Nhà chồng là nhà mình

16/02/2023 - 15:34

PNO - Anh giả bộ băn khoăn: “Nhà mình chật chội, con còn nhỏ, hay để anh đi kiếm cho cháu cái phòng trọ”. Em gạt đi.

 

Vợ luôn chào đón những người họ hàng bên chồng tới nhà (ảnh minh họa)
Vợ luôn chào đón những người họ hàng bên chồng tới nhà (ảnh minh họa)

Nhận được điện thoại nhờ vả của người bà con ở quê, anh đứng ngồi không yên. Từ chối thì áy náy mà nhận lời thì không biết em có đồng ý không.

Thực sự, anh rất ngại vì mấy năm nay toàn người quê anh lên nhờ vợ chồng mình giúp đỡ trong khi bên nhà em không mấy khi làm phiền. Lần này, bác Năm xin cho đứa cháu ở nhờ nhà mình một thời gian để ôn thi. Em vừa mới sinh con, nhà cửa chật chội, nhưng anh cũng không nỡ từ chối vì sợ mất lòng.

Lòng anh cứ nặng trĩu, không biết phải dàn xếp chuyện này sao cho ổn thỏa. Anh về tới nhà thì thấy em đang lôi hết đồ trên gác xép xuống, chất hết ra phía sau nhà rồi lấy bạt phủ lên.

Nhìn thấy anh, em quệt mồ hôi trên trán, bảo: “Em định chờ anh về rồi dọn nhưng sợ không kịp nên làm trước, anh thay quần áo rồi phụ em”.

Anh ngạc nhiên hỏi: “Em định làm gì mà dọn gác xép vội thế”. Em chưng hửng: “Bác Năm chưa gọi điện cho anh à, sáng nay, ông nội cu Bin gọi lên bảo vợ chồng mình sắp xếp cho cháu bác Năm ở nhờ vài tháng”.

Anh thở phào nhẹ nhõm nhưng giả bộ băn khoăn: “Nhà mình chật chội, con còn nhỏ, hay để anh đi kiếm cho cháu cái phòng trọ”. Em khoát tay: “Cháu mới lên thành phố mà ở trọ, bác Năm sẽ không an tâm”.

Miệng nói tay làm, em thoăn thoắt dọn dẹp rồi dặn dò anh chiều về ghé chợ mua chiếc chiếu mới, đèn bàn với cái bàn xếp cho cháu học bài.

Đây không phải lần đầu em xử lý mọi việc nhanh và gọn như vậy. Anh biết, khi cháu lên ở, em sẽ vất vả nhiều, vì phải lo cơm nước, sắp xếp sinh hoạt trong nhà khi có thêm người. Những lần trước cũng vậy, khi có khách từ quê lên chơi hay nhờ vả chuyện gì em đều vui vẻ nhận lời.

Em thường bảo: “Mình ở thành phố thì chuyện gì cũng đơn giản chứ ở quê ra, lớ ngớ, lại không có người chỉ dẫn thì khổ lắm”. Kinh nghiệm đó được em đúc kết từ quãng đời sinh viên của mình ở chốn phố thị này. Bởi vậy, ai đến nhà mình đều cảm thấy thoải mái, gần gũi vì tính nhiệt tình rộng rãi của em. 

Nhiều lần về quê, anh vui biết bao khi nhận được những lời khen của bà con họ hàng dành cho vợ mình. Em chẳng bao giờ xem nhẹ những thứ quà quê bình dị như con gà, nải chuối, bao nếp mà luôn đón nhận bằng vẻ hào hứng. Em lại còn đem một ít sang biếu hàng xóm để biết quà của quê chồng.

Anh biết nhà nội khó khăn, hiếm khi giúp được gì cho vợ chồng mình, nhưng em chẳng bao giờ lấy đó làm buồn hay so đo tính toán. Mua sắm cho bên ngoại cái gì thì bên nội cũng có ngay cái ấy. Dù ở xa, em vẫn thường xuyên gọi điện về quê hỏi thăm ông bà, nhiều khi em nắm bắt tình hình dưới quê nhanh hơn cả anh nữa.

Anh cảm ơn cuộc đời đã cho anh gặp được em. Chính cách sống và cư xử của em đã cho anh điểm tựa vững chắc giữa cuộc sống hay xáo trộn này. 

Hà Lam

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hồng Nhung 17-02-2023 15:59:53

    Chúc mừng anh gặp được người vợ tốt. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng biết cư xử, biết ơn vợ anh đã giúp đỡ. Tôi cũng suy nghĩ giống vợ anh, mình giúp được gì thì giúp. Gia đình chồng tôi chỉ nhớ đến tôi khi cần tiền đóng học cho con, tiền trả nợ giang hồ, bệnh đau, xin việc...Tôi đã giúp đỡ gần 20 năm nhưng chưa bao giờ nhận được tiếng "cảm ơn" hay là hành động thể hiện sự biết ơn, mặc nhiên đó là trách nhiệm tôi phải lo. Cách đây 2 tháng con gái tôi trãi qua ca phẫu thuật lớn, tôi mới thấy rõ và nghĩ mình nên thay đổi. Những người (cô ruột của bé) hay nhờ vả tiền bạc, xin việc, bệnh đau không 1 lời hỏi thăm tình hình của bé dù họ sống chung vách nhà.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI