'Nhà có điều kiện' nói gì về việc cho con mặc hàng hiệu

11/07/2018 - 16:53

PNO - Từ clip khoe những đôi giày vài chục triệu đồng của nhóm bạn trẻ, dư luận xã hội trở nên ồn ào. Với câu hỏi "Có nên cho trẻ xài hàng hiệu?", chúng tôi đã gặp ba bà mẹ 'có điều kiện' và rất cưng con...

Diễn viên Hiền Mai: Tôi cho con mặc đồ hiệu và vẫn dạy con hiểu giá trị của lao động

'Nha co dieu kien' noi gi ve viec cho con mac hang hieu
Diễn viên Hiền Mai và con trai.

Tôi có con trai trong độ tuổi teen, là cái tuổi mà mọi người hay sợ con sẽ đua đòi, áo này, quần kia mà không hiểu giá trị đồng tiền. Chính vì thế tôi rất quan tâm đến những vấn đề đang hot trong lứa tuổi này. Thật sự tôi thấy hình như mọi người đang phản ứng hơi thái quá với việc các em nhỏ đưa ra giá của những món đồ các em đang mặc. Theo tôi, khi cha mẹ có điều kiện, làm ra tiền đủ và dư dả để mua những món hàng hiệu đắt tiền, thì việc cho các con sử dụng những món hàng như thế cũng là bình thường, sao phải lên án cả cha mẹ các em, cả các em vậy? Cha mẹ nào cật lực làm việc cũng vì niềm vui của con cái, vì để cho con cái được sống tốt hơn mà.

Thế giới luôn sản xuất ra những món hàng có giá trị cao cũng là để cho những người có khả năng sử dụng chúng thôi mà. Có ai nói rằng sản xuất hàng hiệu là có tội và xài hàng hiệu là có tội hay chưa mà lên án, chê bai, trách móc họ. Tôi còn hết sức dị ứng với cách nói: Tiền đó sao không đi làm từ thiện đi, rằng bào nhiêu trẻ em đang đói ăn thiếu mặc…

Thật là một cách nói buồn cười, theo tôi nghĩ là hơi cạn, hơi hẹp. Làm sao bạn biết rằng cha mẹ họ không làm từ thiện? Làm sao bạn biết rằng những đứa trẻ đó sống hoàn toàn thờ ơ, vô cảm với người khác.

Nếu nói rằng quần áo không phản ánh con người thì cũng hãy công bằng một chút, đừng nói rằng quần áo rách hay xấu không phản ánh con người, mà cả quần áo đẹp, hàng hiệu cũng không phản ảnh con người (theo nghĩa xấu).

Tôi có điều kiện và tôi cũng cho con mình mặc đồ có giá trị. Có điều là cùng với việc đó, tôi vẫn dạy con hiểu giá trị của lao động, là tôi và chồng tôi đều làm việc rất nhiều để có giá trị đó và con tôi sẽ lấy cách làm việc, phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn của chúng tôi làm gương.

Chị Lại Thị Vân Giang: Thu nhập 200 triệu đồng/ tháng, chi tiêu cho ăn mặc 40 triệu đồng có gì sai?

'Nha co dieu kien' noi gi ve viec cho con mac hang hieu
Chị Vân Giang cho rằng giàu không phải là cái tội.

Cái cách mọi người phê phán bọn trẻ trong clip khoe đồ khiến tôi nhớ lại thời nào đó xa xưa cách đây vài chục năm, khi nhà bạn ăn gà có nghĩa là bạn có lỗi với mọi người xung quanh.

Đã qua lâu lắm rồi cái thời giàu là có tội. Và như thế thì cha mẹ có thu nhập cao, con sẽ được mặc đẹp, đó là chuyện bình thường. Tôi ví dụ, nếu lương của vợ chồng là 100% thì việc họ chi ra 10% hay 20% cho ăn mặc thì có sao. Thí dụ, thu nhập của vợ chồng là 200 triệu đồng/tháng (có người còn cao hơn) thì chi 40 triệu đồng/tháng cho ăn mặc, có gì là sai? Mà có phải tháng nào cũng mua hết bấy nhiêu đâu? Có tháng mua cái quần, tháng mua cái áo…

Bên cạnh đó, theo tôi cho con cái ăn mặc đẹp cũng là một cách để trẻ phát triển. Trẻ được tận hưởng những dịch vụ cao thì sẽ có những ý tưởng, nguyện vọng, ước mơ, mục đích phấn đấu cao hơn. Ăn mặc đẹp cũng giúp các con phát triên gu thẩm mỹ. Bởi chẳng ai phủ nhận được là hàng hiệu thì rất đẹp, rất chất lượng.

Số đông dân ta còn bị đóng đinh vào cái khẩu hiệu: phải khiêm tốn, không được khoe khoang. Nhưng đôi khi chỉ vì thế mà người ta hay ganh tỵ nhau và sợ bị ganh tỵ. Ngay ở nhà, ba mẹ tôi hay la mắng tôi bằng cái câu: Thời của ba mẹ thế này, thế kia…

Nhưng, xã hội phải phát triển, đời sống phải nâng lên chứ. Cứ khổ hoài như thế thì làm sao tiến lên? Tôi chẳng muốn kéo con nhìn về phía sau mà hướng con nhìn lên phía trước để bản thân cố gắng hơn.

Chị Huỳnh Mai An Đông: Tôi không sùng bái hàng hiệu. Đẹp là trên hết!

'Nha co dieu kien' noi gi ve viec cho con mac hang hieu
Chị An Đông cho biết chị không sùng bái hàng hiệu mà sùng bái cái đẹp

Tôi thuộc tuýp người không quan tâm đến hàng hiệu mà chỉ chú trọng đến việc ăn mặc sao cho có gu, thanh lịch, đẹp và phù hợp với chính tôi, với người thân của tôi mà thôi. Khi mua đồ, tôi không mua hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc, tôi chọn nhãn hàng tầm trung, chất lượng hoặc hàng Việt Nam.

Tôi cũng không chọn hàng hiệu cho con, dù con có đòi tôi cũng không đồng ý, vì với tôi, đẹp là quan trọng nhất và tôi không sùng bái hàng hiệu. Khi mua đồ cho con, tôi không cho con biết giá trị của món đồ mà tôi mua.

Tôi thường chỉ nhấn mạnh những điều khác: ví dụ đồ này mẹ đi Nhật và phải vào một cửa hàng, chọn lựa rất lâu cho con. Nó vừa là kỷ niệm, vừa là công sức của mẹ nên con phải biết quý nó.

Riêng về cái clip khoe đồ của giới trẻ, tôi thấy có hai vấn đề: Nếu cha mẹ của các em giàu và họ cho các em ăn mặc, tiêu xài theo tỷ lệ tiền họ làm ra thì việc đó là hết sức bình thường, chẳng có gì phải lên án họ hay con họ.

Còn những đứa trẻ đó có biết giá trị đồng tiền hay không và các em có được giáo dục điều đó hay không thì mình làm sao biết được. Chỉ có điều, nói thật, tôi thấy những món đồ bọn trẻ mặc chẳng có gì là đẹp. Nhưng đó lại là chuyện gu thẩm mỹ của mỗi người.

                                                                                      Thanh Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI