Công trình thi công ẩu, nhà lân cận bị vạ lây
Bà Bùi Thị Trúc Nga, ngụ tại nhà 22/10 đường số 2, khu phố 3, P.Cát Lái, kể: Chiều 26/10/2019, được tin nhà bị sập, bà chạy về thì nhà mình đã là một đống đổ nát. Nguyên nhân của sự cố là do căn nhà 22/11B đường số 2 của bà Nguyễn Đặng Hồ Xuân Hương (quy mô trệt + lửng + hai lầu + sân thượng) trong lúc thi công đã bị sập khiến ba căn nhà lân cận gồm nhà 22/11 (bị sập hoàn toàn), nhà 22/9A và 22/10 của bà Nga bị hư hỏng nặng.
|
Sự cố sập công trình 22/11B đường số 2, khu phố 3, P.Cát Lái, TP.Thủ Đức khiến bốn căn nhà lân cận bị ảnh hưởng. Rất may là sự cố không gây thiệt hại về người |
Bà Nga cho hay, căn nhà số 22/11B được xây dựng trên nền đất trước đây là ao sen. Khi nhà xây lên được một tầng, mọi người đã thấy bị nghiêng. Khi nhà xây xong phần thô thì bị đổ sập hoàn toàn. Sự cố sập nhà xảy ra vào 13g30 ngày 26/10/2019.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị cử người tham gia tổ điều tra sự cố và giám định nguyên nhân sập nhà số 22/11B. Và theo thông báo kết quả điều tra của đơn vị này, công trình số 22/11B có quy mô năm tầng sử dụng, móng băng trên nền đất tự nhiên. Nhưng móng được đặt trên nền đất kém ổn định (đất san lấp lẫn bùn nhão) khiến bị nghiêng sau khi hoàn thành.
Đơn vị thi công là Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Phú Khang Gia đã thuê Công ty TNHH Xây dựng Cẩm Lũy khắc phục sự cố. Công ty Cẩm Lũy đã cắt chân cột để kích, cân chỉnh độ thẳng đứng mà không gia cố hoặc chống đỡ các cột này. Việc cắt chân cột và kích nâng đã làm mất ổn định công trình dẫn đến sập đổ hoàn toàn công trình. Ngoài ra, chất lượng kết cấu hiện trạng công trình không đảm bảo và độ nghiêng ban đầu của công trình là nguyên nhân gián tiếp.
Theo Sở Xây dựng, chủ sở hữu công trình là bà Nguyễn Đặng Hồ Xuân Hương, Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Phú Khang Gia, Công ty TNHH Xây dựng Cẩm Lũy và các cá nhân có liên quan gây ra sự cố phải có trách nhiệm trong việc khắc phục sự cố công trình và các chi phí theo quy định của pháp luật.
Mỏi mòn chờ bồi thường
UBND P.Cát Lái cũng cho biết, sau khi sự cố xảy ra, UBND phường đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan đến giải quyết sự việc. Do các bên không thống nhất được chi phí bồi thường nên địa phương đã hướng dẫn khởi kiện ra tòa.
Bà Bùi Thị Trúc Nga thông tin, hơn hai năm qua, bà và các hộ dân phải tự bỏ tiền đi thuê nơi ở.
“Tôi đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân TP.Thủ Đức, đã nộp án phí vào tháng 5/2021, nhưng cho đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết. Trong khi căn nhà bị hư hại của tôi thì ngày càng hư hỏng nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào” - bà Nga lo lắng.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc trở ngại do khách quan thì được gia hạn thêm hai tháng. “Đành rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiến độ chuẩn bị xét xử các vụ án có thể chậm hơn dự kiến, nhưng theo tôi, vụ án này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và cuộc sống của nhiều người dân nên cần sớm được đưa ra xét xử để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ người dân nếu họ có khó khăn về chỗ ở” - luật sư Đức chia sẻ.
Không có thiết kế sao vẫn để thi công?
Theo kết luận của Sở Xây dựng TPHCM, đơn vị thi công nhà 22/11B đường số 2 là Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Phú Khang Gia. Nhưng công ty này không ký kết hợp đồng, không cung cấp hồ sơ kinh nghiệm chứng minh đã thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự. Việc tổ chức thi công xây dựng công trình cũng không có hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công.
Ngoài ra, Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Phú Khang Gia còn thi công móng băng trên nền đất kém ổn định, bố trí móng không đúng trọng tâm, cường độ bê tông không đảm bảo, chiều dày lớp bê tông bảo vệ và chiều dày đoạn nối thép cột không đảm bảo… dẫn đến công trình bị nghiêng, lún vượt giới hạn cho phép.
Khi nhà bị nghiêng, chủ đầu tư đã thuê Công ty TNHH Xây dựng Cẩm Lũy thực hiện gia cố móng bằng cọc ép và chống nghiêng cho căn nhà.
Tuy nhiên, khi thi công, Công ty TNHH Xây dựng Cẩm Lũy không lập và trình chủ nhà biện pháp kích nâng trước khi thực hiện. Biện pháp gia cố móng sơ sài, không thuyết minh tính toán, không có tên người có năng lực, kinh nghiệm lập, kiểm tra, phê duyệt; không khảo sát chất lượng và ổn định công trình, tổ chức thi công không đảm bảo an toàn gây sập đổ công trình, gây sập đổ, hư hỏng các công trình lân cận.
Luật sư Nguyễn Tri Đức đặt vấn đề: “Công trình không có hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công, tại sao việc thi công vẫn diễn ra? Cho nên, cùng với yêu cầu các bên bồi thường thì cũng cần xem xét trách nhiệm giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quản lý về xây dựng”.
Sơn Vinh