Nhà có 3 mẹ con, cả 3 đều bị sốt xuất huyết

25/07/2017 - 16:51

PNO - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã ghi nhận 3 trẻ nhỏ tử vong vì sốt xuất huyết. Đặc biệt nhiều gia đình nhập viện 'nguyên cả nhà' vì sốt xuất huyết.

Ồ ạt nhập viện do sốt xuất huyết ở trẻ em

Đang nuôi bé H.T.V.K. (10 tuổi) điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chị N.T.H. (39 tuổi, nhà ở tận tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Hai tháng trước tôi bị sốt xuất huyết phải điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Tôi vừa xuất viện, thằng con út 4 tuổi bệnh. Thằng út vừa hết bệnh lại tới lượt thằng này (bé K. – PV) cũng sốt xuất huyết. Tôi mệt quá phải nhờ bà ngoại bé chăm phụ”.

Theo chị H., bé K. nhập viện và điều trị đã gần một tuần, hiện bé đã ổn định, có thể ăn uống trở lại. Chị nói thêm, xóm của chị cũng có 4 người bị sốt xuất huyết Dengue.

Nha co 3 me con, ca 3 deu bi sot xuat huyet
Bà Phượng đang chăm con mình tại Bệnh viện Nhi Đồng 1


​Bà Lưu Thị Bích Phượng (48 tuổi, hiện ở Bình Tân, TP.HCM) cũng lắc đầu ngán ngẩm. Bé L.H.A. (12 tuổi, con trai bà) đang điều trị sốt xuất huyết tại đây được 3 ngày.

Tuần vừa rồi, bé A. bị sốt li bì, mệt mỏi, không thiết ăn uống, bà đã muốn đưa bé đến bệnh viện kiểm tra từ sớm nhưng cứ chần chừ. Đến khi A. không thiết chạy nhảy, người nóng bừng, nghe sốt xuất huyết ngày càng nhiều, bà Phượng lo lắng nên mới đưa con mình đi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé A. bị sốt xuất huyết, bà ở lại bệnh viện với con đến bây giờ.

Bà thở phào nhẹ nhõm: “May mà tôi đưa con vào sớm, chứ mấy đứa nhỏ trong đây tội lắm, suốt ngày nằm li bì”.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, năm nay bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em tăng cao, gần như gấp đôi số lượng trẻ so với tháng 6-7/2016.

Tính từ đầu năm, đã có gần 2.000 ca sốt xuất huyết nhập viện tại đây. Hiện tại, bệnh viện có 110 ca trẻ em đang điều trị, trong đó chỉ có 9 ca sốc nặng. Bệnh nhân nằm khá đông khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Trong đó, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 45%.

Nha co 3 me con, ca 3 deu bi sot xuat huyet
Bác sĩ Tuấn cho biết: "Ở nhà có một người bị sốt xuất huyết, người khác bị nóng sốt khoảng 2 ngày phải đi đến bệnh viện khám ngay".


Sốt xuất huyết có lây không?

Bác sĩ Tuấn cho biết: “Trẻ em bị sốt xuất huyết đa có xu hướng tăng. Nếu tháng 6 chỉ có 30-40 ca, thì tháng 7 có 80-90 trẻ nhập viện. Trong đó 10% trẻ phải nhập viện cấp cứu.

Có trường hợp cả 3-4 người trong gia đình cùng mắc bệnh. Sốt xuất huyết lây lan trong gia đình rất nhanh,  người này vừa hết, người kia lại vào viện”.

Phần lớn các bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết năm nay đều bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu, triệu chứng của xuất huyết. Nặng hơn, bệnh nhi có thể bị sốc, xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng, đi phân đen.

Thậm chí, trẻ em gái ở tuổi dậy thì bị xuất huyết âm đạo bất thường. Thời gian gần đây, sốt xuất huyết lại có sự chuyển dịch bệnh nặng sang trẻ lớn và người lớn.

BS Tuấn cho rằng, sai lầm lớn nhất khiến trẻ bị sốt xuất huyết nặng dẫn đến sốc đó là cha mẹ tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi trẻ bệnh, người lớn thường có thói quen mua thuốc ở các hiệu thuốc gần nhà cho trẻ uống.

Nha co 3 me con, ca 3 deu bi sot xuat huyet
Theo bác sĩ Tuấn, cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là diệt lăng quăng, phòng trừ muỗi đốt


“Điều này khiến những biểu hiện bệnh của trẻ bị ẩn đi, hoặc thuốc quá liều hay quá mạnh có thể gây xuất huyết tiêu hoá, tổn thương gan. Một số bệnh nhân ăn uống kém nhưng người nhà đã vội truyền dịch khiến cơ thể phù nề, sau dẫn đến suy hô hấp và nguy kịch.

Triệu chứng sốc ở trẻ là lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt, tay chân lạnh, tụt huyết áp. Nếu chậm trễ điều trị sẽ không đo được huyết áp. Trẻ bị sốt xuất huyết dễ thấy nhất là xuất huyết ngoài da, chảy máu răng, máu mũi,… Nặng hơn bệnh nhân có thể bị suy đa cơ quan, suy hô hấp, tổn thương não”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, cách tốt nhất là phòng bệnh sớm, chăm sóc chu đáo và theo dõi trẻ kỹ càng, nếu trẻ có những dấu hiệu nóng sốt liên tục trong 3 ngày không khỏi, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để trẻ sớm được thăm khám và điều trị (nếu có bệnh). Từ đó hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. 

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, theo một số liệu thống kê, toàn quốc hiện có 60.000 ca nhiễm sốt xuất huyết. Trong đó tử vong là 17 ca. Riêng ở BV Nhi Đồng 1, từ đầu năm đã có 3 trường hợp tử vong.

Các ca này đều biến chứng suy đa cơ quan. Có trường hợp do cha mẹ chủ quan, nên khi đến BV đã sốc rất nặng, xuất huyết tiêu hoá. Tuy nhiên, có những trường hợp đến rất sớm nhưng vẫn không cứu được, bởi trẻ có những bệnh mãn tính hay có vấn đề về tiểu cầu.

"Sốt xuất huyết hiện nay không có thuốc đặc trị. Mỗi người cần dành mỗi ngày 10-15 phút diệt lăng quăng. Muỗi vằn thường thích sống gần người, đẻ trứng trong lu vại, chỗ nước trong.

Chúng ta có thể sử dụng những phương pháp dân gian như thả cá bảy màu, dùng hương xua muỗi hay dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI