|
Nhà có đám giỗ nhưng em dâu Gen Z trốn trong phòng đóng cửa (ảnh minh họa) |
Gen Z (Generation Z - thế hệ trẻ sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012) có những suy nghĩ rất khác lạ so với các thế hệ trước. Người ủng hộ Gen Z sẽ nói đó là sự tân thời, hiện đại, văn minh. Nhiều người khác lại phản đối, cho rằng có sự lai căng, chưa phù hợp với truyền thống gia đình Á đông. Học hỏi cái mới là tốt nhưng vẫn phải giữ được bản sắc văn hoá truyền thống. Vậy quan điểm của bạn thế nào?
Tôi xin kể chuyện khá phổ biến của một cặp vợ chồng Gen Z, ngay trong nhà tôi. Em trai tôi sinh năm 2000, dẫn một cô bạn gái kém 1 tuổi về ra mắt. Cô bạn gái có lối sống khá tự do, phóng khoáng, chưa lập gia đình nhưng sống riêng, không phụ thuộc gia đình. Cậu em tôi trong lúc tìm hiểu đã tới sống chung với cô gái này. Sau 1 năm thấy hợp, cậu dẫn bạn gái về xin cưới.
Nói là xin bố mẹ cưới dâu cho phải phép, chứ thực chất là em tôi thông báo cho cả nhà biết về đám cưới. Theo ý cậu thì đám cưới chỉ làm vài mâm cơm trong gia đình, không mời bạn bè, dòng họ. Sau mâm cơm này, 2 em dẫn nhau đi đăng ký hết hôn rồi du lịch. Vợ chồng em sẽ gửi báo hỷ trên nhóm dòng tộc ở Zalo, Facebook để mọi người nắm thông tin.
Mẹ tôi nghe quý tử thông báo thì sững sờ. Bố tôi giận run người, không chấp nhận thái độ của con trai. Ông bà đã không được quyền biết con dâu là ai, thân thế ra sao, gia đình sui gia cũng chưa từng qua lại chào hỏi.
Bố tôi giận dữ, hỏi cậu con rằng vai trò của bố mẹ ở đâu trong chuyện dựng vợ cho con? Em tôi thản nhiên trả lời: “Bố mẹ và gia đình là khách dự tiệc. Bọn con cưới chứ không phải mọi người cưới, quyền quyết định đương nhiên phải là chúng con”.
Em tôi còn dọa rằng nếu bố mẹ không đồng ý cũng chẳng sao, các em sẽ khỏi cần làm mâm cơm hỷ, dẫn nhau đi đăng ký kết hôn là xong.
Cả nhà tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Bố mẹ tôi sợ con cho... ra rìa. Vậy là em tôi đã cưới vợ theo tư tưởng mới, em gọi đó là đám cưới độc lập, tự chủ, tiết kiệm, hiện đại, văn minh.
Chuyện chưa dừng ở đấy, ngày giỗ bà nội, cậu em dẫn cô dâu mới về chơi. Bố mẹ tôi mừng lắm khi nghe tin vợ chồng con sẽ ở lại nhà vài ngày. Từ ngày cưới nhau, 2 đứa chỉ về chơi chốc lát rồi đi.
9g sáng, vợ chồng con cái tôi qua nhà ngoại dự đám giỗ bà. Tôi thấy mẹ loay hoay làm cỗ trong bếp. Tôi vào phụ mẹ làm bếp. Mọi người có mặt hỏi T - cô dâu mới đâu, tôi và mẹ đều giải vây cho em dâu. Mẹ bảo T. đang bị cảm sốt nên không ra phụ được. Tôi cũng bênh em dâu, nói rằng giờ là con cái trong nhà nên cứ để em thoải mái.
Nhưng rồi vợ chồng em dâu vẫn ngủ trong phòng cho tới 11g trưa. Khi cỗ bàn đã bày lên hết, mọi người đều đã thắp nhang cúng bà nội, vẫn chưa thấy mặt 2 đứa. Mặt bố tôi sầm xuống, ông chưa quen được với nếp sống “hiện đại” này.
Mẹ tôi định vào gõ cửa phòng gọi 2 con ra ăn cơm, nhưng tôi đã gàn lại. Tôi sợ mẹ làm vậy khiến em dâu ngại. Tôi lấy điện thoại nhắn tin cho em trai, nhắc 2 đứa ra ăn cơm.
12g trưa, vợ chồng cậu em mới ngái ngủ bước ra. Cô em dâu chào hỏi mọi người xong thì quay ra hỏi chồng: “Anh ơi, em có cần thiết phải ăn cơm không? Em chưa đói!”.
Cả nhà chưa hết sững sờ thì lại nghe câu trả lời của em tôi: “Em có quyền không ăn nếu em chưa muốn”. Thế là cô dâu mới cười rõ tươi với chồng và đáp: “Vậy em vào ngủ tiếp nhé”. Vợ chồng "mi gió" nhau rồi cô em dâu đi thẳng vào phòng ngủ.
Ngồi xuống mâm cơm, cậu em tôi còn "giảng" cho cả nhà: “Quan trọng lúc bà còn sống, chứ đám giỗ chỉ là hình thức, bà có ăn được đâu. Gia đình ta cũng phải thay đổi dần những phong phục cổ lỗ sĩ thế này”.
Bố tôi tỏ ý không hài lòng vì vợ chồng con trai không ra phụ giúp mẹ và chị mà lại ngủ tới trưa, khi cả nhà ngồi ăn cơm, cô con dâu cũng vô lễ bỏ đi ngủ tiếp. Nghe tới đây, cậu em phản đối. Em cho rằng ăn và ngủ là quyền cơ bản của con người, thế nên vợ em có quyền đó. Chuyện vào bếp nấu cơm là quan niệm của bố mẹ, không phải của các em. Nấu cơm mà để mệt mỏi rồi cự cãi nhau thì vui vẻ gì. Sau này, đám giỗ không cần nấu, cứ đặt đồ ăn về là được. Em trách mẹ và tôi vẽ vời cho vất vả, chứ đó không phải lỗi của vợ chồng cậu.
|
Mâm cơm gia đình ngày giỗ bà là dịp cả nhà tề tựu, sum vầy, nhưng em tôi cho đó là phong tục cổ lỗ sĩ (ảnh minh họa) |
Tôi rất bực, theo tôi những người sống và quan niệm như vậy là vô trách nhiệm, ích kỷ chứ không phải văn minh hay hiện đại. Vào bếp nấu mâm cơm nhân ngày giỗ là truyền thống đẹp, giúp các thành viên kết nối, tề tựu, sum vầy. Đại gia đình ăn cơm mà cô dâu bỏ vào đi ngủ tiếp là sự vô lễ của 2 vợ chồng đối với bố mẹ và người lớn trong nhà. Ăn ngủ là quyền cơ bản của con người, nhưng nếu hành động theo bản năng, không nhìn trước nhìn sau, cân nhắc nặng nhẹ như vậy có phù hợp hay không?
Tôi không ủng hộ sự gia trưởng, chèn ép người phụ nữ trong gia đình. Thế nhưng giữa mối quan hệ cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình vẫn phải có sự tôn trọng vai vế chứ không thể "cá mè một lứa" rồi bảo đó là văn minh, hiện đại!
Lý Lan