Phúc - chồng Thúy thất nghiệp đã mấy năm nay. Đồng lương công nhân của Thúy không gánh nổi phí chi tiêu cho 4 con người.
Thời gian đầu chồng bị cho nghỉ việc, dù mệt mỏi nhưng Thúy gắng tằn tiện, sắp xếp lại các khoản đầu vào, đầu ra. Các con cắt các khóa học thêm, năng khiếu. Trước khi đến trường, 2 đứa sẽ ăn cơm nguội từ tối qua chiên lại chứ không được phát tiền mua quà sáng như lẽ thường. Tranh thủ ngày nghỉ, Thúy tất tả chạy ra vùng ven gom thực phẩm theo kiểu hàng sỉ, giá rẻ, tích vào tủ lạnh ăn dần. Những bữa cơm gia đình giảm dần chất lượng với việc hạn chế đồ tươi. Mấy mẹ con Thúy 2 năm nay luôn tuân thủ phương châm mua sắm: “Chỉ sắm đồ mình cần, mình thiếu, chứ tuyệt đối không sắm đồ mình thích”. Chắt bóp, tiết kiệm khiến đầu óc Thúy quay cuồng, mệt mỏi, căng như dây đàn. Tuy nhiên vin vào câu nói "sông có lúc, người có khúc", Thúy đành chấp nhận " cắn răng".
|
Áp lực tiền bạc gây suy nhược, âu lo (ảnh minh họa). |
Dạo gần đây, Thúy không đủ sức gồng một mình nữa, cô đánh tiếng nhờ hai bên gia đình nội, ngoại chia sẻ, hỗ trợ. Bà nội cắt một phần lương hưu để mua cho cu út mỗi tháng 2 thùng sữa, hỗ trợ bé lớn thêm một chút tiền học. Nhà ngoại ở xa, làm nghề nông không giúp gì được về tiền bạc. Mỗi tháng một lần, ông bà ngoại sẽ gom gạo, đỗ, mè, rau củ trồng được trong vườn rồi gửi theo xe lên phố. Những món này, trước đây mỗi lần về quê thấy mẹ chuẩn bị gói ghém, Thúy luôn gạt đi. Cô nói: "Con ở phố cần gì mua cũng có, bố mẹ để đấy mà bán cho người ta, kiếm thêm thu nhập".
Thâm tâm cô thấy áy náy, con gái lấy chồng xa không có gì cho biếu cha mẹ thì thôi, đằng này lần nào về cũng ôm đồm quà cáp, cô không đành lòng. Cái lý ấy, cô đã không giữ được nữa khi gia đình dần rơi vào cảnh khó khăn.
Mẹ cô biết hết, ngoài việc hỗ trợ thực phẩm, mọi việc giỗ chạp, hiếu hỉ, bà luôn âm thầm đóng luôn thay phần con gái. Dạo gần đây, Thúy khó ngủ nhưng rất dễ tỉnh, tóc cũng rụng nhiều, mắt yếu hơn, màu da sạm đi.
|
Biết áp lực của vợ nhưng chồng cũng đang bí lối ra (ảnh minh họa) |
Về phần Phúc, anh biết hết những áp lực, lo lắng của vợ, nhưng chính anh cũng đang bí lối ra. Anh cố gắng hạn chế tối đa nhu cầu chi tiêu cá nhân. Lâu lắm rồi, anh chỉ nhờ vợ thay cho 2-3 cái khăn lau mặt và kem đánh răng. Những cuộc gặp gỡ, bù khú với anh em, bạn bè, Phúc đều cố gắng từ chối. Anh không thể lần này đến lần khác ngồi ăn uống, chúc tụng mà không " góp gạo thổi cơm chung".
Những lúc vợ đi làm, tăng ca, Phúc ở nhà chu tròn dọn dẹp, nấu nướng, kèm cặp các con. Trong nhà đồ đạc gì hư thì anh tự mày mò tìm cách sửa, tái chế. Anh ân cần, nhẹ giọng sau giờ vợ đi làm về,...
Vợ chèo, chồng chống, mỗi người một tay, nhưng cơn sóng mang tên "nghèo" vẫn lắm lúc khiến con thuyền hôn nhân chao đảo. Đã có những ngày Thúy lặng im, Phúc đóng phòng riêng ôm điện thoại. Có những ngày, mọi người chung mâm cơm chiều nhưng ai cũng uể oải chỉ muốn được rời mâm càng nhanh càng tốt. Đã có những ngày, Thúy trách móc, giận hờn, chực buông lời xúc phạm chồng. Đã có những ngày Phúc căng thẳng vì lời vợ chì chiết mà chỉ muốn bỏ đi.
Thúy không tìm được công việc gì để làm thêm khi thời gian ở công ty chiếm gần hết. Phúc thất bại hết lần này đến lần khác khi các doanh nghiệp, cơ sở mà anh tìm đến đều gọi thông báo trả lại hồ sơ. Tuổi lớn, chuyên môn không phù hợp, tay nghề không cao là những lý do khiến Phúc càng loay hoay xin việc thì vòng tròn thất nghiệp càng thít chặt.
Phúc nói với vợ:
- Anh muốn đi xuất khẩu lao động, nhưng quá tuổi mất rồi. Hầu như không có nơi nào nhận người lao động đã xấp xỉ 40.
- Vậy, mấy tuổi là đi được? - Thúy hỏi.
- Lý tưởng nhất là từ 18 đến dưới 30 tuổi.
- Vậy, anh không được thì để em đi. Năm nay 27, nếu trúng tuyển, em sẽ có ít nhất 3 năm suôn sẻ kiếm tiền.
Thuý ra hiệu tạm dừng cuộc nói chuyện, cô lao đi tìm hiểu kỹ hơn về thủ tục, điều kiện xét tuyển của những đơn hàng xuất khẩu lao động sang Nhật. Sau khi thấy có khả năng, cô xốc lại tinh thần để chuyến này “làm ăn lớn”. Thúy còn trẻ, không có bệnh nền, các con khá lớn và đã quen với sự chăm sóc của ba. Cô nghĩ ngay đến khoản quỹ đen mà cô dành riêng để phòng lúc gia đình gặp bất trắc, sóng gió. Khoản tiền ấy, chắc cũng đủ lo chi phí để Thúy hoàn thiện hồ sơ.
Cô biết, đi xuất khẩu lao động khi đã có gia đình sẽ khó khăn chồng chất khó khăn, ngoài ra, xác suất trúng tuyển khi phỏng vấn, đến lúc lên được máy bay cũng tiềm ẩn nhiều biến số, nhưng với tình hình công việc, hoàn cảnh gia đình lúc này, cô chỉ có quyền tin, hy vọng để mà nỗ lực.
Khi đã có tia sáng, Thúy sẽ không để mình lung lay. Song hành với đăng ký hồ sơ dự tuyển xin đi làm việc nước ngoài, sau đó là học ngoại ngữ, Thúy cũng xin nghỉ việc ở công ty. Cô dành thời gian quay về bên gia đình để tâm tình với chồng, chăm sóc con chu đáo , cô biết mình sẽ đi xa.
Minh Minh