

16/09/2021 - 08:18

PNO - Sau gần hai năm cầm cự với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều nhà đầu tư bất động sản cá nhân đã buộc phải bán lỗ nhà, đất để giải tỏa áp lực tài chính.

Đuối với áp lực trả nợ vay

“Căng thẳng tài chính do dịch COVID-19. Chính chủ cần bán lỗ 300 triệu đồng căn hộ dự án Eco Green, Q.7, TPHCM hai phòng ngủ, diện tích 70m2” - anh Kiệt rao trên mạng xã hội Facebook. Theo anh, giá mua trên hợp đồng với chủ đầu tư là 4,2 tỷ đồng. Do dịch bệnh, giãn cách xã hội, không có cách nào xoay xở để trả nợ vay ngân hàng mỗi tháng nên anh đành phải chịu lỗ, rao bán.

Cũng do không thể trả nổi lãi vay, chị Huỳnh đăng tin rao bán căn hộ chung cư trên đường Võ Văn Kiệt, Q.8, TPHCM diện tích 65m2, hai phòng ngủ, giá 1,7 tỷ đồng. Theo chị Huỳnh, với giá này, chị lỗ gần 200 triệu đồng so với giá gốc. Chị còn cho biết, nếu khách hàng có thiện chí, chị sẵn sàng bớt thêm tiền “trà nước”. Một người tên Vy rao bán căn hộ hai phòng ngủ trong dự án The Riviera Point, Q.7, diện tích 105m2, chịu lỗ 50 triệu đồng, lại còn tặng thêm gói nội thất đã thi công xong, trị giá 300 triệu đồng.

 

Khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều người đành rao bán lỗ nhà đất
Khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều người đành rao bán lỗ nhà đất

Hiện trên mạng xã hội, rất nhiều người đua nhau rao bán nhà, đất với giá từ huề vốn đến lỗ nhằm giải tỏa áp lực tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tại tỉnh Đồng Nai, có người rao bán lỗ đến 30% căn hộ ở dự án Biên Hòa Universe Complex. Cụ thể, giá gốc của căn hộ là 2,5 tỷ đồng, giá đang rao bán là 1,7 tỷ đồng. Theo chủ căn hộ này, tính đến nay, anh đã thanh toán cho chủ đầu tư 70% giá trị căn hộ, chỉ còn khoảng 25% nữa là nhận nhà nhưng sau gần hai năm qua, kinh tế của gia đình lao đao do dịch, anh chỉ còn cách “bán lúa non”. 

Ở phân khúc đất nền cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Chị T. - ở Q.Bình Thạnh, TPHCM, rao bán lỗ một nền đất ở TP.Thủ Đức - than: “Đầu năm 2020, tôi vay ngân hàng 1 tỷ đồng mua nền đất để xây nhà. Từ lãi suất ưu đãi lúc đầu là 9,4%/năm, nay tôi phải chịu lãi suất thả nổi 11,8%/năm, tính ra tiền gốc và lãi hằng tháng gần 15 triệu đồng. Vừa qua, ngân hàng có giảm lãi suất cho tôi 0,5% từ nay đến cuối năm nhưng không thấm vào đâu do bốn tháng qua, thu nhập của tôi giảm mạnh, thậm chí không đủ trang trải sinh hoạt gia đình”. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, vừa qua, các ngân hàng rầm rộ tuyên bố giảm lãi, giãn nợ cho khách hàng nhưng thực tế, phần lớn chỉ giảm lãi suất từ 0,3 - 0,5%/năm, rất ít khách hàng được giảm từ 1 - 1,5%/năm.

Bán lỗ là lối thoát 

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc sàn batdongsan.com.vn khu vực phía Nam - nhận định: “Hiện nhiều người mua nhà đang mất dần khả năng trả lãi ngân hàng. Nhóm đang chờ bàn giao nhà còn khổ hơn vì ngoài việc phải trả lãi ngân hàng, nhiều người còn phải chịu phạt từ 2 - 3% theo quy định của chủ đầu tư do thanh toán tiền mua nhà chậm. Một số người phải vay thêm tiền của ngân hàng để đóng cho chủ đầu tư và mắc kẹt trong cảnh lãi chồng lãi”.

Ông Trần Nguyên Đán - Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Quỹ đầu tư Dcapital Việt Nam - cho rằng, phần lớn những người cắt lỗ bất động sản hiện nay là do vay ngân hàng nhiều quá. Tình trạng bán lỗ từ đây đến cuối năm sẽ xảy ra nhiều do thị trường bất động sản khó hồi phục. Thông thường, người mua nhà phải đóng tối thiểu 50% tiền mặt (so với trị giá căn nhà) và tiền trả góp mua nhà còn lại mỗi tháng chỉ được chiếm tối đa 20% thu nhập của một người, 10% thu nhập của hai người. 

Ông nhận xét: “Đa phần người bán tháo bất động sản là do mức trả nợ gốc và lãi vay hằng tháng bị vượt mức 20% thu nhập. Hầu hết người Việt Nam không hiểu bài toán tài chính cá nhân nên cứ làm liều. Bây giờ, nếu muốn ngân hàng khoanh nợ, họ phải chứng minh được thiệt hại, không có thu nhập, không có việc làm, nhưng đổi lại, họ sẽ bị chuyển nhóm nợ (sang nhóm nợ xấu) và từ nay về sau sẽ không được vay tiền nữa nên có thể càng khổ hơn”. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản, người vay tiền mua nhà, đất đã đuối lắm rồi nên đà bán có thể tăng và sắp tới, người bán có thể phải chấp nhận giảm giá từ 20 - 30%. Theo tôi, những người đang ôm tài sản mà thật sự gặp khó khăn thì nên chấp nhận bán lỗ khi tính thanh khoản vẫn còn và giá ít bị ảnh hưởng nhất”. 

Theo báo cáo của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam, trong tháng 8/2021, tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh, chỉ có một dự án đất nền mở bán mới, cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm, trong đó tiêu thụ được sáu sản phẩm, đạt tỷ lệ 26%; có bốn dự án mở bán căn hộ (một dự án mới và ba dự án triển khai giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường khoảng 1.928 căn, gấp đôi so với tháng trước. Nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn nhưng do đang giãn cách toàn xã hội nên sức cầu vẫn ảm đạm. Thị trường bất động sản thứ cấp cũng kém sôi động, tính thanh khoản rất thấp. Nếu dịch bệnh kéo dài và các tỉnh, thành tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều khả năng sẽ xuất hiện tình trạng bán tháo, giảm giá bất động sản trên diện rộng.

Bích Trần

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI