Nhà có hai tiến sĩ

19/11/2021 - 11:58

PNO - Hơn 20 năm anh chị là đôi bạn thân trên đường đời vạn nẻo. Như mọi gia đình khác, nhà có hai tiến sĩ thì cũng có khi bất đồng ý kiến chứ. Vậy, ai sẽ giành chiến thắng?

Cuộc “đấu khẩu”… ngọt ngào 

Khi mới về với nhau, vợ chồng tiến sĩ Lê Thị Hồng Na (giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) - tiến sĩ Đỗ Đại Thắng (từng là giảng viên cùng khoa, hiện là Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh, Đại học Quốc gia TP.HCM) bắt tay cải tạo, nâng tầng ngôi nhà.

Anh chị bàn bạc, thỏa thuận chia phần trách nhiệm các hạng mục. Mâu thuẫn phát sinh khi anh Thắng muốn sơn màu đỏ cam nóng cho bức tường phòng vợ chồng mình, anh vốn chuộng “cảm giác mạnh” thích tông màu nóng, thích đi phượt, chơi nhạc rock. 

Cặp đôi tiến sĩ và những phút giây ấm áp, vui nhộn cùng hai con
Cặp đôi tiến sĩ và những phút giây ấm áp, vui nhộn cùng hai con

Tuy nhiên, với con mắt kiến trúc sư của chị Na, chị chắc chắn màu đỏ cam sẽ không hợp với một không gian nhỏ hẹp. Tư vấn không thành, chị đành chiều ý anh. Ngay sau khi thi công, ba của anh đã lên tiếng phản đối. Anh Thắng cũng dần tâm phục khẩu phục tầm nhìn của “chuyên gia vợ”. Bức tường cuối cùng cũng được đổi thành tông sáng và cả nhà được một bữa cười. 

Khi được hỏi “nhà có hai tiến sĩ thì khi bất đồng ý kiến, ai sẽ giành chiến thắng?”, chị Hồng Na chia sẻ: “Khi có quan điểm khác nhau, mình thuyết phục anh như một người bạn, chứ không phải như với đối thủ. Đôi lúc để cho mỗi người tự trải nghiệm với quyết định của mình và rút bài học cho lần sau. Còn anh có ưu điểm càng thuyết phục càng dịu dàng, nhỏ nhẹ nên bao phen mình tự nguyện “xin hàng” lúc nào không hay”. 

Anh sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh, trong những đêm buồn, anh mở lời “chiêu dụ” chị cùng sang. Nửa năm sau, chị cũng săn được học bổng và đưa bé Rô hai tuổi đi cùng. Có những giai đoạn gia đình nhỏ phải chia ba, vì Rô được gửi trở về cho ông bà nội ở TP.HCM, anh sang Trung Quốc làm một đề tài nghiên cứu, chị ở tại Hàn Quốc học tập. Mỗi tối, cả nhà kết nối và trò chuyện từ xa. Rô thích các chương trình đố vui nên đã biến mẹ thành người dẫn chương trình, hai cha con là thí sinh tranh tài. Có lúc cả nhà ở ba phương trời khác nhau cùng vẽ vời trên màn hình một ngôi nhà với đủ màu sắc, đủ thành viên bên nhau. 

Tương tác và nhắn tin qua màn hình vô tình trở thành phương pháp cho cậu bé tiếp cận được chữ viết, con số. Một lần Rô ngập ngừng hỏi: “Mẹ ơi, chữ “lắm” viết sao hả mẹ?”. Chị Hồng Na trả lời đơn giản: gồm chữ “l”, “a” và “m” ghép lại. Bỗng Rô bảo mẹ chờ một chút. Lát sau màn hình hiện lên: “Con yeu me lam”. Rô mới ba tuổi sao có thể viết rành rọt được câu khiến trái tim của người mẹ xa con mềm nhũn. Bất ngờ, chị khóc ngon lành trước máy vi tính. Ngay giây phút đó, chị muốn bỏ lại tất cả, bay thẳng về Việt Nam để ôm chầm lấy con và nói “mẹ cũng yêu con nhiều lắm!”.

Vậy mà khi kết thúc khóa học, được Trường đại học Inha mời ở lại làm giảng viên, chị vui sướng với cơ hội tốt về thu nhập (gỡ lại ngân khố rỗng không vì suốt nhiều năm làm khách hàng thường xuyên của các hãng hàng không). Hơn hết, chị muốn có thêm một thời gian nữa được học hỏi các giáo sư giỏi cũng như nắm bắt cơ hội tương tác quốc tế. 

Đêm trước khi phải ra quyết định nhận lời ở lại xứ sở kim chi hay không, anh Thắng gọi điện thoại cho vợ (thời điểm đó anh đã hoàn thành khóa học, về nước hơn một năm). Chị thể hiện đủ cung bậc, anh chỉ dịu dàng, rỉ rả.

“Đấu khẩu” đến gần sáng, khi gần hết thẻ điện thoại, anh thủ thỉ: “Mình xa cách nhau như vậy đã quá nhiều, đã năm năm rồi. Gia đình mình có anh, em và con giờ đã đến lúc phải đoàn tụ. Anh trao em quyền quyết định. Nhưng nếu hỏi anh muốn điều gì, anh sẽ nói rằng tha thiết mong cả nhà đoàn tụ ở quê hương”. Anh cũng “bật mí” rằng mẹ anh đã khóc vì quá mong con dâu về và xót cho đứa cháu nội. Cúp máy, chị thu dọn đồ đạc, tâm trí ngổn ngang...

Sinh viên do tiến sĩ Hồng Na hướng dẫn tốt nghiệp thủ khoa năm 2018
Sinh viên do tiến sĩ Hồng Na hướng dẫn tốt nghiệp thủ khoa năm 2018

 

Chồng thiết kế kết cấu, vợ thiết kế kiến trúc

Thỉnh thoảng, nhớ lại, chị vẫn tiếc cơ hội vàng, nhưng chị về nhà được đại gia đình “ngàn lần... cưng hơn”. Vốn ưa chọc ghẹo, anh Đại Thắng nói: “Em về rồi muốn lên cung trăng, anh cũng cho lên luôn”. Và cái hạnh phúc “được lên cung trăng” chính là đây, là khi cả nhà quây quần bên mâm cơm do “bếp trưởng bà nội” chăm chút, khi cả nhà tập xe đạp cho con, mỗi cuối tuần kéo nhau ra quán ăn hay về Đà Lạt thăm ông bà ngoại. Anh Thắng đặc biệt mê Đà Lạt, đến nỗi cô gái thành phố ngàn hoa có cái tên “tứ quả” Lê Thị Hồng Na thoáng nghi ngờ tình yêu anh dành cho mình có là thật?

Mái ấm cặp đôi tiến sĩ rộn ràng hơn từ khi có em Phi chào đời. Anh chị định dừng lại ở một con để dồn hết tình thương, bù đắp cho Rô vì những tháng năm xa cách nhưng cậu bé cứ hỏi: “Chừng nào mẹ sinh em bé cho con?”. Đưa vợ đi sinh, vì cái tên Hồng Na dễ nghe nhầm là Hồng Nga nên anh phải luôn bám sát theo y tá, bác sĩ để nói to rõ tên sản phụ, tránh tình trạng... giao lộn con người khác.

Giờ đây, khi cậu anh đến tuổi tách mẹ thì may quá có cậu em kế tục sự nghiệp “đốn tim” mẹ khi cứ quấn quýt, thổ lộ tình cảm qua những dòng nhắn, hình ảnh ngộ nghĩnh, gây cười. Mẹ gọi Phi là viên kẹo mật ong bởi vị ngọt cũng như công năng bồi bổ, nhất là những lúc mẹ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Với chị Na, cảm giác hạnh phúc cũng tràn ngập trên giảng đường, bên những đồng nghiệp đầy tâm huyết với ngành giáo dục và ngàn sinh viên đến từ mọi miền đất nước mà chị luôn “thương như con”. Vui nhất là cái duyên thầy trò được nối dài khi sinh viên được cô Na dìu dắt nghiên cứu khoa học đã trở thành những đồng nghiệp trẻ, có em trở thành nhân viên trong tập đoàn Phúc Khang mà chị cộng tác.

Khi rục rịch nghe tin thầy Thắng cô Na đi công tác nước nào, các em đang sinh sống ở tại nước đó lại hẹn đón về nhà chơi hay cùng cụng ly tâm tình thâu đêm chuyện đời chuyện nghề. Tình cảm thầy trò góp thành lòng yêu nghề và lòng yêu nghề chính là động lực để anh chị cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. 
18 năm về trước, ngẫu nhiên ngày anh chị kết hôn trùng với ngày Trường đại học Bách khoa TP.HCM làm lễ xuất quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Thế là, chú rể sáng sớm lo làm lễ xuất quân cùng đồng đội và buổi tối thì lo tiệc cưới cùng cô dâu. Vài ngày sau, chú rể khoác vào người chiếc áo xanh, lên đường xuống Trà Vinh cùng các chiến sĩ xắn tay phục vụ bà con. 

Hơn 20 năm, anh chị đã là đôi bạn thân trên đường đời vạn nẻo. Nói theo ngôn ngữ “nhà cửa” thì anh chuyên thiết kế kết cấu, chị chuyên thiết kế kiến trúc, hai người bổ sung nhau, hợp thành một công trình. Và tình bạn gồm lắng nghe, tôn trọng đồng thời luôn bên cạnh ủng hộ, động viên, hỗ trợ là chất keo gắn chặt “công trình trăm năm” ấy. 

Với người phụ nữ thích đối diện thử thách như chị Na, lời nhận xét, góp ý thẳng thắn, có khi “dễ xa nhau” của anh Thắng lại phát huy tác dụng, giúp chị nhanh chóng nhìn nhận điểm yếu của mình để hoàn thiện hơn trong giảng bài hay viết sách báo, cũng như trong các kỹ năng tổ chức sự kiện, dẫn chương trình... Trên hành trình khám phá tiềm lực và sự đa năng của bản thân, thỉnh thoảng chị Hồng Na vẫn bị anh nhắc: “Bớt bớt lại, đừng nhận nhiều việc quá, đừng “xài hao” vợ của anh, mẹ của con anh!”. 

 

Đợt dịch giữa năm 2021, trung tâm nơi anh Đại Thắng quản lý đã biến thành Bệnh viện Dã chiến số 1, anh trở thành phó giám đốc của bệnh viện này với bao trọng trách và gian nguy. Sẵn máu “mùa hè xanh” năm nào, chị cũng lao vào các hoạt động thiện nguyện.

Khi hay tin người bạn cùng tham gia chiến dịch “Rau sạch yêu thương” chung với chị có biểu hiện mắc COVID-19, anh vừa họp xong, vội lái xe từ Thủ Đức về nhà ở Q.10 để test nhanh cho chị, rón ra rón rén vì sợ ba mẹ biết sẽ lo lắng. 

Trong tình thế hết sức “ngang trái”, vợ chồng xa nhau lâu ngày không thể trao nhau một cái ôm mà phải đứng cách xa, bảo hộ nghiêm ngặt. Kỷ niệm 18 năm ngày cưới với kế hoạch lãng mạn cũng đành hoãn lại.

Biết kết quả âm tính, anh thở phào rồi “rút lẹ” kẻo các con phát hiện ba về sẽ chạy ùa ra. Khi bóng anh khuất xa, chị Hồng Na lên trang cá nhân gõ vội vài dòng về kỷ niệm sâu sắc và không bao giờ muốn lặp lại: “Thật khó diễn tả hết cảm xúc này. Những cảm xúc mà mình và bạn ấy đều chưa từng trải qua. Vừa hồi hộp, vừa buồn, vừa lo, vừa mừng, vừa bản lĩnh, mạnh mẽ lại vừa thương, vừa nhớ...”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI