Nhà có hai mẹ chồng, hai nàng dâu

23/04/2022 - 05:55

PNO - Tôi may mắn chung sống bốn thế hệ trong gia đình mà người ta thường gọi là “tứ đại đồng đường”. Ngôi nhà nhỏ luôn đông vui, ấm áp.

Ông bà tôi có tám người con, mười cháu nội, năm cháu ngoại và hiện đã có bốn chắt. Con cháu của ông bà, người ở Đà Nẵng, người ở tận Bà Rịa - Vũng Tàu... chỉ bố tôi là con đầu nên ở chung với ông bà ở Quảng Trị.

Tôi may mắn chung sống bốn thế hệ trong gia đình mà người ta thường gọi là “tứ đại đồng đường”. Ngôi nhà nhỏ luôn đông vui, ấm áp vì có ông bà nội, bố mẹ tôi, vợ chồng em trai, con nhỏ của vợ chồng em.

Đại gia đình của tác giả trong một chuyến đi chơi
Gia đình của tác giả trong một chuyến đi chơi

Ông bà tôi đã trên 80, nhưng còn khỏe. Ông bà thay nhau giữ chắt, bồng chắt đi chơi, lui tới thăm hàng xóm. Nhiều người nói họ thích trò chuyện với ông bà. Họ ngưỡng mộ, vì cả ông và bà đều minh mẫn, nhớ rất nhiều chuyện ngày xưa của làng.  

Dù tuổi đã cao, nhưng do được sống trong bầu không khí gia đình nền nếp, hòa thuận và được con cháu chăm sóc chu đáo nên ông bà tôi vẫn hoạt bát, có thể ra vườn, làm đồng, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con, cháu, chắt. 

Mẹ tôi vẫn là nàng dâu gương mẫu, tận tụy với việc nhà, hết lòng chăm lo chồng con, tròn trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Ngoài việc đồng áng, mẹ còn tranh thủ chăn nuôi để có thêm thu nhập cho gia đình.

Mẹ thường bảo tôi: “Để có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình có bốn thế hệ thật khó. Trong giao tiếp hằng ngày, các thành viên đều phải tôn trọng sự khác biệt nhất định về tư tưởng, lối sống của nhau. Người già thích kể chuyện ngày xưa, người trẻ không thích nghe, nhưng cũng nên có cách ứng xử khéo léo nhẹ nhàng để ông bà cha mẹ không có cảm giác bị bỏ rơi. Thật may là ở nhà mình, người già, người trẻ, con nít luôn hòa thuận, hạnh phúc, mọi thành viên đều hài lòng với cuộc sống hiện tại”.

Tâm lý con dâu là con nhà người ta, không phải con mình hay mẹ chồng là mẹ của chồng mình chứ không phải người sinh ra mình chính là nguyên nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhưng thời mẹ tôi làm dâu cách đây gần 30 năm, bà nội đã là bà mẹ chồng “hiện đại” tốt tính, yêu thương con dâu hết mực. 

Mẹ tôi kể: “Hồi nhà mình còn nghèo khổ, bà nội sáng nào cũng tranh việc nhen bếp củi nấu nước nóng mỗi sáng và bây giờ mặc dù kinh tế đã ổn định, bà vẫn giữ thói quen này”. Nhà tôi nuôi heo, nuôi gà, bà nội luôn giành với mẹ việc chăm sóc chúng. 

Khi mẹ tôi năn nỉ: “Bà nghỉ ngơi đi, để việc đó con làm”, bà nội tôi vẫn khăng khăng: “Mẹ còn khỏe, để mẹ làm, ngồi không mẹ lại yếu người ra, mấy việc này nhỏ nhặt chứ nặng nhọc gì đâu”. 

Có một chuyện mẹ tôi hay kể và lần kể nào mẹ cũng xúc động. Đó là chuyện sau khi sinh hai lần, đã có gái - có trai, mẹ quyết định đi triệt sản. Bà nội biết chuyện, giận mẹ một tuần không nói chuyện. Sau vì thương cháu nội, hiểu ra “sinh ít để nuôi dạy con tốt”, bà nguôi dần rồi vui vẻ giữ cháu để mẹ tôi đi làm. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối bà giận mẹ. 

Bây giờ, mẹ tôi đã lên chức mẹ chồng mấy năm. Mẹ cũng thương con dâu như bà nội thương mẹ. Em dâu tôi nấu ăn ngon nên đảm nhận việc đi chợ, thiết kế thực đơn hằng ngày, nấu món gì ra sao. Mẹ tôi thì đảm nhận việc quét dọn, lau nhà, rửa chén… Có lần, em dâu tôi bệnh, phải nhập viện. Mẹ ruột của em ở xa, chồng thì đi làm, mẹ tôi xung phong: “Nó là con dâu tôi để tôi chăm, tôi lo”. Vậy là mẹ dậy sớm, nấu đúng món con dâu thích, mang vào viện, ở lại với con dâu… Tiền viện phí mẹ cũng chi từ nguồn tiền để dành của mẹ.

Ông bà và cháu (tác giả), chắt
Ông bà và cháu (tác giả), chắt

Khi em dâu tôi sinh con và hết kỳ nghỉ hộ sản rồi trở lại làm việc, vợ chồng em tính đưa con đi nhà trẻ, mẹ tôi can: “Cháu còn nhỏ quá, đi trẻ sớm thấy tội, lỡ bị đau ốm. Thôi để mẹ giữ cháu, để bé lớn tí nữa rồi đi nhà trẻ”. 

Tôi hay đùa rằng mẹ thương con dâu hơn con gái, mẹ tôi nói: “Sau này lúc về già, con gái đi lấy chồng thì mẹ ở với con dâu chứ ở với ai. Sao phải khó với con dâu chứ!”. Em dâu tôi thương quý mẹ chồng không kém mẹ ruột của cô ấy. Sinh nhật mẹ, em bí mật chuẩn bị chu đáo, mua bánh sinh nhật, nấu bữa cơm thật ngon để tạo bất ngờ cho mẹ chồng.

Trong nhà tôi, hầu như chưa khi nào xảy ra cãi vã, xung đột. Vui nhất là đến bữa cơm mọi người lại rôm rả: “Con mời ông bà; con mời bố mẹ, cháu mời ông bà…”. 
Tôi nhận ra, một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ được kế thừa và thẩm thấu những giá trị truyền thống, đạo đức.

Tuy nhiên, để duy trì nền nếp trong gia đình có nhiều thế hệ không phải chuyện dễ. Muốn con cháu đoàn kết, ông bà phải luôn là tấm gương sáng. Ông nội tôi là trưởng họ nhưng ông không hề gia trưởng, khắc nghiệt với con cháu. Đông con, đông cháu, nhưng ông bà thương yêu con cháu như nhau, không phân biệt trai với gái, cháu nội hay cháu ngoại. 

Ngày bố mẹ tôi có con, ông tôi nhắc: “Nuôi dạy con cũng giống như trồng cây vậy. Muốn cây xanh tốt, cho hoa, kết trái thì phải xuống phân đúng lúc, chăm sóc từ từ. Dạy con phải răn dạy từng tí một. Không nên la mắng, đánh đập trẻ”. 

Với bà con hàng xóm, ông tôi không giấu được niềm vui: “Không khi nào con cháu tôi lớn tiếng với nhau. Hạnh phúc ở ngưỡng 80 tuổi của vợ chồng tôi chỉ có vậy”. 

Vân Trình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI