Nhà cũ và gác xép

20/12/2022 - 23:49

PNO - Trong giấc mơ của tôi luôn có cảnh mấy anh em ngồi quanh bộ ghế salon sau bữa cơm, nói đủ thứ chuyện từ xóm làng đến chuyện ngoài đường phố. Ở đó có nhiều tiếng cười...

 

Căn nhà cũ của ba má tôi tuy đông người nhưng chỉ có tầng trệt và cái gác xép. Bếp phía sau nhà luôn có tiếng ồn ào gõ lanh canh vì giáp vách tường phía sau hãng nhôm Hiệp Thành ngó mặt ra đường Nguyễn Trọng Tuyển.

Công việc mỗi ngày của công nhân bên đó là làm nguội các sản phẩm sau khi đúc xong. Có khi họ để chất thải li ti văng ra rào rào sau bếp nên má tôi rất mệt mỏi lo che chắn để bụi không rớt vào thức ăn. 

Vậy nhưng tôi luôn mơ ước trở về thời được sống trong ngôi nhà thân thương đó. 

Từ căn gác xép, có thể nhìn thấy con hẻm nhỏ im ắng - Ảnh: Phạm Công Luận
Từ căn gác xép, có thể nhìn thấy con hẻm nhỏ im ắng - Ảnh: Phạm Công Luận

Ở đó, mùi vị quen thuộc là những món ăn ngày thường, là món trứng chiên, mắm chưng, thịt heo nạc kho tiêu, cá lóc kho, canh chua bạc hà, canh chua lá giang… Tiếng má gọi về ăn cơm vang trước sân nhà khi trời tối dần là thứ âm thanh tuyệt diệu khiến tôi luôn thấy rưng rưng khi nhớ lại. Cục lạp xưởng béo thơm do má chiên và cắt khúc đặt trong tô cơm trắng chan chút nước mắm là cao lương mỹ vị.

Căn bếp ám khói lót gạch bông trắng ngả màu có hai cái bếp dầu hôi và một cái bếp đất nung là nơi cho ra những dĩa ốp la thơm phức, chảo thịt gà rô ti nước dừa ngon nhức nhối. Cái gạc-măng-giê gỗ cũ kỹ lợp lưới có bốn chân đặt trên bốn cái tô nổi lên như một cù lao, xung quanh toàn nước để chống bầy kiến đói là nơi lưu giữ dĩa tôm rim, khứa cá kho và chén mắm lóc ăn với cơm nguội những ngày gió sớm mưa chiều.

Tôi nhớ mãi cái sân nhà còn bóng dáng ba má lom khom sắp đồ cúng kiếng những đêm giao thừa. Tôi nhớ cây táo gai trước nhà những năm 1980 cho cả xóm vị ngọt thanh của những trái táo xanh. Tôi nhớ bộ đi-văng đặt ngay nhà trước, nơi mấy anh em tôi bày những tờ nhạc ê a hát với nhau.

Tôi nhớ những cái tết rất vui và luôn đủ đầy sung túc kể cả khi cuộc sống khó khăn nhất. Nhớ cả những ngày u buồn, khi mấy anh em tôi đưa ba, má và ông anh lớn nhất về nhà lần cuối trước khi tiễn họ vào cõi thiên thu vĩnh biệt.

Có một góc nhà tôi sẽ rất nhớ, đó là cái gác xép. Khi xây tường nhà thay cho vách gỗ, ba tôi xây tường cao, lợp tôn và làm một cái gác xép ở chỗ nhô lên của mái nhà. Thang lên gác nằm lui ra sau nhà, khá dốc, lên gác qua một lỗ vuông có nắp đậy.

Trong căn phòng nhỏ dài 4m, ngang 3m đó, chỉ có bộ ván ngựa của bà ngoại tôi để lại và cái rương đựng sách của ông anh đầu. Trước khi cái gác trở thành nơi một người bà con ở nhờ, nó là giang sơn của tôi và ông anh thứ năm.

Hai anh em buổi tối ngủ trên bộ ván ngựa, buổi sáng Chủ nhật nằm dài trên sàn gác đọc sách giữa làn gió thổi luồn trong con hẻm từ cái chuồng ngựa bỏ trống sau nhà. Có những sáng mùa hè, ông anh dậy sớm đi coi xi nê, tôi nằm đến tận trưa trong hơi nóng càng lúc càng nhiều hắt xuống từ mái tôn.

Thấy tôi thích không gian riêng biệt này, anh tôi tìm mua tập truyện tranh cũ, chép hình những nhân vật Xì Trum, Lucky Luke lên tường bằng sơn. Buổi sáng mùa hè càng sung sướng hơn với cảm giác thức dậy khi nắng lên và mơ màng nhìn qua lớp vải mùng có hình ảnh một chàng xì trum tặng quà cho cô gái xì trum đứng dưới cây nấm. 

Từ khi có thêm những bức vẽ trên tường, tôi càng mê căn gác xép. Nhiều buổi sáng, tôi nằm trên gác đọc sách cho đến khi chịu không nổi cái nóng tăng dần. Giống như nhiều đứa trẻ đang tuổi mới lớn, tôi thích có không gian riêng.

Cái gác đáp ứng được điều đó. Một lần, tôi bước xuống cầu thang và hụt chân, té từ trên cao xuống sau khi chạm lịch kịch mấy bậc thang. Má tôi đang nấu bếp nghe một tiếng ầm, chạy lên thấy thằng con đã ngất xỉu cạnh cái tủ. Vậy mà không sao. Một lần khác, tôi lại hụt chân, té lọt vào khoảng trống giữa cầu thang và tủ. Mông tôi đau điếng vì làm gãy cả mép thành cầu thang. Chỗ gãy đó còn nguyên cho đến khi nhà xây lại với cầu thang đúc để lên tầng trên. 

Một đoạn đường Võ Di Nguy - Phú Nhuận  ngày xưa (ảnh tư liệu)
Một đoạn đường Võ Di Nguy - Phú Nhuận ngày xưa (ảnh tư liệu)

Ở căn gác này, những tối giao thừa với rất nhiều pháo được đốt, má tôi và ông anh có bệnh hen suyễn phải lên cầu thang, kê mặt vào cửa sổ để thở lớp không khí trên cao không bị đậm đặc mùi diêm sinh đang tỏa khắp nơi.

Cũng ở căn gác này, tôi trốn lánh để ôm một mình vài nỗi buồn thời mới lớn. Từ đó, tôi nhìn thấy những cây gòn lúc lỉu trái phía ngoài đường Nguyễn Minh Chiếu mà tưởng như đang ngắm một bức tranh hay tưởng như mình đang trong bối cảnh ca khúc Tâm sự gửi về đâu: “Một trời hoa gạo đỏ và mưa nắng hai mùa…”.

Sau này, trong những giấc mơ của tôi luôn có cảnh mấy anh em ngồi quanh bộ ghế salon sau bữa cơm, nói đủ thứ chuyện từ xóm làng đến chuyện ngoài đường phố. Ở đó có nhiều tiếng cười và tuổi trẻ đầy ăm ắp của chúng tôi. 

Ngày tháng đó nay đã trôi đi rất xa. 

Phạm Công Luận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI