Nhà có 3 người loãng xương

25/05/2014 - 17:28

PNO - PNCN - Chỉ va chạm nhẹ cũng đủ làm cho xương gãy, chữa trị hai - ba tháng mới lành là tai họa mà hai cô gái trẻ Thanh Nga, Thanh Ngân phải chịu đựng nhiều năm nay bởi căn bệnh xương thủy tinh. Không ngã lòng, cùng con vượt qua bệnh tật,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Hoài Tâm kể về gia đình nhỏ của mình: “Lúc quyết định sinh đứa thứ hai, Thanh Ngân, tôi mong sau này nó sẽ lo cho Nga khi vợ chồng tôi già yếu, qua đời. Đâu ngờ Ngân cũng bệnh giống Nga. Cả hai đứa con gái tôi đều mắc chứng xương thủy tinh, có thể gãy bất cứ lúc nào. Nếu biết trước như vậy, tôi đâu sinh con ra để nó khổ”. Lúc nhỏ, Ngân phát triển bình thường. Nào ngờ, trong một buổi chào cờ vào năm học lớp 1, Ngân bị gãy xương sau khi va chạm nhẹ với bạn. Thương Nga chưa một ngày được đi học, giờ Ngân cũng phải sớm giã từ trường lớp, vợ chồng chị hoang mang, nhưng cố động viên nhau bước tiếp.

Chìa cẳng chân với vết mổ chưa lành hẳn và thanh kim loại gắn ở gót chân, Thanh Ngân (16 tuổi) cho biết, em từng gãy chân hàng chục lần. Chỉ tay về phía cô chị Thanh Nga (21 tuổi), Ngân nói: “Chị Hai còn bị gãy xương nhiều hơn em, chị đã gãy xương trên 100 lần”.

Thanh Nga bị loãng xương rất nặng, được phát hiện từ lần té ngã lúc hơn một tuổi. Chỉ vì những lý do đơn giản như hắt hơi, ho, chồm lên phía trước lấy đồ vật hoặc cầm ly nước uống, xương của Nga cũng nứt gãy. Khi y tá tiêm thuốc, rút kim, Nga vặn người vì đau, cũng gây gãy xương. Có ngày, buổi sáng Nga gãy tay, chiều gãy chân. Thân thể bé xíu, cân nặng chưa đầy 20kg của Nga chi chít vết thương.

Nha co 3 nguoi loang xuong

Nhất cử nhất động, Nga đều phải nhờ mẹ ẵm hoặc bưng bằng mâm

Anh Trương Thanh Bình, chồng chị Tâm có mật độ xương rất thấp, di truyền sang các con. Hơn 20 năm nay, sống với ba bệnh nhân loãng xương, chị Tâm có đến… hơn 200 bận nuôi chồng con ở bệnh viện. Từ bệnh viện về, có khi chưa kịp soạn giỏ đồ ra thì chị đã phải xách giỏ quay lại. Chị suốt ngày phải ở nhà lo cho con. Không thể trông chờ vào đồng lương làm thuê ít ỏi của chồng, chị Tâm tranh thủ nhận kết cườm, thêu thùa gia công. Ngân, Nga cũng tập tành kết cườm, kết chuỗi trang sức phụ mẹ. Làm quen tay, các em dần tạo ra sản phẩm đẹp, tinh xảo. Tay cong queo, Nga tham gia những công đoạn dễ nhất. Ba mẹ con ngồi làm ròng rã từ sáng đến khuya, chỉ nhận được tiền công khoảng 60.000đ. Dù tiền công ít nhưng ba mẹ con chị Tâm cũng có đồng ra đồng vô, công việc phù hợp tình trạng sức khỏe của Nga, Ngân. Thương gia cảnh chị Tâm, người chủ rất chiếu cố, ưu tiên, luôn để dành hàng cho chị làm. Dù nhức mỏi, uể oải, Nga, Ngân vẫn kiên nhẫn làm việc để đỡ đần cho mẹ. Hơn nữa, làm việc cũng là cách để Nga, Ngân tìm niềm vui.

Vợ chồng chị Tâm cứ vài tháng, lúc vài ngày, lại tức tốc chở con vào Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Sợ con lại bị gãy xương do dằn xóc trên đường đi, chị Tâm dùng nẹp cố định vết thương, lót gối êm rồi ẵm con trong lòng, dù mỏi rụng rời cũng không dám đặt xuống. “Phải chi tôi có thể đau thay con. Khi con khóc, tôi chỉ biết khóc cùng, ôm con, nói chuyện để con tập trung nghe, quên vết thương hoành hành” - chị Tâm nghẹn ngào.

Nha co 3 nguoi loang xuong

Ngân với chiếc xe đặc biệt do ba Bình tự chế

Không biết bao lần chị Tâm nhịn ăn nhịn mặc, dành tiền mua búp bê, thú nhồi bông cho con vuốt ve, ôm ấp và có thể chợp mắt được một chút, chạy trốn cơn đau. Cũng chính vì ám ảnh tiếng khóc gào gọi mẹ của Nga, chị Tâm đã quyết từ chối khi có bác sĩ người Pháp xin đưa Nga về Pháp để theo dõi, chữa trị. Chị sợ khi xa cách, con có kêu mẹ đến khản tiếng thì mẹ cũng không thể nào đến được với con. Vẫn biết nếu để Nga đi thì có nhiều cơ may hơn, nhưng sống thiếu hơi ấm gia đình, liệu con gái chị có thể chịu nổi? Suy đi tính lại, chị vẫn giữ con bên cạnh, chấp nhận gian nan, cực nhọc.

Anh Bình không kìm được nước mắt xót xa mỗi lúc con gãy xương, băng bột. Đôi tay đàn ông lóng ngóng, vụng về, anh dốc sức cùng vợ chăm sóc, chạy chữa cho con; nhiều lúc phải mượn nợ, vay nóng, gia đình chị Tâm lâm vào cảnh túng quẫn, khốn đốn. Năm 2009, anh chị đành bán căn nhà đang ở. Bốn mảnh đời vất vưởng may mắn được người chị đưa về sống ở căn nhà lá mà chị đang cho thuê, nhưng rồi lại không ở được lâu vì nhà dột nát, nước ngập. Sau đó, cả nhà về ở chung với nội. Chị Tâm mở tiệm tạp hóa, được hàng xóm thương, đến mua ủng hộ. Nhờ đó, cuộc sống của cả nhà dần cải thiện. Anh Bình làm bảo vệ, giữ xe cho một nhà hàng tiệc cưới, cộng với trợ cấp của địa phương hàng tháng 300.000đ, vợ chồng dè sẻn chi tiêu, bồi bổ cho các con.

Nha co 3 nguoi loang xuong

Chị Tâm và hai con cần mẫn với công việc thêu thùa kết cườm hàng ngày

Sức khỏe của Nga, Ngân dần tiến triển tốt và nhờ biết cách chăm sóc giữ gìn nên xương ít bị gãy hơn. Như được tiếp thêm sức mạnh khi tập với chiếc xe tự chế của ba, Ngân đã đứng dậy được. Hy vọng một ngày không xa con sẽ đi được, chị Tâm vui mừng, gặp ai cũng rối rít khoe. Thận trọng hơn, anh Bình lo sự kỳ vọng của mình khiến con sốt ruột, sẽ tập quá sức, nên thường nhắc nhở “con tập từ từ, cẩn thận”, dù lòng anh cũng khấp khởi.

Nhắc đến công lao của ba mẹ, Ngân ngậm ngùi: “Em được ba mẹ rất mực yêu thương. Nhờ điểm tựa tình thương này mà gia đình em có được như hôm nay”. Dừng tay thêu, chị Tâm rơm rớm: “Hai đứa có hiếu lắm, dù buồn hay mặc cảm thân phận cũng nén trong lòng, không thể hiện, sợ ba mẹ lo lắng, xót lòng. Khi tôi làm mệt, ăn không nổi, các con cũng đòi “tuyệt thực”; giả bộ bỏ mứa thức ăn để tôi thấy tiếc nên ăn. Cực khổ nhưng con ngoan, gia đình hạnh phúc là tôi mãn nguyện”.

TÔ DIỆU HIỀN
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI