Nhà chồng chỉ xem tôi là bảo mẫu chăm cháu cho họ?

18/11/2021 - 09:00

PNO - Bây giờ cảm giác của em rất tệ, bởi ngay cả khi vừa vượt cạn, gặp lúc suy kiệt cơ thể mà người ta vẫn đối đãi với mình như một bảo mẫu, vì mình phải sống để chăm cháu người ta.

Kính chào chị Hạnh Dung

Em sinh con được vài ngày thì có dấu hiệu suy kiệt sức khỏe, phải vào viện để truyền nước. Ngay tại đây, em mới biết nhà chồng chỉ coi em là "cái máy đẻ", và là bảo mẫu chăm lo cho cháu họ trong tương lai. 

Người đưa em vào viện là chị chồng. Lúc chồng em đến thì chị phải về vì bệnh viện chỉ cho phép một thân nhân chăm bệnh. Anh đến sảnh bệnh viện thì gọi để chị xuống.

Lúc ấy em vừa thức dậy nhưng còn nằm lim dim vì quá mệt, chị nghe điện thoại thì dặn dò anh: "Lát nó dậy em phải giấu tiệt cái điện thoại, không được cho nó xài. Chị thấy nó mới sinh mà xài điện thoại thì rất bực nhưng không dám góp ý. Em phải kiên quyết. Nếu nó có bệnh thì em cũng là người gánh, rồi cháu chị không ai lo. Vậy nên vẫn phải chú ý sức khỏe của nó!".

Nhà chồng chỉ xem con dâu là cái máy đẻ? - Hình minh họa - XFRAME
Nhà chồng chỉ xem con dâu là "cái máy đẻ"? - Hình minh họa - XFRAME

Em nghe điếng người và nằm im vờ ngủ say. Cả ngày hôm đó em không nói với chồng tiếng nào. Anh tưởng em mệt nên cũng không vặn hỏi.

Bây giờ cảm giác của em rất tệ, bởi ngay cả khi vừa vượt cạn, gặp lúc suy kiệt cơ thể mà người ta vẫn đối đãi với mình như một bảo mẫu, vì mình phải sống để chăm cháu người ta. Liệu em có quá tiêu cực không, thưa chị?

Huyền Anh (Bình Dương)

Huyền Anh mến,

Trong thư em không đề cập về tình cảm của nhà chồng trước nay, chị chồng đối đãi với em thế nào, tình cảm của em với bên chồng ra sao? Nếu không nghe câu nói kia, thì em có thấy vấn đề gì với bên chồng không?

Nếu không có câu nói kia mà mối quan hệ với bên chồng vẫn khiến em thấy "bạc bẽo" thì cần phải suy xét tiếp là nguồn cơn do đâu, họ hành xử không tốt ở chỗ nào, liệu em đã tròn vai một người con dâu, em dâu với bên chồng chưa... 

Nếu mọi thứ vẫn ổn, thì em hãy tin những trải nghiệm mà em có với họ, về cách họ đã đối xử và vun vén cho em, đừng vì bất kỳ một lời nói hay hành động nào trong lúc căng thẳng mà đánh giá cả mối quan hệ.

Nói về câu nói của chị chồng em, đúng là rất khó để em nhẹ nhõm khi nghĩ về nó. Nhưng hãy dùng những trải nghiệm mình có trước nay với chị để hiểu. Bởi trong bối cảnh của cuộc gọi đó, chị chồng em đang lo lắng, sốt sắng, và áp lực trách nhiệm của một người chị có kinh nghiệm với đứa em lần đầu làm cha mẹ.

Đặc biệt, em có thể chú ý đến tình tiết này: chị ấy nói từng "thấy em dùng điện thoại thì bực mà không dám góp ý", tức là chị cũng từng bị giằng xé bởi điều chị biết là tốt cho em, và sự tự do, thoải mái của cá nhân em.

Đến khi em nhập viện, chị ấy sẽ càng rối trí vì nghĩ đây là hậu quả của sự chần chừ không góp ý. Và nếu phân tích kỹ, em sẽ thấy ngay cả cái ý "nếu em có bệnh gì thì cũng là em trai chị ấy khổ, cháu chị ấy không có ai chăm" cũng chính là một cách thuyết phục, và là một lời "biện minh" để người nghe thấy chị ấy có liên quan, có lý do chính đáng để góp ý.

Vậy nội dung này nhằm thuyết phục nhiều hơn là thể hiện động cơ góp ý của chị ấy. Còn tận cùng, ta chỉ thấy ở đó một người chị lo âu, sốt sắng và muốn tốt cho các em. Hãy nghĩ vậy và nhớ về những gắn bó đẹp đẽ nếu có với chị ấy, để thấy thông cảm hơn với chị, em nhé!

Em mới sinh xong, cơ thể và tinh thần còn rất yếu, hãy hạn chế dùng điện thoại và nên giao tiếp, chia sẻ thường xuyên với chồng. Em có thể kể chuyện này với chồng với tâm thế giãi bày, để được anh ấy chia sẻ. Biết đâu, chính chồng em sẽ khiến em nhẹ lòng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn  

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI