Thấy tôi dừng lại chụp cảnh công nhân vừa chen chúc trong dòng nước, vừa tranh thủ “đi chợ”, nhốn nháo cả một khúc đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, H. Nhà Bè, TP.HCM), bác xe ôm đang ngồi gác chân gọn gàng trên xe, nói tỉnh queo: “Xuống nữa, ở dưới ngã tư Nguyễn Bình mới ngập dữ”.
Dọc đường “Thê Lương”
Vừa qua cầu Long Kiển, cái “ngập dữ” không chỉ hiện lên với một biển nước dài ngút mắt, mà còn ùn ứ người xe. Người đi cùng chiều dừng hết lại bên bờ nước, nhìn người ngược chiều cực nhọc dắt bộ giữa dòng.
Chừng 20m phía trước, mấy “dân chơi” vừa mới hùng dũng lao xuống nước cũng đang chao đảo, xe như hụt hơi, khạc liên tục mấy tiếng, rồi tắt ngúm. Xe ba gác vừa “cập bến”, thả xuống hai chiếc xe máy với bốn người, thu 50.000 đồng/xe, chủ xe rao inh ỏi: “Ai ngã tư, Rạch Tôm? Ai ngã tư, Rạch Tôm?”.
Mấy cặp vợ chồng còn mặc nguyên bộ đồng phục lao động đứng chần chừ nhìn tới nhìn lui.
Một chị nhìn sang tôi, nói như tự trấn an: “Chút xíu nó rút bớt là chạy qua được rồi”. Chị lùi lại, cho xe lên lề, ngồi đợi. Tôi vừa đưa tay cho người phụ ba gác kéo lên thùng xe, vừa hỏi: “Chỗ này có phải đoạn ngập Nguyễn Bình không?”. Anh phụ xe thuyết minh luôn: “Ngồi trên đây chơi tí là tới Nguyễn Bình, gọi là đoạn ngập có tiếng đó cưng”. Nghe vậy, anh tài xế bật cười, vừa lúc có hai chị gái xinh xắn cũng xin lên xe, anh nói: “Xe dừng ngã tư Nguyễn Bình với cầu Rạch Tôm. Ai rẽ qua xã khác thì rẽ, ai xuống cầu thì xuống”. Cái thùng xe chật kín, anh phụ xe đẩy cái cầu dẫn xe lên thùng, rồi nhảy thót lên, hô: “Đi”.
|
Ở huyện Nhà Bè có những người hành nghề chở xe chết máy |
Đoạn đường ngập dài gần ba cây số, dày đặc những chiếc xe tắt máy, người người dắt díu nhau lội bộ.
Cảnh này chỉ lạ mắt với người lần đầu qua đây. Ai đã một lần ngang đường Lê Văn Lương thì qua cầu Rạch Tôm (nếu đi từ hướng Long An), hoặc cầu Long Kiển (nếu đi từ hướng trung tâm TP.HCM) đều ngoan ngoãn xuống xe, dắt bộ.
Cách Q.1, TP.HCM chỉ vài cây số, nhưng “mùa” ở đây được chia theo con nước. Từ tháng Hai đến tháng Sáu âm lịch là mùa cạn; từ tháng Bảy đến tết là mùa nước nổi.
Mùa nước nổi, cứ đến chiều, phần lớn đường sá ở đây chìm trong nước. Mà đường Lê Văn Lương thì “siêu dài”, lại là đường huyết mạch, hễ ai làm ăn ở xứ này là có đi ngang đây, thành ra con đường mới “ngập có tiếng”.
“Sáng đi chiều về là chuyện trên quận, còn dưới huyện này thì phải nói: sáng chạy xe máy trên đồng bằng, chiều lội bộ dưới kênh. Đường Lê Văn Lương này phải gọi tên là con đường thê lương mới đúng” - anh Tư Biền, nhà ở gần cầu Long Kiển, đúc kết.
Đi tới cầu Rạch Tôm, chiếc ba gác đã được mấy người khách đứng chờ sẵn, vẫy tay “cầu cứu”. Tôi xuống xe, cố giúi vào anh phụ xe 50.000 đồng giữa cái ái ngại của anh: “Cô không có xe máy, tui khó tính tiền quá”.
Cái ái ngại này tôi lại bắt gặp trong đôi mắt của chú Hải, phụ khuân vác của một chuyến ba gác khác, cũng tham gia chuyển người và xe qua đoạn đường ngập hai tháng nay.
Riêng đoạn đường này đã có chục chiếc xe ba gác. Ngày thường, họ là thợ hồ, hoặc là người chuyên chở vật liệu, nhưng cứ đến mùa ngập, chiều chiều, họ lại “bắt cặp” làm tài xế và thợ phụ, ra đoạn ngã tư Nguyễn Bình, hành nghề “cứu đuối” xe cộ. Mỗi chiếc xe 50.000 đồng, mỗi chuyến chở được hai xe, vị chi mỗi lượt ba gác ngang qua 2,5km ngập nước là 100.000 đồng.
“Sao quận một đằng, huyện một nẻo?”
Ở xã Nhơn Đức, H. Nhà Bè, mấy ngày nay ông Năm Đường lại được người dân trong vùng thường xuyên nhắc tên, vì phát biểu thẳng thắn về tình hình ngập nước ở địa phương trước các đại biểu Quốc hội trong cuộc tiếp xúc cử tri ở H. Nhà Bè hôm 29/11.
Báo chí đưa tin, với cái tên “cử tri Huỳnh Văn Mẫm”, ông phát biểu: “Ở huyện Nhà Bè, có những tuyến đường một tháng 30 ngày thì ngập 26 ngày, nước ngập từ 0,8-1m, gây nhiều thiệt hại không thể thống kê hết cho các hộ dân”.
Sau phát biểu “nổi tiếng” đó, gặp nhau trong lúc cùng đi đón cháu nội trên đoạn đường ngập nước, người hàng xóm với sang nói với ông: “Cũng là thành phố, sao ở quận người ta ngon lành, còn ở huyện thì thảm thiết vậy ông Năm?”.
Ngồi lật lật cuốn sổ ghi chép ố vàng, người đàn ông đã có 24 năm làm trưởng ấp nói: “Cô cứ tính đơn giản, năm 1994, khi tui mới làm trưởng ấp thì cái ấp 4 này chỉ có 303 hộ dân. Nhà cửa ở thưa thớt, kênh rạch chẳng chịt. Giờ ấp tui có trên 1.200 hộ, kênh rạch bị quy hoạch hết, cũng giống như cái bể chứa nước bị lấp mất, thì nước phải tràn lên bờ thôi”.
Hồi đó, nhà thấp hơn đường. Từ tháng Sáu âm lịch đến tết, đến mồng một và ngày rằm, nước nổi. Cứ đến chiều, nền nhà lại tráng một làn nước, nhưng chỉ hai, ba tiếng là rút. Đường cao hơn nên không ngập. Mỗi con nước cũng kéo dài chừng hai, ba ngày.
Giờ, đường cao hơn, nhà cũng cao hơn nữa, mà mực nước ngập càng lúc càng sâu. Cứ mỗi sáng đưa con đi học, phụ huynh ở đây lại phải chen chúc nhau lại chỗ tấm bảng thông báo dựng trước cổng.
Mùa này, tấm bảng thường có dòng thông báo ký tên hiệu trưởng, ghi “chiều nay (ngày, tháng), phụ huynh đón con lúc 15g30 để tránh triều cường”.
|
Người dân nơi đây sống chung với ngập 26 ngày/tháng |
Tôi nhờ lý giải nguyên nhân ngập nước ở huyện Nhà Bè, người đàn ông gần 70 tuổi chợt nhìn mông lung, rồi nói thật nghiêm túc: “Ngoài việc lấp kênh, thì chắc là do băng tan, do trái đất nóng lên…”.
Giữa chuyện vĩ mô xa lạ đó, ông như giật mình, vội vàng bổ sung một chi tiết: “Năm nào cũng có thống kê thiệt hại do ngập nước. Nhưng thống kê sao hết thiệt hại khi một học sinh phải bỏ buổi học vì ngã xuống nước, công nhân bị đuổi việc vì cứ trễ làm do ngập nước, rồi giáo viên, công chức trễ nải công việc vì phải đi đường vòng dài gấp ba, bốn lần để đến chỗ làm? Người dân mấy đời ở đây đã khổ rồi, mà khổ hơn nữa là người đến ngụ cư, thuê nhà để làm ăn, gặp nước ngập thì tan tành hết”.
Mà, “người ngụ cư” ở đó là ai? Là người phụ nữ gầy nhom tự xưng là “dì Hai”, lội nước từ cầu Rạch Tôm đến quán ốc gần cầu Long Kiển, để bán vé số. Là mẹ con chị Huyền, “chủ” một thúng trái cây gần cầu Rạch Tôm. Là thím Hai Huân cứ đến chiều là “trốn” trong nhà.
Lần đó, đón cháu ngoại về khi nước ngập đến đùi, thím Hai cẩn thận đưa cháu nội lên đi bộ vỉa hè rồi vòng xuống dưới đường tiếp tục dắt xe. Đi được một đoạn, nhìn lên vỉa hè, thím thấy đứa cháu vừa vấp ngã úp mặt xuống nước, nằm im re. Quăng chiếc xe ngã giữa dòng nước, lật đật chạy lại bế cháu lên, bà thấy đứa nhỏ xanh lè, mấy giây sau mới bật ra khóc thét. “Mấy giây dài như nửa đời người”. Người đi đường ai cũng thấy, nhưng vì cách nhau cả dòng nước, nên chỉ kịp đứng nhìn. Sau lần đó, bà giao hẳn nhiệm vụ rước cháu cho ông, rồi cứ đến chiều, bà vẫn còn rùng mình ám ảnh khi thoáng nhớ lại cảnh tượng đó.
Đường chỉ để về, không phải để đi
Chị Xíu nãy giờ ngồi im sau chiếc bàn bày biện sò, ốc, giờ mới sửa cái ghế dựa lưng vào tường, ngồi xuống đốt một điếu thuốc: “Đã đến đây rồi thì ráng mà bám trụ, từ từ rồi cũng sống được, vì dù có ngập nước bao nhiêu thì người ta vẫn phải sống, vẫn phải bán mua”.
Lúc này, ngoài đường có chiếc xe ba gác chạy qua, nước liếm lên chiếc bàn đã bày biện đồ ăn của chị, mấy thau ốc bị sóng “nhấc” lên, rồi đổ tụt xuống nước. Đứa cháu kêu chị bằng dì chạy ra, ngồi thụp xuống nước, quờ quạng chụp lấy mấy chục dĩa nhựa cũng vừa trôi tứ phía dưới dòng nước đục ngầu. Chị bình thản ngồi hút nốt điếu thuốc: “Cứ vậy đó, hồi nào nước cao quá thì dẹp quán, nghỉ”.
Nghe đến đây, dì Hai xỏ đôi dép, sửa soạn đứng dậy: “Thôi tui đi bán”. Lúc dì vừa bước xuống vỉa hè ngập nước, chị Xíu nói với theo, vẫn giọng bất cần: “Rồi cũng lội nước, mà nãy giờ còn bày đặt dựng dép lên cho khô”.
Ngay chỗ dì Hai vừa lội tới, có người đàn ông lảo đảo dắt chiếc xe Cub có đứa con gái đang ngồi trên yên, ngơ ngác ghì chặt cổ xe. Vai áo anh xô lệch vì cứ một chốc, người vợ đang bế con đi cạnh lại quờ quạng bấu lấy sau một cú vấp nào đó dưới dòng nước đục ngầu. Chị Xíu nói: “Đường này chỉ để về, không phải để đi, vì chẳng ai mang bộ đồ ướt sũng đó mà đi đâu được. Cực chẳng đã, phải về nhà thì mới phải lội nước qua đây thôi”.
Tôi ngồi trên chuyến ba gác cuối cùng hướng về cầu Long Kiển khi trời đã sập tối. Như biết tôi cũng là người xứ khác, sau khi phụ chú Hải đưa mấy giỏ hàng của một bác gái xuống bên đường, người thanh niên đi chung chuyến xe quay sang bắt chuyện: “Em mới đi phượt miền Tây, về tới Long An đã nghe dọa bên này nước lớn rồi, mà không nghĩ dữ vậy. Đâu ngờ về tới Sài Gòn vẫn còn được phượt”.
Cậu thanh niên dắt chiếc xe Honda 67 khỏi ba gác. Biết xe mình khó sửa, cậu ra sức đạp. Chiếc xe chết máy kiên quyết không nổ. Lúc tài nổ máy ba gác chạy đi rồi, cậu ấy mới chấp nhận dắt xe vào tiệm, để lại lời nhận định: “Chuyến đi lịch sử”.
Người dân ở vùng này, chiều nào cũng “phượt” qua một “chuyến đi lịch sử” như thế. Vừa liên tưởng tới đó, tôi lại nghĩ đến cái thật thà của chị Huyền bán trái cây trên vỉa hè “thê lương” khi nhắc đến “đặc sản lội nước” của huyện mình: “Cực muốn chết! Trò này hổng dzui đâu cưng ơi”.
Minh Trâm