Nhà có người già

19/11/2020 - 05:55

PNO - Chị đặt xe giường nằm cho ba về quê. Ông già ở mãi một chỗ cùng con cháu giữa thành phố rộng, kể ra cũng nhớ nhà thật…

“Xưa toàn lo nhậu nhẹt, không tranh thủ cho vợ con đi chơi, đúng là...” - chị phang thẳng, xong rồi hối hận ngay lúc ấy. Đó là khi ba chị nhắc chuyện ngày xưa, cả nhà cùng đi tham quan miền Trung. 

Chuyến đi bằng xe đò không máy lạnh, rong ruổi đường dài. Thuở đó bé Út và thằng Lê còn bé xíu, khóc eo éo suốt hành trình. Mẹ chị hẳn là vất vả còn hơn ở nhà. Ba chị hình như còn mải bận bồi hồi: “Mới đó mà mấy mươi năm rồi. Đời người đúng là như gió qua”, nên không nhận ra sự trách cứ của đứa con vốn trực tính, hay thích chỉnh sửa “ông già” ruột của mình.

Giống như cảnh mỗi chiều chị hay la làng: “Ông cháu ở nhà với nhau cũng không yên là thế nào? Cứ gọi điện méc lẫn nhau, rồi bày bừa lung tung hết vậy nè?”.

Đấy là cái thời ba mới dọn về sống cùng. Giờ thì đỡ nhiều rồi. Chị nghe con gái lớn thuật lại: “Cứ xế chiều ông ngoại lại hối tụi con dọn dẹp. Đừng để về mẹ la. Đi làm đã vất vả lắm, hai đứa hiểu không? Hóa ra ông ngoại thương mẹ dữ thần à!”. Con bé lém lỉnh kết luận, và chị buột miệng xùy xùy: “Ba mẹ nào chẳng thương con, vậy cũng nói cho được…”.

“Sao cứ mấy bữa ba lại đòi về quê, còn ai đâu mà về, di chuyển mệt mỏi tốn kém?” - chị gặng hỏi xong thì tự tìm câu trả lời. Sống lâu trong căn nhà phố chật chội, hàng xóm đóng cửa im ỉm suốt ngày, cuồng chân lắm. Nhớ quê, nhớ ngôi nhà cũ, nhớ khu vườn đã bán cho người khác… Chị lặng thinh trước vẻ cam chịu “không dám cãi” của một ông già. Rồi hôm sau, chị tự mình đặt xe giường nằm cho ba về quê đổi gió. Đúng là ở mãi một chỗ cũng nhớ nhà thật…

Có lẽ khoảnh khắc cha con thân tình nhất là lúc cùng ăn bữa cơm tối muộn, chị vui miệng kể chuyện cơ quan, đồng nghiệp. Tỏ ra ấm ức chút là ba chị sẽ lên tiếng bênh vực con ngay: “Sao họ lạ thế? Con không biết phản ánh với lãnh đạo à? Phải công bằng, công khai chứ!”. Đại khái thế. Chị buồn cười với ý nghĩ, hóa ra trong lòng ba, chị còn bé mọn lắm, vẫn dễ bị ăn hiếp...

Chị hình dung lại cảm giác ngày xưa đợi mẹ đi chợ về ra sao, thì bây giờ, cả ngày ba chị cũng chỉ trông ngóng chị đi làm về như vậy. Nên sau này chị bớt la cà thấy rõ. Cuối ngày là chị lại thấp thỏm về. Bởi nếu chị ham mấy độ cà phê ăn uống, lắm hôm tận tối mới ló mặt tới nhà, chừng đó có khi ba chị vẫn còn đợi cơm, với lý do rất dễ giận, là không thấy đói, chưa muốn ăn, chứ có chờ ai đâu. Chị sẽ quạu đeo, hét ầm nhà, là sao tới bữa chẳng chịu ăn rồi uống thuốc, người bị chờ cơm không có vui vẻ gì đâu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xưa, ba chị rất vô tâm, chẳng ngó ngàng gì tới nhà cửa, toàn phó mặc cho vợ con. Nay mỗi ngày đều giành phơi đồ, cắm cơm, dọn mớ nước đọng mỗi sáng. Chị đọc ở đâu đó rằng, hãy để người già có cảm giác hữu ích, giúp được cho con cái việc này việc nọ, thì mới tốt. Nên chị đôi khi giả vờ than bận bịu, kêu mệt mỏi, để ba lăng xăng xách rác ra đổ, xếp lại mấy cái ghế quanh bàn ăn.

Cháu ngoại lựa lúc có mỗi hai mẹ con thì thắc mắc: “Gì kỳ vậy mẹ, lúc thì dặn đừng để ông làm lụng, khi thì biểu cứ để đó cho ông phụ một tay, là sao?”.

Chị đành giải thích với con, là người già quả thật dần trở lại thành một đứa trẻ. Phải cằn nhằn nhắc nhở hằng ngày. Phải canh me la rầy mới chịu khám bệnh, uống thuốc đúng giờ đúng bữa, mới biết chi tiêu hợp lý, mới chịu vứt bỏ mấy thứ cũ kỹ hư hỏng cho rộng nhà. Kiểu như, điện thoại hư mà nhì nhằng mãi, không quyết được là thay mới hay sửa chữa.

Chị dặn thêm con, là ăn gì nhớ rủ ông ngoại. Đồ ăn phải nấu nhiều, dọn ra mâm cần dư giả. Nhà có người già, nói gì cũng cẩn trọng. Lỡ lời: “Có biết đồ ăn mắc mỏ, ba mẹ đi làm vất vả lắm không con?”. Thế là dĩa cá, tô canh cứ như của Thạch Sanh, còn mãi, hâm đi hâm lại chỉ hao đi tí nước. Mua gì cũng phải nói bớt giá. Ra ngoài ăn thì phải lôi kéo thuyết phục mới chịu hợp tác. Nhà nấu cơm rồi, sao phải tốn kém chứ? Cái tâm lý để dành cũng khiến chị phát bực. Tuổi nào rồi, đời mấy tí mà cứ giữ cái nết tiết kiệm dè sẻn. Sao hồi trẻ chẳng chịu căn cơ, già lại… sinh tật thế này?

Nhà vắng hẳn những hôm thiếu bóng ba ra vào. Chị bỗng nhớ cái hôm ba dọn kệ sách, hỏi han truyện, ký của nhà văn A, tác giả B. Chị gặp lúc tâm trạng tốt nên góp lời, thế là ba chị hào hứng. Buổi sáng, ngay giờ con cháu tất tả đi làm, đi học, không có ba đứng xớ rớ, chẳng biết làm gì ngoài nỗi vướng tay vướng chân. Cuối chiều, chị nhận ra cũng không còn hình ảnh ông già bắc ghế ngồi ngoài sân, ngóng ra đầu hẻm, nơi dễ trông thấy xe cộ trở về nhất…

Nhà có người già, chỉ cần để tâm một chút, sẽ thấy đầy yêu thương tới xót xa… 

Thuỳ Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI