Chị bảo vừa dọn nhà khiến tôi chết trân. Mười năm hôn nhân với chuyện vừa làm dâu, làm vợ, làm mẹ kế mà còn phải dành dụm để có thể mua được một căn nhà riêng như hôm nay. Nợ còn phải trả 3 năm nữa mới xong, sao giờ mới về nhà mới có mấy tháng lại dọn đi?
“Là dọn ra nhà trọ cho khỏe người em ạ! Chị không chịu nổi cha con họ”.
“Cha con họ”. Là chồng chị và con riêng của anh ấy.
|
Căn nhà này phải khó nhọc lắm chị mới có được. Ảnh minh họa |
Mẹ của thằng nhỏ bỏ đi khi nó vừa tròn một tuổi. Bốn năm sau thì anh cưới chị, một cô gái 28 đầy chín chắn, có công việc với thu nhập ổn định. Chị yêu thằng bé và xem chừng nó cũng mến chị bởi tính nó hay nhút nhát, không hồ hởi với người lạ nhưng chịu cho chị nắm tay, ôm hôn.
Cưới nhau rồi, chị sống chung với nhà chồng trong căn phòng nhỏ. Ngay cả tối tân hôn cũng “đính kèm” luôn thằng bé chung giường bởi nhà chật đến nỗi không thể gửi nó ở đâu.
Công việc thăng tiến thuận lợi, lại được nhà chồng thương mến, nhưng xui rủi là chị chậm con. Suốt cả năm “thả” mà không “dính” được tin vui nào. Đi khám thì bác sĩ bảo “bình thường”.
Ba năm sau cưới vẫn “bình thường” nhưng sao vẫn không bầu bì gì. Vợ chồng không buồn đi khám nữa, mà an ủi nhau rằng con cái là duyên trời ban, có chừng nào nhận chừng ấy.
Rồi sau 10 năm dành dụm, chị cũng đủ tiền mua căn chung cư. Đàng hoàng nhé, chị là chủ sở hữu, anh là thừa kế đấy! Anh không cãi gì cả, bởi số tiền hơn tỉ đó, anh chỉ góp phần lẻ, còn con số tròn vẫn là tiền của chị.
Thế nhưng bây giờ chính anh và thằng con 15 mới là những ông chủ của căn nhà. Dù ngày còn ở chung họ vẫn siêng năng chăm sóc, dọn dẹp mỗi khi rảnh rỗi. Lâu lâu còn sơn tường, dán decal bếp cho ngôi nhà lớn sáng sủa hơn. Nhưng bây giờ… đi học về là thằng con quăng cặp sách, áo khoác, giày dép… bừa bộn ra sàn nhà. Rồi sang lục thức ăn tủ lạnh ngồi nhai liền tù tì, mắt dán vào màn hình điện thoại. Rác ngập chân nó cũng không buồn dọn, quần áo dơ không một lần bỏ vào máy giặt.
Chồng càng ra dáng “ông chủ” hơn. Cũng đi làm như nhau, về cùng nhau vì chung chỗ và chỉ có 1 chiếc xe. Nhưng vừa đến nhà là anh bước sang hàng xóm, lúc thì bảo đi làm quen cho tối lửa tắt đèn có nhau, rồi lai rai tận khuya mới lếch về khi người đã nồng mùi men. Khi lại lên tầng trên hướng dẫn “bạn trên tầng” làm giàn cho dây mồng tơi, khổ qua leo lên cái ban công sao cho đẹp. Lúc lại xuống tầng dưới tư vấn cách chăm sóc chó cho bạn mới quen…
|
Anh tư vấn bạn trồng rau khi việc nhà thì bỏ phế cho chị. Ảnh minh họa |
Nhà sáu mươi mét vuông nhưng chị mệt đứ đừ vẫn không xong việc nấu nướng và dọn dẹp. Lên tiếng “nhờ” thì anh bảo “Ôi dào, nhà mình chứ có phải chung chạ với ai nữa mà lo dọn cho mệt xác. Em cứ ăn xong rồi chất chén lên mốc xem có ai dám nói gì mình không?”.
Thế là bảng phân công việc nhà được dán lên tường nhưng thằng nhóc con đã mạnh tay xé xoẹt và hét “Mẹ làm cái gì kỳ vậy? Làm như nhà toàn người vô trách nhiệm nên phải phân công à?”.
Nói là nói vậy nhưng hai con người “có trách nhiệm” đó vẫn không có gì thay đổi.
Chị không thể sống trong căn nhà bề bộn như thế nên mỗi ngày vẫn ra sức dọn dẹp và còn thức khuya làm thêm sữa chua, bánh bông lan, nha đam lá dứa… bán cho các hộ trong chung cư. Giờ giao hàng của chị đặt biệt hơn tất cả hàng quán nào: chỉ giao từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối.
Mấy món quà vặt đó coi vậy mà khéo làm cũng có nhiều khách lắm. Mỗi ngày “kiếm thêm” trăm bịch sữa chua, vài chục hộp bánh bông lan, ba chục chai nha đam… cũng dư tiền chợ cho gia đình.
Nhiều khách rồi, chị giao không xuể nên nhờ chồng và con đi giao. Thế nhưng… tiền không thấy mang về. Hỏi anh thì anh bảo khách thiếu. Hỏi khách, khách nói trả tiền rồi. Để không mất lòng hai bên, chị dặn khách cứ nhận hẳn ba lần rồi chị đến thu tiền.
Bấy giờ mới lộ ra sự thật: anh và con của anh từ chối đi giao hàng vì lý do “bận lắm”.
Chị lu loa rằng sao nỡ làm vậy, tiền lương anh hàng tháng chỉ đưa chị một nửa. Nửa tiêu xài cá nhân không lẽ không đủ sao mà còn thâm lạm tiền bán hàng của chị? Còn con trai, vẫn nhận tiền tiêu vặt hàng tuần, sao nỡ lấy đi phần kiếm thêm của mẹ?
Thằng nhỏ câng câng nhìn chị. Anh “ngửa bài” rằng “Em không con không cái, làm cho quá dư tiền thì mai mốt cũng anh và thằng cu Huy xài chứ ai. Xài trước xài sau cũng vậy thôi à”.
Chị… đứng hình.
Chị bảo, quyết định dọn ra nhà trọ để “khỏe thân”, căn hộ đó rao bán nhưng cũng đau lòng lắm vì chị đã từng vun vén một mái nhà đến nỗi đi lựa từng bức tranh treo tường, lựa từng loại gỗ tủ áo, lựa cả màu kính ốp bếp…
Vậy mà người ngỡ rằng sẽ chung lòng chung sức đi hết đoạn đường đời lại có tư tưởng thực dụng đến đau lòng như vậy.
Người xưa vẫn nói “đàn ông xây nhà/ đàn bà xây tổ ấm”. Ngôi nhà chị đã cùng anh xây, thế nhưng tổ ấm không thể ấm. Thì còn mong mỏi gì.
Trang Đào