Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Xót xa nhất của cái nghèo, là khiến cuộc sống con người ngắn lại…

16/01/2022 - 08:29

PNO - Mười năm, một thế hệ trẻ vùng cao đã lớn lên, Quỹ trò nghèo vùng cao - tiền thân là chương trình Cơm có thịt - do nhà báo Trần Đăng Tuấn sáng lập vẫn đang tiếp tục sứ mệnh yêu thương.

Hàng trăm ngôi trường và hàng ngàn trẻ em miền núi phía Bắc đã có bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, có chăn màn, quần áo ấm, thuốc chữa bệnh, đồ dùng học tập… Tất cả điều đó bắt đầu từ một chuyến đi của nhà báo Trần Đăng Tuấn đến Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vào một ngày đầu thu mười năm trước. Một duyên may, một tấm lòng đã mở ra một hành trình nhân ái và được nối dài bằng những san sẻ ấm tình người…

Trên website của Quỹ trò nghèo vùng cao (www.tnvc.vn), bảng thống kê số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ liên tục được cập nhật. Không chỉ hỗ trợ bữa ăn, xây dựng trường học, nhà nội trú… cho học sinh nghèo vùng cao, thời gian qua, quỹ còn đóng góp cho công tác phòng, chống COVID-19, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung. “Bất cứ ai cũng có thể đem đến sự khác biệt cho cuộc sống của người khác bằng sự quan tâm và tình yêu thương. Mỗi người một chút, ít thôi, nhưng đều đặn. Nếu bạn đồng hành cùng Cơm có thịt (CCT) thì đó chỉ là do mệnh lệnh từ trái tim bạn” là lời nhắn gửi của nhà báo Trần Đăng Tuấn đến cộng đồng.

Và anh, một thập niên, đã chọn đến với trẻ em nghèo vùng cao cũng từ mệnh lệnh của trái tim.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn và trẻ em vùng cao
Nhà báo Trần Đăng Tuấn và trẻ em vùng cao

Có ai gặp những đứa trẻ vùng cao mà không rơi nước mắt 

Phóng viên: Đã mười năm, anh nhiều lần trở lại Suối Giàng, nơi ấy giờ ra sao so với lần đầu anh đến với mục đích “chỉ muốn xem cây chè cổ thụ”? 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Tôi không nhớ chính xác đã mấy lần quay lại Suối Giàng, chắc khoảng chục lần. Có lần là CCT trao quà Trung thu, mang quần áo, có lần là tổ chức tất niên cho các em và có những lần ghé thăm khi trên đường đến các vùng xa hơn. Suối Giàng giờ đổi thay nhiều, đang trở thành khu du lịch. 

Sau mười năm, toàn bộ lứa học trò của năm đầu CCT không còn học tại đây nữa rồi. Chúng tôi cũng không thể gặp lại.

Tôi nhớ một chuyện hồi ấy: sau hai tháng đầu chúng tôi hỗ trợ thức ăn cho học sinh Suối Giàng, thầy cô giáo nói có em tăng 4kg. Tôi không tin, bảo rằng hai tháng, đến phần thịt bé được ăn cũng đâu tới 4kg mà lại tăng được như thế. Lần lên Suối Giàng sau đó, giáo viên chỉ chính cậu học sinh tăng cân đó. Hàng cúc áo của cậu bị căng ngang vì cậu mập ra. Chủ quán bên cạnh ký túc xá kể, trước đây chưa đến tám giờ tối là ký túc xá im ắng. Còn bây giờ, bọn trẻ hò hét nô nghịch đến khuya. Có thêm thức ăn, trẻ con ăn khỏe hơn và năng lượng nhiều hơn. Câu hỏi của bạn khiến một ý nghĩ đến với tôi: cậu bé "tăng 4kg" kia giờ thế nào nhỉ? Có thể lần lên Suối Giàng tới, tôi thử tìm hỏi xem sao.

* Một thập niên gắn bó với bữa cơm cho trẻ nhỏ vùng cao hẳn cũng khiến cuộc sống của anh có nhiều thay đổi? 

- Cuộc sống của ai mà không thay đổi, không thay đổi theo hướng này thì cũng theo hướng khác. Tôi nghĩ nếu không cùng mọi người làm chương trình CCT thì mười năm qua, tôi vẫn có những chuyến đi vùng cao vì tôi thích phong cảnh, con người nơi ấy. Từ hồi đi học, tôi đã rất yêu thơ Chế Lan Viên, thích câu thơ ông viết về Tây Bắc trong bài thơ Tiếng hát con tàu: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Nhưng, hoạt động trong CCT khiến những chuyến đi của tôi và các bạn tôi mười năm qua có ý nghĩa hơn. Bây giờ, chúng tôi cảm thấy mình không còn là khách mà đã là "người nhà" của vùng cao. 

Những đứa trẻ miền núi được ăn những bữa ngon do nhóm thực hiện chương trình Cơm có thịt tổ chức
Những đứa trẻ miền núi được ăn những bữa ngon do nhóm thực hiện chương trình Cơm có thịt tổ chức

* Nhà văn - nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến từng viết đại ý: như thể Trần Đăng Tuấn là người được chọn để thực hiện chương trình CCT. Suốt một thập niên qua, có khi nào anh nghĩ về điều này? Và tại sao là phương Bắc?

- Ông Tiến là bạn tôi nên ông ấy nói văn hoa thế thôi (cười). Phạm Ngọc Tiến cũng là người cùng làm chương trình CCT ngay từ buổi đầu. Đây cũng chỉ là một hoạt động trong trăm ngàn hoạt động xã hội khác ở vùng cao. Mỗi lần lên vùng cao, chúng tôi đều gặp rất nhiều nhóm, các tổ chức khác âm thầm ủng hộ đồng bào miền núi. CCT và quỹ của chúng tôi có phạm vi hoạt động cả nước, chúng tôi cũng có hoạt động tại vùng núi miền Trung, Tây Nguyên... nhưng đúng là hoạt động ở Tây Bắc nhiều nhất vì đó cũng là nơi khó khăn nhất. Một phần do năng lực của chương trình còn hạn chế nên hiện tại chưa phủ đều hết các vùng cao của cả nước.

* Ngoài Suối Giàng, có những điểm trường hoặc nhóm trẻ em nghèo nơi miền đất nào đã được anh nhìn thấy như một 
duyên may?

- Suối Giàng đặc biệt trong ký ức chúng tôi vì đó là điểm đầu tiên của CCT. Nhiều năm sau này, số lượng các điểm CCT hỗ trợ (quy mô mỗi điểm rất khác nhau) luôn hơn kém 100 trường, điểm trường. Số học sinh được CCT hỗ trợ dinh dưỡng thường xuyên cũng trên dưới một vạn em. Chẳng có nơi nào ở vùng cao mà bạn đến, bạn gặp trẻ thơ, gặp núi gặp thác, gặp những đường hiểm trở, những đêm lạnh đường xa, những bếp lửa giáo viên cắm bản... mà bạn có thể quên được. Sau mười năm, mỗi thành viên của chương trình CCT thường xuyên đi lên đó, có cả kho tàng ký ức, kho tàng kỷ niệm về những chặng đường, những bản làng đã đến, những thầy cô giáo và các học sinh đã gặp. Chỗ nào khi đã đến thì đất cũng "đã hóa tâm hồn".

Cơm có thịt đã lặn lội đến với những nơi xa xôi, heo hút của Tây Bắc
Cơm có thịt đã lặn lội đến với những nơi xa xôi, heo hút của Tây Bắc

* Bọn trẻ nơi chương trình CCT đến thường gọi anh là gì?

- Những đứa trẻ gọi tôi là gì ư? Tôi nghĩ các em ấy không biết tôi đâu. Các em tất nhiên là biết nhóm của CCT lên để hỗ trợ các em đồ ăn, quần áo rét hay xây lớp, xây ký túc xá. Tuy vậy, chắc các em không biết nhiều hơn về CCT. Mà chúng tôi cũng không kể với các em. Cái gì làm được thì chúng tôi làm. Gặp các em, cả các em và chúng tôi đều rất vui nhưng bao giờ đến rồi cũng phải đi rất vội vã vì còn phải đến rất nhiều điểm hỗ trợ khác. 

* Những hình ảnh nào khiến anh thắt lòng trong những mùa xuân, hạ, thu, đông đến với trẻ nhỏ vùng cao?

- Tôi nghĩ chắc chắn không có thành viên CCT nào đã đi đến miền núi phía Bắc mà lại chưa rơi nước mắt, dù người đó cứng rắn đến đâu. Có năm ở Suối Quyền, cũng không xa Suối Giàng, chúng tôi tổ chức tiệc tất niên sớm cho học sinh. Tiệc của các em xong, chúng tôi và thầy cô mới ăn, bữa ăn rất muộn. Bất ngờ có một người bà dẫn đứa cháu đi lên dốc vào trường. Thì ra cậu bé này đi chơi trong rừng nên không dự tiệc được. Tất cả xúm vào mời hai bà cháu ăn cùng. Ai cũng gắp đồ ăn cho hai bà cháu, nhiều nhất là thịt. Một lúc sau, bé bị bà mắng. Bé khóc. Bà cũng không ăn nữa. Một cô giáo “phiên dịch” cho thì chúng tôi mới hiểu. Bà thương, muốn cháu ăn nhiều thịt nhưng em bé không ăn được vì... không biết ăn thịt. 

Các thầy cô sau đó nói với chúng tôi, không ít em bé ở đây không biết ăn thịt, vì cả năm không có dịp nào ăn món ăn ấy. Nếu bạn ở đó, bạn thấy sao?

Cách đây mấy năm, chúng tôi đi lên vùng Pa Cheo (rất nhiều lần CCT lên đây). Cùng đi có một cô gái người Đức. Khi vào các điểm bản, gặp học sinh, dọc đường về, cô này cứ khóc suốt. Về Sa Pa, cô gái Đức nói với bạn: “Sao các bạn vẫn có thể nói cười? Tôi không thể nén được khi nhìn thấy các em bé đáng yêu như vậy, còn nhỏ vậy mà đã chịu thiếu thốn”. Một thành viên CCT nói với cô: “Khi bắt đầu làm CCT, lên đây, chúng tôi cũng như bạn. Chúng tôi khóc nhiều lắm. Giờ chúng tôi không khóc nữa. Chúng tôi để sức giúp đỡ trẻ em”. Cô gái Đức gật đầu, không khóc nữa.

Mười năm đã trôi qua. Có rất nhiều điều đã khác ở vùng cao, nhất là giao thông, hạ tầng cơ sở. Có những đoạn đường gian lao, hiểm trở vô cùng mười năm trước chúng tôi đi, nay nếu bạn đi sẽ thấy chẳng có gì khó khăn nữa. Gian khó bớt đi. Dẫu hiện tại vẫn còn nhiều cái cần hỗ trợ cho các em nhưng những thay đổi cũng khiến chúng ta ấm lòng.

“Tôi thấy nợ những người ủng hộ"

* Du khách muôn phương đều thấy phương Bắc đẹp. Còn anh, người đã đến và bỏ quên cây chè cổ thụ năm nào, đã nhìn thấy những gì từ phận người phương Bắc?

- Vùng cao phía Bắc là vùng lộng lẫy cảnh sắc của đất nước. Không chỉ lộng lẫy phong cảnh mà còn lộng lẫy về văn hóa. Tuy nhiên, đó cũng là nơi điều kiện vật chất cho cuộc sống của người dân còn cách rất xa so với đa số các vùng khác của đất nước. Nguyên do thì ai cũng biết: núi non hiểm trở, đường sá khó khăn. Thực ra trên thế giới, ở những nước phát triển, núi non không phải là trở ngại, mà là thế mạnh để phát triển. Vùng núi phía Bắc của chúng ta sau này phải là thiên đường du lịch, không chỉ du lịch trong nước mà du lịch nghỉ dưỡng quốc tế. Sẽ phải là nơi người dân có thu nhập tốt. Vậy nhưng điều này chưa thành hiện thực.

Chúng ta chưa có tiền để xây dựng hạ tầng phát triển đúng hướng cho vùng cao. Tây Bắc nghèo không phải do thiếu tiềm năng mà vì đất nước mình còn nghèo nên chưa thể đầu tư đầy đủ cho vùng đất này. Nếu ta thấy đời sống người dân vùng cao còn quá thiếu thốn so với các vùng khác thì nên hiểu đó là vì bản thân ta, những người miền xuôi, những người thành thị, cũng chưa giàu để cùng phát triển miền đất quý báu này của đất nước nhanh như ta muốn.

Giờ đây, ít khi người dân bị đói nhưng các điều kiện về sinh hoạt, hưởng thụ vật chất và văn hóa vẫn còn quá thấp. Bạn biết điều nhói lòng nhất là gì không? Tại một bản rất hẻo lánh ở Xín Mần, tôi từng nhìn thấy trên mảnh nương hẹp có hai cô bé mà chúng tôi nghĩ chỉ chừng 13 tuổi đang cho hai con ngựa cày đất rất vất vả. Tôi nghĩ đó là hai cô con gái của chủ nhà nhưng sau mới biết đó là hai cô con dâu 15 tuổi, đã cưới được nửa năm trước. Ở đỉnh núi gần hồ Ba Bể, tôi chỉ đứa bé mà một cô gái nhỏ đang bồng trên tay, hỏi: “Em bé nhất của cháu đây à?”. Cô gái hồn nhiên: “Không phải em đâu, con đấy”. Chỉ sau ít năm nữa thôi, gặp lại những bà mẹ trẻ này, bạn sẽ khó đoán ra tuổi. Lúc đó, bạn sẽ đoán tuổi họ nhiều hơn tuổi thực. Vì vất vả, không bao giờ có cơ hội nhìn được điều gì khác ngoài nỗi lo sao cho con không đói, họ già đi rất nhanh. 

Cái nghèo đáng sợ không chỉ ở chỗ thiếu đói. Cái xót xa nhất là nó khiến cuộc đời con người ngắn lại. Tôi không có ý nói về tuổi thọ, mà nói về chất lượng sống. 

"Hai năm qua, dịch bệnh khiến chúng tôi không thể đi lên vùng cao nhiều như các năm trước. Có những lần cả đoàn CCT lên vùng cao tổ chức Trung thu cho các em mà đến nơi phải trung chuyển quà sang thầy cô giáo, còn người lại vượt 500km quay về. Hoạt động CCT được thiết kế là chuyển hỗ trợ lên các trường, các trường có trách nhiệm sử dụng hỗ trợ để bổ sung suất ăn, bổ sung dinh dưỡng cho học sinh và báo cáo, giải trình việc sử dụng. Vì thế, việc hỗ trợ không bị gián đoạn.

Ở các tỉnh vùng cao, một số trường CCT hỗ trợ có người nhiễm 

COVID-19 nhưng về cơ bản dịch không lan rộng, học sinh vẫn đi học. Có những điểm có nhu cầu hỗ trợ về dụng cụ, vật tư phòng, chống dịch tại lớp học, quỹ đã hỗ trợ. Song, hoạt động tham gia chống dịch của quỹ lại ở hướng khác. Với tư cách một quỹ xã hội từ thiện, chúng tôi đã mở đợt quyên góp khẩn cấp trong mười ngày để mua thiết bị cho các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM. Với số tiền quyên góp gần 4,5 tỷ đồng, quỹ đã mua những thiết bị y tế khẩn cấp cần thiết cho các đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 thể nặng như máy theo dõi bệnh nhân, bơm tiêm điện, đồ bảo hộ cho nhân viên y tế…"

Trần Đăng Tuấn

* Đã góp phần rất nhiều cho việc thay đổi chính sách hỗ trợ giáo viên và học trò miền núi, anh mong muốn có thể thay đổi thêm những gì cho cuộc sống của đồng bào?

- Tôi cũng phải nói rõ ràng điều này: các hoạt động xã hội từ thiện chỉ có một thế mạnh là bổ sung, bù đắp ở vài mắt xích. Không thể bằng hoạt động xã hội từ thiện mà thay đổi cuộc sống ở đâu cả. Cái làm thay đổi cuộc sống của vùng cao là sự phát triển kinh tế xã hội, là đầu tư của quốc gia. Mười năm qua, chúng tôi đi núi hàng trăm lần và đã tận mắt thấy sự đầu tư vào hạ tầng cơ sở vùng cao, hỗ trợ công cho người dân, học sinh nơi này là rất lớn. Tất nhiên có thể bàn về hiệu quả đầu tư, nhưng nói tổng thể thì các nỗ lực đầu tư cho vùng cao ở Việt Nam là thực tế.

Chúng tôi không đặt cho mình nhiệm vụ góp phần xóa được nghèo ở đâu. Điều CCT hướng đến là giúp một phần để học sinh vùng cao đi học đều hơn, ít em bỏ học hơn. Chúng tôi hướng đến một bộ phận học sinh mà chính sách hỗ trợ của Nhà nước không bao quát được, tức là thêm mắt xích nhỏ nhưng cần thiết.

* Có nhiều người thấy mình có nợ với quê hương, cũng có nhiều người thấy mình nợ tha nhân, nợ cuộc sống những ân tình. Còn anh có thấy mình từng “nợ” điều gì?

- Tôi vốn ngại những từ ngữ và cách diễn đạt to tát. Tôi nghĩ mình làm được gì thấy có ích và thấy vui thì làm cùng mọi người. Về CCT, chúng tôi chỉ là người trung chuyển ủng hộ của cả vạn người yêu thương trẻ vùng cao. Nếu nói về cảm giác thấy “nợ”, chúng tôi, những thành viên thường trực của CCT, có cảm giác nợ người ủng hộ vì chúng tôi chưa đủ chu đáo. Thực ra, chúng tôi chẳng đủ thời gian để giữ liên hệ, để cảm ơn họ. Nhiều lúc, có những lời nhắn, như: “Cháu xin lỗi tháng này không gửi được tiền ủng hộ vì cháu vừa mất việc. Khi nào đi làm lại, cháu sẽ tiếp tục gửi”. Có khoản tiền người trước khi mất dặn con cháu chuyển cho CCT. Rất nhiều điều khiến chúng tôi thấy nợ ân tình với rất nhiều người.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

BÙI TIỂU QUYÊN (thực hiện) - ẢNH: QUANG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI