Thiếu nhà giá rẻ để mua hoặc thuê
Trong tờ trình của mình, UBND TPHCM cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và chương trình phát triển đô thị TPHCM đến năm 2030 vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định tầm nhìn và định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo từng khu vực.
|
Có được một căn nhà ở xã hội là mơ ước của rất nhiều người lao động ở TPHCM (trong ảnh: Một block nhà ở xã hội ở chung cư Green River trên đường Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8) - Ảnh: Phùng Huy |
Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn còn chậm do một số vướng mắc liên quan đến quy định trong Luật Nhà ở năm 2014. Dịch COVID-19 cũng tác động xấu đến hoạt động đầu tư xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển nhà ở của TPHCM .
Về giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho hay, TPHCM có 33 dự án xây nhà thương mại với 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội (NƠXH). Nếu xây dựng xong 33 dự án này, TPHCM có trên 70.000 căn NƠXH. Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành liên quan đang hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục để thực hiện nhanh, sớm đưa nguồn NƠXH ra thị trường.
Đại biểu Lê Xuân Viên đặt vấn đề, nếu như nhà ở thương mại và nhà ở riêng lẻ đạt được chỉ tiêu rất cao trong chương trình phát triển nhà ở của TPHCM , lần lượt là 213% và 123% so với chỉ tiêu, thì NƠXH chỉ đạt 69%. Như vậy, trong chương trình phát triển nhà ở, cần có những giải pháp cụ thể hơn để phát triển NƠXH.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, nhu cầu về thuê nhà để ở của công nhân, lao động rất cao. Do đó, cần có các giải pháp để hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú cho công nhân cũng như nhà trọ giá rẻ, đảm bảo chất lượng để người lao động thuê.
|
Có được một căn nhà ở xã hội là mơ ước của rất nhiều người lao động ở TPHCM (trong ảnh: Chung cư Tô Hiến Thành, P.12, Q.10) - Ảnh: Phùng Huy |
Qua phân tích các điều “chưa được” trong việc phát triển các loại hình nhà ở, UBND TPHCM nhìn nhận, chưa đạt chỉ tiêu về NƠXH dù nguồn cung phân khúc NƠXH, nhà ở giá thấp, nhà ở phù hợp khả năng chi trả đã có sự tăng trưởng qua các năm. Đó là do chưa thu hút được các nhà đầu tư. Việc đầu tư phát triển NƠXH mang lại lợi nhuận thấp, thủ tục thực hiện dự án kéo dài nên các doanh nghiệp không mấy “mặn mà”.
Đại diện UBND TPHCM cũng thừa nhận đang thiếu loại hình nhà cho thuê. Theo ước tính, hằng năm, có khoảng 130.000 người đến TPHCM sinh sống và làm việc. Đối tượng này mới chuyển đến nên đa phần chưa tích lũy đủ tiền để mua nhà mà chỉ thuê. Do vậy, nhu cầu thuê nhà rất lớn. Nhưng hiện nay, nguồn cung nhà cho thuê thiếu hụt dẫn đến mất cân đối cung cầu, từ đó sinh ra những khu nhà cho thuê chật hẹp, thiếu an toàn.
Người nghèo chỉ cần một chỗ ở rẻ, an toàn
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM bên lề kỳ họp, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng, cần giải quyết nhu cầu chỗ để ở chứ không nên tự hào về việc quỹ nhà tăng lên.
Ông nói: “Hàng triệu người dân nghèo tại chỗ, người nhập cư phải thuê phòng trọ nhỏ, tối tăm, không nắng gió, mất vệ sinh. Đây là nhóm tử vong cao nhất trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Có trường hợp một phòng trọ có 10 người đi làm, 10 người ở nhà; khi dịch bệnh bùng phát, 20 người trong căn phòng ấy lây nhiễm cho nhau. Vừa hết dịch, nhóm người nhập cư đã bỏ về quê hết. Tôi nhớ các vị lãnh đạo TPHCM lần lượt hứa 300.000 căn, rồi 1 triệu căn, ưu tiên số một sau dịch bệnh là nhà cho người nghèo. Đến nay, cũng chưa có tin vui gì”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, từ 10 năm trước, khi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An bắt đầu làm nhà giá rẻ (100 triệu đồng/căn), TPHCM lại không quyết liệt làm. Chính sách nhà ở không khéo khiến TPHCM có nguy cơ sẽ thua trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực. Các chương trình NƠXH thất bại là bởi có những doanh nghiệp trục lợi. Đại đa số khách hàng mua sản phẩm này là người thu nhập trung bình và khá, không có người nghèo và rất ít dân nhập cư có thể mua được.
|
Phần đông công nhân ở TPHCM phải chấp nhận sống trong những căn phòng trọ chật chội, tồi tàn (trong ảnh: Công nhân sống gần Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM ) - Ảnh: Phùng Huy |
“Người nghèo không mơ sở hữu một căn nhà. Họ chỉ cần một chỗ ở rẻ, sạch, an toàn. Nghĩa là, nhu cầu của họ là nhà cho thuê. Nhưng cả chục năm nay, nghị định về “nhà cho thuê” vẫn chưa có. Không có luật, quy định về “nhà cho thuê” thì không doanh nghiệp nào dám làm. Và khi không có tiêu chuẩn “nhà cho thuê” mà lấy theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại nên giá cao. Hơn nữa, dư án xây “nhà cho thuê” không được hỗ trợ lãi vay thì doanh nghiệp rất khó có nguồn tài chính để thực hiện” - ông nói.
Số nhà ở xã hội tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo đánh giá của UBND TPHCM, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025 cơ bản đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số của thành phố và góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu. Cụ thể, trong vòng 5 năm (2016 - 2020) dân số TPHCM tăng thêm 983.406 người thì diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,7m2/người năm 2015 lên 20,8m2/người năm 2020, đạt so với chỉ tiêu đề ra.
Những dự án phát triển nhà ở đã thay đổi diện mạo thành phố. Chất lượng nhà ở được nâng cao khi số lượng nhà ở thiếu kiên cố và thô sơ giảm rõ rệt, chỉ còn 34% so với năm 2015, tức giảm 26.000 căn. Phát triển mạnh nhà ở chung cư là kết quả đạt được từ việc định hướng thay đổi cơ cấu dự án từ thấp tầng sang cao tầng của Chính phủ và UBND TPHCM. Việc xây dựng nhà ở chung cư là xu hướng tất yếu ở các đô thị lớn, người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với mức giá thấp hơn nhà phố.
Cũng theo UBND TPHCM, 2016 - 2020 là giai đoạn mà NƠXH phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm, có 19 dự án NƠXH đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn, tức gấp 3,5 lần diện tích NƠXH đã xây dựng tính đến hết năm 2015. Số căn hộ hoàn thành vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng nhưng đã giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu nhà ở của một bộ phận người có thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức gặp khó khăn về nhà ở.
Dự án xây nhà chậm tiến độ do khâu hiệp thương bồi thường Qua rà soát 92 dự án ở Q.8 có thủ tục pháp lý đầy đủ, có 21 dự án chậm triển khai, chủ yếu là do tiến độ thi công xây dựng, thủ tục đầu tư cũng như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. UBND quận đánh giá, chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong công tác hiệp thương bồi thường cũng như tìm cách tháo gỡ những vướng mắc phát sinh khi thực hiện công tác bồi thường, nhất là đối với những trường hợp mà người dân còn thắc mắc về đơn giá bồi thường, về loại đất bồi thường. UBND Q.8 kiến nghị UBND TPHCM , các sở, ban, ngành xem xét thu hồi đất đối với các dự án không triển khai thực hiện, chủ đầu tư không đủ năng lực, không chấp hành các chỉ đạo của UBND thành phố, cố tình kéo dài thời gian thực hiện dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường nên có hướng dẫn về chế tài, biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư vi phạm. Ngoài ra, UBND quận kiến nghị Sở Xây dựng xem xét, cho đăng tải công khai danh sách các dự án chậm thực hiện. Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch UBND Q.8
|
Quốc Ngọc