Hơn 20 năm qua, chị và người bạn đời đã cùng nhau rong ruổi trên khắp các nẻo đường. Những chuyến du hành xuyên Việt, Lào, Thái, Malaysia, Singapore, Ý, Đức, Hà Lan, Pháp… đã được chị chia sẻ trong cuốn Mở rộng phạm vi bán kính đời mình và câu slogan chị tâm đắc là của nhà văn John Steinbeck: “Chúng ta cứ tưởng chúng ta làm cuộc hành trình nhưng sự thực thì hành trình làm chúng ta. Cứ tưởng mình lái xe nhưng kỳ thực chiếc xe đã “lái” ta”.
Học lái xe đi, hết say ngay
Phóng viên: Ừ thì phụ nữ lái xe hơi đâu có gì lạ nhưng với một người đi xe máy còn run tay, lại sợ các loại mùi, nói gì tới mùi xăng, làm thế nào để chị vượt được nỗi sợ, vượt được chừng đó trở ngại để trở thành “tay lái lụa” như bây giờ?
Nhà báo Thủy Phạm: Thời điểm những năm 1990 nếu leo lên ô tô mà không xe đò thì chỉ có xe cơ quan, ngồi băng ghế sau, tôi thường uống ngay vài viên thuốc chống say xe mà thực chất giống như thuốc gây ngủ - để rồi vật vờ tới tận lúc xuống xe. Lúc đó, tôi không hề biết rằng ngồi sau tay lái, làm chủ tay lái, làm chủ con đường đi của mình sẽ là một cảm giác hoàn toàn khác.
Chính xác là chiếc xe đến với tôi chứ không phải ngược lại. Ngày nhận xe, tôi phải nhờ bác tài xế của ca sĩ Hồng Nhung lúc đó lái giùm về nhà. Ở thế không có đường lùi, tôi cấp tốc đăng ký khóa học lái.
Vậy mà kỳ lạ, khi ngồi sau tay lái, tập trung vào việc học điều khiển “cái hộp trên 4 bánh xe”, tôi dần phát hiện ra sự hấp dẫn của thế giới 4 bánh ấy và chỉ một năm sau đã có thể tự lái xuyên Việt. Sau này, khi gặp bất cứ người quen nào than rằng đi ô tô là say, tôi đều chân thành và nhiệt tình khuyên: “Học lái xe đi, hết say ngay! Hết say xe nhưng lại say nhiều thứ thú vị khác sau tay lái”.
* Khi mới biết lái xe, có lần nào chị làm cho người ngồi cạnh “sợ” phát khiếp không?
- Chắc là có sợ và không chỉ 1 lần, chỉ là chưa tới nỗi “phát khiếp”. Trong cuốn sách, tôi có kể chuyện Khi vợ vừa lấy bằng, chỉ là chuyện vui cho khỏi buồn ngủ khi lái xe nhưng cũng có một phần thực tế.
Là anh kia kể vợ anh mới thi đậu bằng lái B1, hào hứng đem “em 4 bánh” ra đường. Được một chặp, anh nhận điện thoại vợ hỏi:
- “Anh ơi, nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên trái nghĩa là nó sắp sửa rẽ sang bên trái và mình phải tránh sang bên phải đúng không anh?”
- “Đúng rồi cưng ơi!”.
Ít phút sau, vợ lại gọi:
- “Anh ơi, nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên phải tức là nó sắp sửa rẽ sang bên phải và mình phải tránh sang bên trái đúng không anh?”
- “Đúng rồi em!”.
|
Từ khi lái xe, Thủy Phạm hết say xe nhưng lại “say” nhiều thứ thú vị khác sau tay lái |
Chưa kịp đặt máy xuống thì chuông điện thoại lại reo lên: “Anh ơi, cái thằng đằng trước nó vừa nhấp nháy cái đèn bên trái lại vừa nhấp nháy cái đèn bên phải thì nghĩa là sao anh?”
- “Nghĩa là xe nó gặp sự cố bất ngờ đang dừng đỗ khẩn cấp hoặc nó báo là nó sẽ đi thẳng chứ không rẽ về bên nào cả”
- “Vậy hả? Thế mà em nghĩ mãi không ra, chả biết tránh về bên nào”
- “Vậy em xử lý sao?”
- “Dạ, vì không biết tránh về bên nào nên em tông thẳng vào đít nó rồi!”.
Với những người mới lái xe, vấn đề nhiều khi không nằm ở kỹ năng điều khiển vô lăng mà ở việc phán đoán và xử lý tình huống thực tế. Những thứ này chỉ có trải nghiệm nhiều hoặc học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm và học trên đường mỗi ngày.
Năm đầu tiên có bằng lái, khi quyết định lái xe xuyên Việt, tôi phải nhờ một tài xế chuyên nghiệp ngồi ghế phụ. Những gì học hỏi được đã giúp tôi có thể làm chủ hoàn toàn chặng lái quay về. Sau này, lần đầu thuê xe tự lái ở Đức, rồi xe tay lái nghịch ở Anh, trước khi bắt đầu hành trình dài, tôi đều dành ra nửa đến 1 ngày để “dợt” cho quen xe, quen luật, quen văn hóa lái xe với một tay lái bản xứ.
Vẫn là những bài học đầu tiên nhưng không bao giờ là thừa. Tôi không sợ người đi cùng “phát khiếp” nhưng lái nhiều, biết nhiều, có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi càng nhìn ra những giới hạn của bản thân. Việc của mình là mở rộng giới hạn đó thôi.
Ai cũng cần một người đồng hành
* Chị có viết “đừng lái xe một mình”, thậm chí có lần khi đi một mình, chị đã nói chuyện một mình trong hành trình. Vì sao lại có “nhu cầu” nói chuyện như vậy?
- Tôi nghĩ tiếp xúc và chia sẻ là một nhu cầu thiết yếu của con người nói chung. Một chuyện ngoài lề, tất nhiên có liên quan tới lái xe nhưng không phải tôi cầm lái, mà là tôi quan sát một bác lái xe buýt ở Kyoto.
Đi xe buýt ở Nhật, bạn sẽ thấy bác tài kiêm cả bán vé và soát vé chứ không như xe buýt ở ta - bên cạnh lái xe còn thêm lơ xe. Và ở Kyoto, bác tài còn kiêm phát thanh viên. Người nào cũng đeo một cái micro nhỏ. Khách lên xe, bác tài chào. Khách xuống xe, bác tài cảm ơn. Đường quá đông, bác tài thông báo. Gặp đoạn đường xấu, có ổ gà, bác tài cũng thông báo và còn xuýt xoa bày tỏ cảm xúc.
Lần đầu đi xe buýt ở Nhật, thấy vậy, tôi ngạc nhiên lắm. Tôi cứ thắc mắc, nước Nhật tự động hóa hàng đầu thế giới, sao không cài đặt hệ thống thông tin tự động trên xe mà lại bắt bác tài thêm việc. Nhưng sau nhiều ngày quan sát, tôi nhận ra điều kỳ diệu lớn lao trong cái micro nhỏ bé của bác lái xe buýt ở Kyoto.
Thử tưởng tượng, người lái xe lao động 8 tiếng mỗi ngày không khác gì một cái máy sau vô lăng nếu không trò chuyện, không nói tiếng người. Thử tưởng tượng những hành khách đi buýt với lộ trình cài đặt sẵn, với những thông báo cài đặt sẵn, chỉ có thông tin, còn thì hoàn toàn vô cảm…
Vậy nên với tôi, dù những chiếc xe hơi đời mới ngày nay và trong tương lai gần có trang bị đầy đủ các công nghệ thông minh hỗ trợ, kể cả có thể “tiếp chuyện”, bạn hoàn toàn có thể lái xe một mình đường dài không lo lắng nhưng có ít nhất 1 người đồng hành, tri kỷ, người cùng chia sẻ thực những trải nghiệm, cảm xúc trên đường chắc chắn thú vị hơn nhiều.
Phụ nữ vẫn nửa đùa nửa thật với nhau là một chuyến đi hoàn hảo luôn cần 1 nhiếp ảnh gia có tâm - người sẽ ghi lại cho ta những khoảnh khắc “check in” để… nuôi Facebook!
* Nhạc sĩ Dương Thụ - người đã tặng chị chiếc ô tô đầu tiên, người luôn ngồi cạnh chị trên xe - là người bạn đồng hành như thế nào, dễ chịu và đáng yêu chứ?
- Cũng không “dễ chịu” lắm đâu. Tôi từng kể về câu chuyện “mổ bò trên xe” của các gia đình có vợ/chồng cầm lái còn người kia ngồi bên cạnh sẽ thế nào, phổ biến tới mức thế giới còn làm cả một nghiên cứu về chủ đề này với kết quả là ít nhất 75% các cặp có to tiếng, cãi cọ khi lái xe. Dĩ nhiên nhà tôi không ngoại lệ. Giải quyết thế nào thì… nằm ở đoạn “Cãi nhau đừng để cho hổ biết” trong quyển sách của tôi. Qua đoạn “dễ tăng xông” này thì chắc đó là người không mảy may e ngại khi lên chiếc xe do tôi cầm lái, ngay từ ngày đầu tôi lấy bằng lái xe. Nói đùa, đó là người hồn nhiên tin tưởng “phó mặc đời” cho tôi sau vô lăng với tuyên bố "Em dám lái, anh dám ngồi".
Điều ấy giúp tôi có thêm tự tin, chủ động. Nhưng ông cũng lại là người thường nhắc nhở mỗi khi tôi vì quá “bốc” mà có thể không giữ được sự tập trung, tỉnh táo cần thiết khi lái xe.
* Cả anh và chị đều quan niệm: “Đi để sống”, “Nếu trên trái đất có những chỗ có thể đi được, tôi sẵn sàng đi”. Đó là một triết lý sống thú vị, chị có thể chia sẻ thêm một chút về quan điểm này?
- Tôi không biết nó có thú vị với người khác không, vì có người bạn tôi ngược lại, luôn thấy ở nhà là đủ đầy, xem trên mạng là biết cả thế giới, mà đúng là bạn ấy biết nhiều thứ, nhiều chuyện hơn tôi. Đi với chúng tôi không phải là để BIẾT, mà để SỐNG. Như khi thuê xe tự lái qua nhiều quốc gia châu Âu, tôi hầu như không “check-in” các địa danh du lịch nổi tiếng, không theo tour du lịch nghe thông tin lịch sử, nguồn gốc di tích...
Thay vào đó, chúng tôi thích thuê nhà dạng airbnb, có thể chia sẻ không gian sống cùng người địa phương, đi nghe nhạc, xem biểu diễn cùng họ, trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày của dân bản địa… Những trải nghiệm văn hóa sống như vậy (có cả không ít xung đột do khác biệt, mà từ đó mình học được cách chung sống) cho tôi được sống rộng hơn cuộc sống bình thường của mình.
|
Sau 1 năm kể từ khi làm quen với chiếc xe 4 bánh đầu tiên, nhà báo Thủy Phạm đã có thể lái xe xuyên Việt |
“Đừng bán xăng cho phụ nữ" - lạc hậu quá!
* Làm chủ một chiếc xe, lại như con ngựa quen đường dài, chị học được điều gì từ sau vô lăng?
- Rất nhiều. Trước khi ngồi sau tay lái gần như hằng ngày (từ năm 2000), rồi trở thành một trong những nhà báo nữ đầu tiên phụ trách chuyên mục “Ô tô” trên một tờ báo (từ 2003) và sau đó là những chuyến đi dài ngày đầy hào hứng xuyên Việt, xuyên Lào, xuyên châu Âu, tôi là người... sợ lên ô tô kinh khủng.
“Nhiều bạn hay trêu Thủy nói nhiều khi lái xe vì các bạn không hiểu cô ấy say sưa, phấn khích thế nào khi cầm lái. Đời thường, cô ấy không nói nhiều như thế. Tay lái của cô ấy giống như cây đàn và âm nhạc đối với tôi vậy”. Nhạc sĩ Dương Thụ |
Lại phải trích dẫn một câu “trúng tim tôi” từ cuốn sách của John Steinbeck: “Chúng ta cứ tưởng chúng ta làm cuộc hành trình nhưng sự thực thì hành trình làm chúng ta. Cứ tưởng mình lái xe nhưng kỳ thực chiếc xe đã “lái” ta.
Để có thể thành thục kỹ năng điều khiển một cỗ máy kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế cơ khí chính xác và các công nghệ tiên tiến hàng đầu, cả trí tuệ thông minh, có thể tăng tốc từ vị trí xuất phát lên 100 km/h tính bằng giây, bạn không thể lơ mơ về nó và không thể không tự “cập nhật” chính mình.
Để an toàn cho bản thân và những người xung quanh, không chỉ cần nắm vững luật (giao thông) mà còn phải am hiểu cả văn hóa, thói quen đi lại ở những nơi mình tới. Làm chủ tốc độ là một kỹ năng tuyệt vời - biết khi nào cần nhanh, khi nào cần chậm, khi nào phải đứng im; biết quan sát từ xa và biết phán đoán tình huống; vừa quyết đoán lại vừa linh hoạt. Sự bình tĩnh, điềm đạm, cẩn trọng cũng là những đức tính chiếc xe dạy chúng ta hằng ngày…
Trên hết, việc làm chủ chiếc xe cho tôi sự chủ động, sự tự do cũng như thỏa đam mê khám phá cuộc sống và con người xung quanh vốn cũng rất gần gũi với nghề nghiệp của mình.
* Với những ma trận thuê xe tự lái ở châu Âu, có vẻ chị trở thành một phượt thủ ô tô đầy kinh nghiệm rồi nhỉ?
- Đúng là nhiều trải nghiệm sẽ nhanh chóng cho mình nhiều kinh nghiệm nhưng chẳng bao giờ là đầy đủ. Tôi vẫn có thể mắc sai lầm, vẫn có lúc nhận biên lai phạt… Chỉ có điều, những sai lầm ấy, những sự cố ấy không khiến ta sợ hãi, buông tay lái mà luôn xem đó là những bài học mới mà mình cần tiếp tục học, tiếp tục vượt qua những kỳ thi.
* 7 chuyến, dài nhất là 28 ngày với cỡ 6.000km là những con số thật ấn tượng. Thế nhưng ngoài cảnh đẹp, trải nghiệm đường trường, văn hóa nơi đến, cao hơn nữa phải chăng là những bài học sinh tồn?
- Đúng thế. Tôi luôn nhớ tới những lần lái xe trên cao tốc không giới hạn tốc độ ở Đức (autobahn). Nếu không nắm vững luật và thuần thục những kỹ năng lái xe cao tốc như giữ làn, chuyển làn, vượt, thoát ra… thì chưa chắc đã “toàn mạng” để… nộp phạt. Đó là thực tế và cũng là một ẩn dụ với tôi về những bài học để sống sót cả trên đường nhựa và đường đời.
* Những phụ nữ lái xe nào mà chị thấy ấn tượng?
- Giờ thì ở Việt Nam có rất nhiều tay lái nữ mà tôi ngưỡng mộ. Có tay đua nữ trên đường đua chuyên nghiệp quốc tế. Có tay lái nữ trong các giải thi đấu lái xe địa hình vốn xưa nay chỉ có đàn ông mới đủ “lầy”. Có bạn gái lái xe tải đường dài. Có không ít tay lái nữ đi xa hơn tôi nhiều, chỉ là họ chưa viết sách về chuyện đó thôi. Tôi nghĩ quan điểm “Đừng bán xăng cho phụ nữ” lạc hậu quá rồi. Nói đùa là, vì bây giờ ô tô đâu chỉ chạy bằng xăng. Không bán xăng cho tôi thì tôi cắm sạc điện!
|
Với nhà báo Thủy Phạm, ngồi sau tay lái, làm chủ tay lái, làm chủ con đường đi của mình sẽ là một cảm giác hoàn toàn khác |
* On the road (Trên đường của Jack Kerouac), Travels with Charley in search of America (Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ của John Steinbeck) là 2 cuốn sách chị thích và tiếc nuối vì ở Việt Nam chưa ai viết sách kiểu du ký, thực hiện bản đồ văn chương xuyên Việt hay như vậy. Nếu thế, tại sao người đó không phải là chị nhỉ?
- Như đã nói, chính là giới hạn của bản thân mà tôi có thể liệt kê ra vô số lý do nghe rất có lý. Trong cuốn sách du ký mà tôi vô cùng yêu thích - Travels with Charley in search of America - tác giả có kể về nhiều người ông gặp trên hành trình bày tỏ khao khát bước ra khỏi cuộc sống quen thuộc cũ, để lên xe cùng ông nhưng rồi hôm sau, vẫn chỉ có mình ông và chú chó nhỏ Charley lên đường…
Nhưng biết đâu có những người đang làm việc này mà tôi và bạn chưa biết. Và cũng đâu biết được, một ngày đẹp trời nào đó, tôi cũng có thể…
* Cuối cùng, chị có lời khuyên gì với những chị em cũng muốn “rong chơi” trên các cung đường nhưng lại quá nhút nhát chẳng dám lái xe?
- Là mua và đọc ngay cuốn Mở rộng bán kính đời mình đi, bạn sẽ thích lái xe ngay mà!
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Nhà báo Thủy Phạm sinh năm 1971, nguyên là Phó tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa. Đam mê ngồi sau vô lăng khiến chị từ một cây bút văn hóa, giải trí có tiếng chuyển sang mảng thể thao và ô tô, trở thành nhà báo nữ hiếm hoi ở lĩnh vực này. Kinh nghiệm và bản lĩnh giúp Thủy Phạm trở thành cái tên được các hãng xe lớn ở Việt Nam tin tưởng gửi gắm chạy thử mỗi khi ra mắt dòng xe mới. Chị cũng là người sáng lập và nhiều năm điều hành Câu lạc bộ Phụ nữ và xe hơi, Câu lạc bộ Ladycarcar. |
CODET HANOI (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp