Nhà báo vẽ tranh cũng rất cừ!

18/06/2024 - 15:02

PNO - Triển lãm “99” trưng bày tranh của nhiều hoạ sĩ, nhà báo các thế hệ. Trong số những tác phẩm được giới thiệu thấy rõ sự say mê, tìm tòi thể hiện của mỗi tác giả.

Buổi khai mạc triển lãm thu hút sự tham gia của nhiều đồng nghiệp, bạn bè của 8 nhà báo, hoạ sĩ.
Buổi khai mạc triển lãm thu hút sự tham gia của nhiều đồng nghiệp, bạn bè của 8 nhà báo, hoạ sĩ.

Sáng 18/6, tại Cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam (quận 3 TPHCM) khai mạc triển lãm tranh mang tên 99. Hoạt động chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024).

Tại buổi khai mạc, nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Những nhà báo và những cộng tác viên của các báo, ngoài việc cầm bút, cầm máy ảnh còn có cùng một sở thích, đam mê cháy bỏng là cầm cọ vẽ. Hầu hết họ đến với hội họa khá muộn màng. Có những nhà báo chỉ mới thật sự sáng tác 2, 3 năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu hoặc khi được bạn bè động viên, khuyến khích”.

Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, là những người gắn bó với hoạt động báo chí, tranh của các tác giả ít nhiều mang tính thời sự. Họ vẽ về đồng nghiệp, biển đảo, các phong trào xã hội song vẫn say mê sáng tác về chân dung, phong cảnh và tĩnh vật… “Nhiều người trong số các tác giả còn chưa dám nhận mình là họa sĩ mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ ngôn ngữ thẩm mỹ nói lên những gì mà con chữ chưa thể nói hết. Nhưng cũng chính nhờ vậy, tranh của nhóm 99 vừa có phần nào chất chuyên nghiệp, vừa đa dạng, phong phú và hồn hậu rất đời”, nhà báo Trần Trọng Dũng đánh giá.

Nhiều nhà báo lão thành đến triển lãm, ủng hộ đồng nghiệp
Nhiều nhà báo lão thành đến triển lãm, ủng hộ đồng nghiệp

Triển lãm 99 trưng bày hơn 130 bức tranh của 8 tác giả là các nhà báo, hoạ sĩ gồm nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, hoạ sĩ Ngô Thành Nhân, nhà báo Đỗ Hương, Huỳnh Dũng Nhân, Vũ Kim Sơn, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Hồng Nga và Tiểu Tân.

Điều đặc biệt tại triển lãm 99 là sự đa dạng trong chất liệu, chủ đề, cách thể hiện của từng tác giả. Người xem có thể thưởng lãm nhóm tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, trừu tượng, sinh hoạt đời thường... với các chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, bút sắt. Dù gắn bó với hội hoạ đã lâu hay mới bén duyên vài năm, trong tranh của mỗi hoạ sĩ - nhà báo đều cho thấy sự say mê, hết lòng với từng đường cọ, mảng màu.

Nhà báo Tiểu Tân
Nhà báo Tiểu Tân bên tác phẩm của mình

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhà báo Tiểu Tân - họa sĩ trẻ nhất nhóm tác giả, hiện đang công tác tại Ban Văn hoá Văn nghệ Báo Sài Gòn giải phóng, cho biết mang đến triển lãm hơn 20 bức cả tranh lụa và màu nước, chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung...

Chị bắt đầu vẽ từ năm 2021 đến nay. Vừa làm công việc chuyên môn vừa vẽ, nhà báo Tiểu Tân tranh thủ tối đa thời gian để có thể cân đối cả 2 đam mê. Công việc làm báo cũng giúp chị có thêm trải nghiệm, trau dồi vốn sống để từ những quan sát đời sống thường nhật chuyển tải chúng vào tranh.

Nhà báo Tiểu Tân vừa đi công tác Trường Sa về, hiện đang thực hiện bộ tranh Thao thức Trường Sa sẽ được tổ chức tại Báo Sài Gòn giải phóng, gồm những bức tranh màu nước, lụa về biển đảo, sinh hoạt đời sống.

Triển lãm 99 diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 26/6 tại Cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, quận 3, TPHCM.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI