Nhà có giày đàn ông

24/08/2023 - 06:13

PNO - Đàn bà không có đàn ông ở cạnh, bằng cách này hay cách khác sẽ biết bảo vệ mình. Đó có thể là bản năng, cũng có thể là kỹ năng mà cuộc sống dạy cho.

 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

“Dẹp ngay mấy đôi giày to tướng này vào kệ giày! Sao lúc nào con cũng làm mẹ vướng mắt. Có ngày vấp giày dép mà ngã gãy răng cửa như ba con hồi trước đó nha”. Câu trên tôi nói cả trăm lần, nhưng không hiệu quả.

Chàng trai của tôi mới 15 tuổi đã đi đôi giày to ngoại cỡ và rất lười cất lên kệ. Con có thân hình to béo nên chân cũng lớn hơn các bạn bằng tuổi. Chỉ 3 đôi giày số 45 là choán hết cái cửa nhà tôi. Con tôi nặng ký nên đi giày rất mau hư, tôi phải mua cho con giày tốt; nhà tôi lại ngay mặt tiền hẻm đông đúc, lỡ kẻ gian đi qua hốt lẹ là tôi lại mất toi chục triệu đồng sắm giày mới.

Hôm ấy, tôi lại mở “máy nói”: “Cất ngay mấy đôi giày chân voi này vào kệ giày!”. Con tôi ở phía sau cười giả lả: “Mẹ vừa body shaming (miệt thị ngoại hình - NV) đôi chân của con nhé. Thế mà mẹ bảo không bao giờ body shaming ai”. “Ừ, dọn giày chân khủng long đi rồi mẹ ngừng” - tôi vẫn cáu kỉnh. 

“Không nên mẹ à! Phải bày ra để người ta biết trong nhà có đàn ông lực điền, thay vì toàn phụ nữ và trẻ em chứ” - con tôi cười lớn hơn.

“Nhà có đàn ông lực điền”. Cụm chữ con dùng khiến tôi cười ngặt nghẽo. Sao lâu nay tôi không nghĩ ra ý nghĩa thú vị này nhỉ. Tôi nhớ tới cô đồng nghiệp ly hôn đã 13 năm nay. Cô ấy từng đến văn phòng xin mấy anh đồng nghiệp đôi giày cũ, đem về xếp trước cửa căn hộ chung cư, như báo cho xung quanh rằng “Nhà có đàn ông đấy nha!”, “Đừng ai bắt nạt tôi nha!”.

Cô nói đôi giày “làm màu” ấy giúp cô tự tin khi sống ở cái chung cư cũ nổi tiếng phức tạp. Nhiều khi cảm giác có kẻ xấu lảng vảng, cô phải xin cả áo thun của đồng nghiệp, đem phơi ngoài dây phơi bên hành lang.

Cô em khác trẻ đẹp rực rỡ, mới ngoài 30 và ly hôn 2 năm nay thì nghĩ ra cách lạ: cô ra tiệm đồ cũ mua cái nhẫn giống như nhẫn cưới, để “phòng vệ” trước các ông tọc mạch.

Vừa thoát khỏi người đàn ông keo kiệt và gia trưởng kinh khủng, cô quá sợ hôn nhân, nên xác định sẽ ở vậy nuôi con gái lớn rồi tính. Cô không công khai chuyện ly hôn, ngay cả cha mẹ hay anh chị cũng chỉ biết chàng rể “đi du học”, chứ không có thông tin gì.

Mỗi khi có anh con trai nào tán tỉnh, cô lại ngồi xoay xoay cái nhẫn một cách đầy chủ ý.

Còn tôi, chồng đi công tác quanh năm. Anh là dân cầu đường nên bao năm phải theo dự án ở hết tỉnh này tới công trình ở tỉnh khác, toàn những tỉnh thành xa xôi hẻo lánh nên không tiện về nhà.

Tính ra, có chồng đấy mà mẹ con tôi cũng tự lo, tự xoay xở hệt như mấy người phụ nữ đơn thân kể trên. Trước khi kết hôn với anh chàng làm nghề đặc thù này, tôi đã xác định sẽ rất cô đơn vất vả, nên từ từ tôi cũng chẳng còn buồn phiền gì việc anh đi biền biệt.

Ngày con còn nhỏ, chúng tôi trao đổi chuyện con cái và tình cảm với nhau mỗi ngày. Bây giờ, có khi tôi giật mình, cả tuần chẳng hề nhắn gọi cho nhau. Vậy nhưng, tôi chẳng buồn giận hờn, than trách. Trong suy nghĩ của tôi, anh vẫn là trụ cột, anh đang cố gắng làm lụng tích cóp tiền để con chúng tôi có điều kiện tốt hơn.

Khi giao tiếp với xung quanh, tôi cũng hay nhắc đến chồng trong các câu chuyện, nên cảm giác anh vẫn hiện diện sinh động trong đời sống của mấy mẹ con. Cũng có thể vì kém nhan sắc, không thu hút người khác giới, nên tôi cũng chưa bao giờ tính chuyện phải lập hàng rào phòng ngừa người khác phái.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Hồi nọ đi họp lớp, người bạn trai thời phổ thông đã trêu chọc tôi: “Bà có thể ngừng nhắc chồng được không? Hở ra là nhắc đến chồng, bà sợ tôi cua bà à?”, nhưng sau đó bạn kết luận với cả nhóm: “Nên như vậy nha! Nhắc chồng cũng là cách giữ mình hiệu quả đấy mấy bà; có điều đừng nhắc nhiều quá, khiến bạn bè mất hết hứng thú gặp gỡ, chuyện trò là được”. Tôi quê độ nên phân bua: “Thông cảm, nhà người ta không có đàn ông mới hay như vậy”.

Đàn bà không có đàn ông ở cạnh, bằng cách này hay cách khác sẽ biết bảo vệ mình. Đó có thể là bản năng, cũng có thể là kỹ năng mà cuộc sống dạy cho. Nhưng dù đã quen sống “tự lo”, chấp nhận hay lựa chọn đơn thân, chúng tôi vẫn mong không phải gồng lên, không phải “làm màu” để có sự an ổn.

Tôi đang bàn với chồng về việc anh nghỉ hưu sớm để về đoàn tụ. Tôi cũng mong các cô bạn đã ly hôn của tôi sẽ có đôi giày nam xếp ngoài cửa và chủ nhân thực sự của chúng thì hiện diện trong nhà; có chiếc nhẫn cưới thật, chứ không phải nhẫn giả mua ở tiệm lạc xoong. 

Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI