Nhà của cha mẹ, nơi trú ẩn của con

16/05/2022 - 06:00

PNO - Một ngôi nhà bán đi, bị chia năm xẻ bảy có thể là bi kịch của nhà này nhưng cũng có thể là chiếc phao giúp nhà khác qua cơn bĩ cực

 

Những lúc khó khăn, ngôi nhà của cha mẹ lại chở che những đứa con (Ảnh minh họa)
Những lúc khó khăn, cha mẹ lại chở che những đứa con (Ảnh minh họa)

Chúng tôi đến dự đám tang mẹ một người bạn. Ba bạn mất đã lâu, các anh chị đều có gia đình và ở xa, giờ chỉ còn mình bạn trong căn nhà to vắng vẻ. 

Mọi người hỏi sao không bán căn nhà khang trang ấy, chia mỗi người một số tiền để làm ăn, vì theo lời bạn kể, các anh chị của bạn cũng không khá giả gì. Với số tiền được chia, độc thân như bạn có thể mua căn chung cư nho nhỏ để ở, vừa an toàn, vừa đỡ trống trải lại dư một ít để dành. 

Bạn bảo, không phải mấy anh em chưa từng có ý đó, bạn cũng không muốn ở một mình trong căn nhà rộng, vừa buồn, vừa lãng phí. Với vị trí mặt tiền đường lớn, giá trị căn nhà không hề nhỏ. Thế nhưng, chị cả của bạn nói rằng, tiền bán nhà chia ra bao nhiêu rồi cũng hết. Giữ cái nhà lại để thờ cúng, các anh chị và các cháu còn có nơi để tìm về. Chưa kể, người ta nói nhà cha mẹ để lại mà bán đi, con cái dễ bất hòa, tan đàn xẻ nghé. Nhà bạn không tin vào những điều tâm linh, nhưng ai cũng đồng tình với ý kiến của chị cả.

Từng có người vào gạ bố mẹ tôi bán căn nhà mặt tiền đang ở với giá ngất ngưởng và gợi ý ông bà mua căn khác bé hơn để dư ra một số tiền lớn. Bố mẹ tôi đã từ chối dù cuộc sống của ông bà chẳng sung túc, dư dả gì. 

Tôi hiểu tính mẹ, dù không nói gì, nhưng thâm tâm bà luôn có sẵn những dự định sâu xa. Lần công ty riêng của anh tôi bị thua lỗ, phải bán cả nhà để trả nợ, trả lương cho nhân viên. Vợ chồng con cái anh dắt díu nhau về ở nhờ nhà mẹ một thời gian. Những căn phòng ngày thường bỏ không, chỉ để dành cho gia đình mấy anh chị em tôi đưa con cái về chơi có chỗ nghỉ mỗi dịp lễ tết, đã thành mái ấm thứ hai của anh chị. 

Tôi cũng không tránh khỏi những thời gian hục hặc với chồng. Những lúc căng thẳng, tôi đề nghị chồng để tôi về nhà mẹ tịnh tâm ít hôm, giúp đôi bên có thời gian ngẫm ngợi mọi chuyện. Nếu không, ra vào chạm mặt nhau mà chẳng ai nói với ai tiếng nào, chắc có lúc tôi phát điên. Giải pháp ấy xem chừng ổn.

Tôi vẫn thầm biết ơn dụng ý sâu xa của mẹ khi cùng bố quyết định giữ lại ngôi nhà, nơi đã cho anh chị em tôi quãng đời niên thiếu ấm êm, đẹp đẽ, nay lại rộng cửa đón chúng tôi về, che chở, ôm ấp những khi hôn nhân trái gió trở trời. 

Nhà là nơi lưu dấu bao kỷ niệm gia đình (Ảnh minh họa)
Nhà là nơi lưu dấu bao kỷ niệm gia đình (Ảnh minh họa)

Ngôi nhà của cha mẹ để lại không chỉ là nơi lưu dấu kỷ niệm của gia đình mà có khi còn cứu cánh những đứa con đang gặp khó khăn. Một ngôi nhà bán đi, bị chia năm xẻ bảy có thể là bi kịch của nhà này nhưng cũng có thể là chiếc phao giúp nhà khác qua cơn bĩ cực, nhất là khi bố mẹ đã già, chưa kể “ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu”.

Tôi vẫn đang ngày ngày chăm chút và làm đẹp cho ngôi nhà của mình, một ngôi nhà nhỏ nhắn, “nhan sắc” khiêm tốn thôi nhưng chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm gia đình. Tôi vẫn tự nhủ sẽ gìn giữ ngôi nhà cho đến khi nào còn có thể.

Với tôi, giữ lại căn nhà của cha mẹ là giữ cho con cháu một cuốn “sử gia” quý giá, thứ mà chẳng bạc tiền nào có thể bán, mua. 

Nguyễn Yến Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI