Nhà Bè chờ sập trong những căn nhà... liều chết

26/01/2018 - 09:37

PNO - “Đất tui ra tới bên kia kìa. Đó đó, mút đằng kia" - ông Hai Quẩn chỉ ra hướng bụi lá dừa cách bậc thềm ông đang ngồi chừng 3m.

“Đất tui ra tới bên kia kìa. Đó đó, mút đằng kia" - ông Hai Quẩn chỉ ra hướng bụi lá dừa cách bậc thềm ông đang ngồi chừng 3m. Ngay dưới chân bụi dừa, nước vỗ lăn tăn. Còn “bên kia" là sông bạt ngàn, bên kia nữa là tỉnh Long An. Căn nhà ông Hai Quẩn ngồi thuộc tổ 1, ấp 4, xã Nhơn Đức, H. Nhà Bè, TP.HCM. Ông nói tiếp: “Mà chỗ đó, sạt xuống sông 30m rồi".

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet

Ông Nguyễn Văn Hai ngồi trên thềm nhà gần sông của ông Quẩn. Căn nhà này thuộc diện "an toàn" trong xóm, vì chưa quá sát sông

Trót đậu cành cong

Vậy là mảnh đất mà chiều giờ tôi được bà con giới thiệu là “đất của ông Hai Quẩn" chỉ là phần còn sót lại. Mảnh đất xưa kia, và cả mảnh đất trong tâm tưởng của ông còn dài, vượt ra mé sông đến 30m. Mà khúc ấy, giờ đã thành sông. Nguyên một dãy nhà xưa kia đều lùi vào bờ 30m, giờ sóng vỗ ngay tấm vách sau nhà. Phần tiếp giáp giữa nhà với sông là một bụi dừa mỗi tháng 29 ngày ngập dưới nước, là điểm tựa của cả xóm Dừa (tên gọi khác của tổ 1) suốt 30 năm nay. 

Rặng dừa đó là phần sót lại của ruộng dừa ông Nguyễn Văn Hai trồng hồi những năm 1985-1986. Hồi đó, đất ở xóm Dừa bạt ngàn nhưng chỉ vài người ở. Ông Hai lan man chỉ tay về hướng “nhà thầy Mười", nhà “bà Kim Khứa làm ở ngân hàng thương tín" và mấy chủ đất đình đám ở xóm Dừa xưa kia. Người trong làng ngó theo, hỏi “đâu đâu”, ông bình thản tiếp: “Sụp hết rồi. Đất sạt trôi nhà hết, nên mới có cái bụi dừa này nè”.

Đất sạt, người cũng đi đâu mất. Cái bụi dừa sát mé sông là của ông Hai trồng ngay đợt sạt lở năm 1985-1986 (người làng không nhớ rõ). Hồi đó, bụi dừa vẫn nằm cách mé nước chừng 10 mét, ông trồng để lấy lá lợp nhà, sẵn giữ đất. Sau 30 năm, dòng nước ăn mòn, phần đất trôi dần xuống sông lúc nào không hay, bụi dừa trở thành một bờ kè thứ thiệt. Thoắt cái, nhìn khắp xóm Dừa bây giờ, đã hơn 70 hộ dân, ông Hai nói: “Người nhiều gấp bốn, đất nặng lên biết bao nhiêu mà nói". 

Mấy năm nay, sạt lở xảy ra khắp các vùng lân cận. Người xóm Dừa thảng thốt khi nghe ngoài cầu Rạch Dơi cách đó chừng 300m, căn nhà cách sông vài mét vẫn bị nuốt chửng; hay mới năm ngoái, năm căn nhà ở Hiệp Phước trôi tuột xuống dòng sông trong đêm. Người dân bàng hoàng, nhớ lại bao trận sạt lở ở chính chỗ này, rồi mới thấy mình lênh đênh. 

Ngay thời điểm đó, xóm Dừa lập tức được quy hoạch làm bờ kè. Cả thôn xóm lao xao, khấp khởi vì đất sẽ được giữ lại. Nhưng, cuộc họp triển khai dự án bờ kè dọc ấp 4, xã Nhơn Đức diễn ra từ năm 2011, biến đất xóm Dừa thành “đất quy hoạch". Rồi suốt tám năm nay, dưới sông, nước vẫn chực chờ cuốn trôi hết thảy; trên bờ, dự án vô hình mà án ngữ cả một vùng, người có đất không thể mua bán, sửa sang, xây cất nhà mới.

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet

Ông Hai nói chuyện một hồi rồi quay sang hỏi ông Huỳnh Văn Mẫm - Trưởng ấp 4: “Rồi có dính nhà tui không? Bao giờ mới mời họp?". Ông Mẫm chừng như đã nghe câu hỏi ấy ngàn lần, từ hàng trăm người dân ở xóm Dừa suốt tám năm trời, vụng về nói: “Ờ, vẫn đang đợi chủ trương". Ông Hai sốt ruột, vì phần đất tổ tiên chính là “của hồi môn" duy nhất đã được chia cho bốn người con kèm theo lời căn dặn “nếu chưa cùng đường thì không được bán".

Ông nói: “Ở Nhơn Đức này 40 năm, tui hiểu giá trị của một miếng đất. Vì bao nhiêu cái nghề ở đây rồi cũng lụi. Thế hệ bọn tui bây giờ chỉ còn biết bám vào miếng đất”. Nhưng, tám năm qua, con cái trưởng thành đều tính chuyện “an cư". Nỗi lo sạt lở đất vẫn đang thấp thỏm ngày đêm, thì chính dự án làm bờ kè “treo" lại tước quyền xây cất nhà trên đất, khiến người dân “đi không đặng, ở không xong".

“Chủ đất” và “hộ nghèo”

Cuộc gặp buổi chiều trên sân nhà chị Tuyết ngày một đông. Bà con nghe tin có ông trưởng ấp ghé lại, nên lần lượt kéo tới với duy nhất một câu hỏi: “Bao giờ họp làm bờ kè?”. Ông Trương Văn Quẩn xuất hiện sau cùng, chẳng giống “ông Hai Quẩn chủ đất" mà tôi mường tượng trong lời nhắc của bà con. Ông Hai Quẩn cao gầy, khắc khổ, quăng cây nạng sang một bên, ngồi xuống bậc thềm, nói như phân trần: “Tui ở căn ngoài kia, nhà làm không phép. Tui lên xuống làm việc với chính quyền cả chục lần rồi, mấy chú cũng thương mà không giúp được, vì đất quy hoạch”.

Căn nhà nơi bà con đang tập trung chính là “căn nhà trong giấy tờ" mà ông Quẩn mới sửa lại, cho chị Tuyết thuê. Còn căn nhà ông đang ở nằm sát mé bên kia của khu đất 550m2, là nhà xây lén trên đất vườn. Ở chính phần đất này, ông Quẩn đã chứng kiến nhà gỗ của cha mình sụt cả hai căn cùng 30m đất xuống nước trong vòng hai tiếng đồng hồ. Thừa kế đất, ông cũng thừa kế cả cái cuộc đời lận đận của một chủ đất xứ này.

Căn nhà cho thuê ở sát mé sông chính là “phương tiện thoát nghèo" của ông Quẩn gần một năm nay. Trước đó, ông là hộ nghèo, dù là chủ đất. Mười năm trở về trước, vợ chồng ông còn làm nghề chằm lá dừa lợp mái nhà, đất đai chỉ để canh tác, cuộc sống tạm ổn bởi vợ chồng chỉ có một cô con gái. Nhưng, nghề chằm lá cũng mai một vì người dân chuyển sang ở nhà mái ngói, mái tôn. 

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet
Con sông chảy sát vách sau của một xóm gồm 4 căn nhà ở xóm Dừa

Đợt đó, xóm nhà chỗ cầu Rạch Dơi bị sạt lở, có người tử nạn, chính quyền cấp tốc di dời dân, ông Quẩn cùng bà con được trợ cấp để đi chỗ khác thuê nhà. Ở nhà thuê được sáu tháng, chính sách hỗ trợ thuê nhà “hết thời hạn". Bà con không còn được hỗ trợ, thay nhau lên xã hỏi. Câu trả lời là: “Thành phố hết rót kinh phí, bà con tự lo”. 

Ông Quẩn theo dòng người trở về, tái định cư trên chính nhà cũ. Nghề nghiệp không còn, ông quay sang mảnh đất vườn, định làm giấy tờ chuyển đổi mục đích sử dụng đặng vay mượn họ hàng, xây phòng trọ cho thuê. Nhưng, ngay lúc đó, xóm Dừa được quy hoạch làm bờ kè.

Dự định bất thành, ông theo một người bạn trong nhóm người khuyết tật học sửa điện máy, rồi rong ruổi khắp Nhà Bè để sửa máy quạt, nồi cơm điện, chờ ngày giải tỏa đất đặng đi an cư xứ khác. Nghề sửa điện máy chừng ba năm nay cũng hết thời vì máy móc ngày một rẻ, không ai còn mang đồ đi sửa. Dự án bao năm vẫn im tiếng. Lên xuống gặp gỡ lãnh đạo địa phương, trình bày hoàn cảnh không biết bao nhiêu lần, ông Quẩn chỉ nhận được câu trả lời: “Anh em đều hiểu, nhưng không có cách nào để giúp".

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet
Con trai anh Dũng, đứng trong nhà sau chỉ: "Dưới này là sông".

Năm ngoái, căn nhà lá sát bờ sông xuống cấp trầm trọng, ông Quẩn viết giấy tay, bán hai mảnh đất 4x9m, rồi mượn thêm của người em, cất lại căn nhà ở xa con sông, rồi sửa lại cái nhà cũ, ngăn đôi để cho thuê, mỗi căn 1 triệu đồng.

Ông Quẩn thoát nghèo, nhưng ở khắp cái “xóm quy hoạch" này, còn nhiều “hộ nghèo" không nằm trong danh sách chính thống nào cả. Họ phiêu bạt muôn nơi, làm đủ thứ nghề. Chỉ có một thứ “cố định", đó chính là năm căn nhà nằm sát ngay mé nước, quay lưng ra con sông ở ngoài rìa xóm Dừa - tài sản duy nhất của từng hộ lao động tứ xứ ấy.

Cả dãy nhà đóng cửa im ỉm. Chờ đến tối mịt, tôi gọi theo số điện thoại có ghi trên cánh cửa nhà ngoài cùng, anh Nguyễn Thành Dũng nói từ đầu dây bên kia: “7g tôi về tới”. Đúng 7g, ngôi nhà anh Dũng là căn đầu tiên sáng đèn trong năm căn liền kề suốt ngày lặng yên ấy. Anh thả đứa con trai vào nhà sau khi vợ đã bật đèn sáng trưng, rồi quay sang tôi, giải thích: “Ở đây nhà ai cũng tối khuya mới về, ngủ một giấc dậy là đi liền, sợ nhà sạt. Tui phải ghi số điện thoại lên cửa đặng người ta dễ kiếm". 

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet
Căn nhà của anh Dũng bị chia đôi bởi một vết nứt dài, người trong nhà luôn tập trung ở phần trước nhà, hạn chế ra sau

Bên trong cánh cửa, căn nhà anh Dũng như chia làm đôi. Vết nứt giữa nhà “há miệng" rộng chừng 1cm, chạy dài 2m, nửa căn nhà sau nghiêng hẳn ra phía sông. Phần sau vết nứt là bếp, nhà vệ sinh mà “cực chẳng đã mới xuống”. Ban ngày, anh Dũng làm thợ sửa xe ở quận 4, đưa cả vợ con theo cùng, đến tối mịt mới cùng về nhà. Mấy năm nay, từ ngày phát hiện miếng gạch sàn nứt đôi, rồi há mồm ngày một rộng, chị Nguyễn Ngọc Thảo - vợ anh - kiên quyết không ở nhà một mình.

Tối, đóng cửa quán sửa xe lề đường ở quận 4, vợ chồng anh nấn ná kiếm chuyện đến nhà bạn chơi, khuya mới về nhà. Nhiều buổi, vợ chồng cãi nhau giữa đường vì vợ thì muốn đi chơi, chồng thì mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi. Cãi một hồi, anh Dũng mới thấy vợ bật khóc, thú nhận “sợ về nhà, sợ chết". Vợ chồng con cái tấp vào lề đường, ôm nhau khóc một chặp, rồi lại đưa nhau đi dạo, đến lúc mệt mỏi thì về.

Ở dãy nhà của anh Dũng, ai cũng sống trong cảnh “liều chết", vì năm căn nhà đều có dấu hiện rõ rệt của nguy cơ sạt lở: tường nứt, sàn nhà gãy, viên bi đặt ở cửa ra vào đều lăn về sau nhà, rơi xuống sông. Từ ngày dời về căn nhà này, chưa bao giờ anh Lê Trường Thạnh cho phép mình ngủ thẳng giấc. Mỗi đêm, anh đều giành phần nằm sát vết nứt để canh chừng.

Nha Be cho sap trong nhung can nha... lieu chet
Xóm nhà im vắng suốt ngày vì người dân "sợ về nhà, sợ chết"

Mỗi lần lá dừa xào xạc, hay có sà lan chạy ngang, anh đều thức giấc, nghe ngóng. Hiểu biết của một người làm nghề thợ hồ càng khiến anh toát hồ hôi mỗi lần nghĩ đến bức tường tách đôi và cái sàn nhà gãy cụp về phía sông. Nhưng, cách giải quyết duy nhất của một “trụ cột" là gửi con trai ở nhà mẹ đẻ cách đó 50m về phía đất liền. 

“Chuyện ở đây là vậy, hỏi ai cũng vậy thôi". Ông Mẫm nói khi cùng tôi rời khỏi xóm Dừa. Nhưng, câu nói của anh Thạnh - người thợ hồ trót trút mọi tài sản vào căn nhà xập xệ bên sông vẫn làm tôi tê tái khi nghĩ về xóm người đang ngơ ngác chờ tin ấy: “Nước thì chảy miết vậy, nhà cửa đất đai gì cũng cần phải có kè, có cột để níu lại, mà giờ tường nứt, cột không trụ nổi, kè thì nghe hoài mà chẳng thấy, rồi biết níu vào đâu?”. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI