|
Nhà bảo tồn Lê Thị Trang bên bức vẽ voọc chà vá chân nâu Sơn Trà của họa sĩ Beth Molasky |
Tốt nghiệp Khoa Môi trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chị Lê Thị Trang (sinh năm 1986, hiện sống tại Đà Nẵng) đúng ra sẽ trở thành kỹ sư môi trường. Nhưng từ thời sinh viên, chị đã thấy công việc đó có nhiều người làm và không mang tính bền vững như giá trị chị muốn theo đuổi. Chị muốn người dân thay đổi hành vi từ gốc rễ, từ việc thay đổi lối sống.
Bước ngoặt đến khi chị làm tình nguyện cho một số tổ chức phi chính phủ liên quan đến việc bảo vệ động vật hoang dã. Chị bất ngờ khi phát hiện rằng những lời đồn trước nay về vấn đề đa dạng sinh học như người dân tộc ăn thịt động vật hoang dã hay phá rừng là không đúng… Nguyên nhân sâu xa hơn lại đến từ những người sống ở thành thị. Nhu cầu tiêu thụ cao dẫn đến sự xuất hiện những người săn lùng động vật hoang dã, lấy gỗ quý để đáp ứng.
3 năm đi dọc bản đồ sinh học trên dải đất chữ S, chị Trang hiểu từng ngóc ngách về việc động vật quý hiếm trong rừng được đưa ra và tiêu thụ như thế nào. Chị khao khát trở thành một nhà bảo tồn giúp bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật, đòi lại tiếng nói công bằng cho những khu rừng nguyên sinh.
Câu chuyện Sơn Trà
Loài voọc chà vá chân nâu luôn được coi là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với bán đảo Sơn Trà. Dù vậy, để xây dựng được cuộc sống bình yên cho “nữ hoàng linh trưởng” đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam là một câu chuyện dài.
Từ năm 2008, bán đảo Sơn Trà đứng trước những quy hoạch khiến toàn khu có nguy cơ bị chia năm xẻ bảy. Thấy rõ hệ sinh thái tự nhiên ở bán đảo bị đe dọa trầm trọng, chị Trang và các đồng nghiệp tại Green Việt đã bắt tay vào một chiến dịch để đòi lại sự công bằng cho tự nhiên.
Chiến dịch bắt đầu từ công việc giáo dục cộng đồng. Chị Trang và các đồng nghiệp muốn giới thiệu cho người dân Đà Nẵng biết họ có một khu rừng rất đẹp, có những cá thể voọc kích thước to như người cũng đang sinh sống chan hòa bên cạnh mình… Nếu những công trình xây dựng trái phép được thực hiện, những khu rừng nguyên sinh sẽ bị san phẳng, rất nhiều cá thể voọc sẽ mất đi gia đình, bị cướp mất môi trường sống. Nhờ những nỗ lực, chị Trang và tổ chức đã lan tỏa được một thông điệp mạnh mẽ.
Hàng loạt chương trình truyền thông, giáo dục được thực hiện và tạo nên hiệu ứng rất mạnh, gây chú ý với cả quốc tế như chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà”, “Tôi yêu Sơn Trà”, chương trình truyền thông tại các tụ điểm du lịch bằng thông điệp kêu gọi du khách nói không với thực phẩm từ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái bằng những hành động thiết thực...
Đã có rất nhiều bài hát, triển lãm ảnh về loài voọc, những doanh nghiệp mượn hình ảnh voọc đưa lên các nhà chờ xe buýt, những hội thảo, những nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Sơn Trà được thực hiện…
Ở thời điểm các công trình xây dựng bắt đầu được thực hiện cũng là khi nhận thức của người dân Đà Nẵng đã được nâng cao. Lúc này, cộng đồng đã có đủ kiến thức, thông tin, sự đồng cảm, niềm khát khao muốn bảo vệ tài nguyên quê hương. Họ bắt đầu đặt câu hỏi về những công trình xây dựng trái phép.
Phản ứng của người dân trở nên rầm rộ khiến thanh tra phải vào cuộc. Những cỗ máy xúc, đào phải dừng công việc trên bán đảo Sơn Trà. Khoảng hơn 2 năm sau đó, đoàn thanh tra đưa ra câu trả lời. Những khu vực đã xây dựng, đã làm hoạt động kinh doanh trên Sơn Trà tiếp tục nhưng có giới hạn. Có phần diện tích rõ ràng của khu bảo tồn. Những vùng diện tích tự nhiên được giữ lại và những vùng du lịch cần được quản lý tốt hơn.
Năm 2023, những đơn vị từng sở hữu đất ở Sơn Trà đã dỡ bỏ những đầu mục liên quan đến kinh doanh, góp phần trả lại bình yên cho những khu rừng, cho môi trường sống của loài voọc.
Green Việt cũng thành công khi xin được 1 dự án nghiên cứu vào năm 2017, thống kê được hơn 200 gia đình voọc với hơn 1.600 cá thể đang sinh sống trên bán đảo Sơn Trà.
“Bên trong người dân luôn có tinh thần tự hào về quê hương, sẵn sàng bảo vệ mảnh đất của mình. Chúng tôi chỉ làm công việc duy nhất là khơi gợi về những cảm xúc đó, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường sống trên chính quê hương mình” - chị Trang chia sẻ.
Năm 2020, sau những nỗ lực trong chiến dịch ở bán đảo Sơn Trà, chị Trang được quỹ Đối tác hệ sinh thái trọng điểm (CEPF) vinh danh là “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học”. Chị là 1 trong 10 nhà bảo tồn trên thế giới và cũng là người đầu tiên của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Con người cần coi trọng thiên nhiên với sự công bằng 1-1
|
Chị Trang và các cộng sự đã nỗ lực huy động đóng góp từ cộng đồng để xây dựng trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên đầu tiên của Đà Nẵng, góp phần lan tỏa các thông điệp về đa dạng sinh học đến người dân, du khách |
Sau 8 năm tham gia công tác giáo dục tại Green Việt, chị Trang nhận thấy tác động của các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngày càng nan giải. Cộng đồng vốn đã quen với quá nhiều tiện lợi, những sinh kế và có những quan điểm ăn sâu vào nhận thức nên rất khó đặt mình ngang hàng với thiên nhiên…
Từ những trăn trở, chị Trang quyết định bắt đầu với đối tượng có thể dễ dàng mang đến sự công bằng 1-1 với thiên nhiên hơn: học sinh. Chị thực hiện các dự án giáo dục cho học sinh để nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, với những cánh đồng, khu vườn, khu rừng… bên cạnh mình.
Dẫu vậy, điều khó khăn là tìm tài trợ vì nhiều nhà tài trợ muốn nhìn thấy ngay những tác động. Trong khi công việc giáo dục này lại bắt nguồn từ gốc rễ và kết quả đến chậm hơn. Thách thức đặt ra nhưng chị Trang không chùn bước. Chị luôn nỗ lực tìm những mạnh thường quân cùng chí hướng để cùng mình thực hiện các mục tiêu.
Chị đã tìm được sự hỗ trợ từ một chương trình bên Mỹ, ký hợp đồng tư vấn độc lập để phát triển các sản phẩm, tài liệu giáo dục liên quan. 80 tình nguyện viên đã tham gia để cùng lên giáo án, thiết kế bài giảng cho học sinh từ lớp Bốn đến lớp Bảy. Phương pháp giáo dục được sử dụng là 4E (bao gồm Engage - Gắn kết, Explain - Cung cấp kiến thức, Elaborate - Áp dụng và Evaluation - Đánh giá).
Có được nguồn lực, chị Trang cùng các tình nguyện viên đến các điểm trường ở những vùng nông thôn để thực hiện công việc giáo dục.
“Trẻ em ở nông thôn thường được giáo dục theo hướng cố gắng học hành, lớn lên ra ngoài kiếm tiền. Có những bạn trẻ thà đi làm công nhân ở các khu công nghiệp còn hơn sống ở nông thôn. Chúng tôi muốn các em nhìn thấy rõ vùng mình sống có gì, nhằm nâng cao tình yêu và sự gắn kết của các em với quê nhà. Từ đó, khi lớn lên, các em có thêm sự lựa chọn, không cứ phải đi thật xa mới phát triển được” - chị Trang chia sẻ.
Để làm được điều đó, chị và các đồng nghiệp, tình nguyện viên không thể chỉ đến 1-2 buổi rồi đi mà luôn dành thời gian tối thiểu trong 3 tháng để cùng sống, cùng sinh hoạt với các em. Các em được truyền cảm hứng từ những anh chị yêu thiên nhiên, yêu động vật vô điều kiện.
Mỗi năm, chị Trang có kế hoạch đi khoảng 4 trường. Trong những buổi nói chuyện trước cờ, nhóm sẽ tìm những học sinh tham gia Câu lạc bộ Hiệp sĩ rừng xanh. Học sinh sẽ học liên tục trong 7 buổi sáng thứ Bảy, đi thực địa ở khu bảo tồn/vườn quốc gia…
“Chúng tôi thường ưu tiên nhóm học sinh cá biệt, ham chơi. Các em thường hiếu động, không thích học. Trong khi đó, các hoạt động của chúng tôi lại được… chơi nhiều nên các em rất thích. Đây cũng là nhóm có những sự thay đổi tích cực nhất. Sau khi tham gia câu lạc bộ, thầy cô phản ánh các em hiểu thêm về ngôi trường của mình, thêm tự hào và ngày càng gắn bó với trường. Đặc biệt, các em lại thích học hơn” - chị Trang kể.
Nói về đam mê, chị Trang cho rằng nếu một người tìm thấy vai trò, nhìn thấy tầm quan trọng trong việc mình đang làm thì sẽ không sợ bị mất động lực. Đó là lý do sau gần 20 năm, đôi chân của nhà bảo tồn đa dạng sinh học vẫn phăng phăng bước đi trên con đường hoạt động giáo dục nhận thức về tài nguyên thiên nhiên địa phương, đấu tranh vì sự công bằng cho thiên nhiên.
Cát Tường
Ảnh do nhân vật cung cấp