Ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp
Từ giữa tháng 5/2021, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại TPHCM có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều tòa soạn ở TP.HCM đã có quy định về quy trình tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh. Theo đó, mỗi phóng viên khi đến vùng có dịch hay có nguy cơ cao đều phải có sự cho phép của ban biên tập. Sau khi tác nghiệp tại các vùng này, phóng viên phải tự cách ly, thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nhiều cơ quan báo chí không tổ chức tiếp bạn đọc tại tòa soạn và yêu cầu phóng viên, biên tập viên phải làm việc tại nhà, chỉ vào cơ quan khi có việc cần. Để đảm bảo tin, bài trong bối cảnh này, các phóng viên phải thay đổi cách tác nghiệp.
|
Các phóng viên khi tham gia tác nghiệp ở những khu vực cách ly chống dịch COVID-19 phải mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn. (Trong ảnh: Các phóng viên đang ghi hình bác sĩ thăm khám một ca nghi nhiễm COVID-19 ở một khu cá ch ly) ẢNH: Đ.N.C |
Phóng viên Lê Phong (báo Người Lao Động) kể, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa bùng phát tại TPHCM, anh đến một chung cư ở Q.3 để phỏng vấn nhân vật, phục vụ cho bài viết. Chỉ một lát sau, hàng xóm của nhân vật đã báo cho lực lượng chức năng địa phương: “Khi cán bộ địa phương đến kiểm tra, họ nói rằng, hàng xóm của nhân vật sợ phóng viên đi nhiều, dễ lây lan dịch bệnh nên báo cơ quan chức năng kiểm tra cho an tâm. Chính vì điều này nên mình cần phải nêu cao ý thức phòng, chống dịch. Tôi đã thay đổi phương thức làm việc để thích ứng”.
Theo anh Lê Phong, trong những ngày TPHCM có dịch, ngoài dụng cụ tác nghiệp, trong ba-lô của phóng viên còn có dung dịch khử khuẩn và khẩu trang. Thay vì đến gặp trực tiếp, phóng viên thường phỏng vấn nhân vật qua ứng dụng cuộc gọi video.
Nhiều phóng viên cho biết, có những nhân vật mà phóng viên phải chờ đến tối để trao đổi do ban ngày, họ bận rộn hoặc làm việc ở môi trường đặc biệt, không cho phép sử dụng điện thoại thông minh. Trong khi đó, phóng viên phải đảm bảo thực hiện bài viết trong ngày để kịp xuất bản cho số báo hôm sau. Anh Lê Phong chia sẻ: “Có hôm, tôi gọi facetime để phỏng vấn nhưng nhân vật ở phòng trọ, sóng wifi không tốt nên cuộc gọi bị gián đoạn liên tục. Sau đó, nhân vật đề nghị chờ đến 23g, lúc sóng wifi mạnh (do ít người cùng dùng), để cuộc gọi diễn ra suôn sẻ hơn”.
Anh Chế Thân - phóng viên một cơ quan báo có trụ sở tại TPHCM - kể, khi dịch COVID-19 bùng phát, cách thực hiện các bản tin, phóng sự truyền hình cũng rất khác trước. Thay vì phỏng vấn trực tiếp hoặc mời khách đến trường quay, các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, qua Zalo, Skype xuất hiện nhiều hơn trong các bản tin. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho phóng viên mà không làm giảm tính chân thực, sống động của bản tin truyền hình.
“Cách đây vài ngày, tôi thực hiện bản tin truyền hình tại một khu chung cư bị phong tỏa ở Q.Bình Tân. Ở điểm phong tỏa, phóng viên chỉ được tác nghiệp phía ngoài hàng rào. Để có được hình ảnh về cuộc sống của người dân bên trong, tôi phải nhờ ban quản lý chung cư và một số người quen bên trong quay hình ảnh bằng điện thoại, gửi qua Zalo. Tôi thấy nhiều đồng nghiệp ở các đài truyền hình lớn cũng đang áp dụng cách này” - anh Chế Thân chia sẻ.
|
Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM tác nghiệp tại một khu vực cách ly chống dịch COVID-19 |
Ở Báo Phụ Nữ TPHCM, từ ngày 20/5 đến nay, tòa soạn báo đã giảm đến mức thấp nhất số lượng cán bộ, phóng viên, người lao động đến cơ quan làm việc trực tiếp. Để đảm bảo công tác xuất bản, tòa soạn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; việc báo cáo đề tài, gửi tin bài đều online. Nhờ vậy, những thông tin thời sự về tình hình dịch bệnh vẫn liên tục được cập nhật đến độc giả. Và cho đến thời điểm này, toàn bộ quy trình xuất bản báo từ viết báo, biên tập, trình bày, duyệt bài đều ứng dụng IT. Các bạn nói vui với nhau rằng tòa soạn dã chiến của chúng ta “đặt ở trên mây”.
Đảm bảo an toàn khi ở “điểm nóng”
Những ngày dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh những thông tin thời sự về tình hình dịch bệnh, những câu chuyện, hình ảnh xúc động về các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, về tình người trong đại dịch luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Anh Tứ Quý - phóng viên một tạp chí điện tử - chia sẻ: “Tôi nghĩ, làm lan tỏa những hình ảnh, lối sống đẹp là trách nhiệm của phóng viên trên mặt trận truyền thông phòng, chống dịch”. Phóng sự ảnh và clip ghi cảnh bếp ăn từ thiện phát cơm cho người nghèo trong những ngày giãn cách xã hội ở TP.HCM do anh Tứ Quý thực hiện đã gây xúc động mạnh cho nhiều người.
|
Trước khi vào tác nghiệp ở những khu vực cách ly chống dịch COVID-19, phóng viên phải mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn |
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TPHCM, cánh phóng viên phải liên tục có mặt ở các điểm phong tỏa để truyền tải thông tin về đời sống của người dân những nơi này. Khi tác nghiệp, ngoài việc thu thập thông tin, phóng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. “Rất may mắn là khi tác nghiệp, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn rất nhiệt tình của đại diện chính quyền địa phương, lực lượng chức năng ở các chốt phòng, chống dịch nên vẫn truyền tải kịp thời thông tin cho độc giả” - anh Tứ Quý tâm sự.
Mới đây, anh Đức Nam - phóng viên ấn phẩm chuyên đề Công an TPHCM thuộc báo Công An Nhân Dân (trước đây là báo Công An TPHCM) - được cử vào Bệnh viện Công an TPHCM để tác nghiệp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. “Tại bệnh viện, tôi được hướng dẫn rất kỹ về các biện pháp phòng, chống dịch. Khi mặc đồ bảo hộ, hơi nóng làm mờ mắt, không thể nào chụp ảnh tốt được. Và để có được những bức ảnh chân thật, sống động tôi phải cố gắng rất nhiều” - anh Đức Nam chia sẻ.
Sau khi tác nghiệp trong bệnh viện, các chốt phòng, chống dịch, các phóng viên phải về nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác. Các cuộc họp thảo luận về đề tài đều diễn ra trên các ứng dụng online. Anh Đức Nam cho biết, bản thân phải thay đổi một số thói quen lâu năm: “Trước đây, sau khi tác nghiệp, tôi thường chọn một quán cà phê yên tĩnh để ngồi viết bài. Trong dịch COVID-19, để hạn chế tiếp xúc, sau khi tác nghiệp, tôi thường về nhà viết bài và gửi qua email cho tòa soạn”.
Nhóm phóng viên
Zoom meeting thay cho các cuộc họp “truyền thống”
Anh Nguyễn Văn Vinh - công tác tại một công ty viễn thông chuyên cung cấp phần mềm họp trực tuyến ở Q.3, TP.HCM - cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, công ty anh đã cung cấp dịch vụ họp trực tuyến Zoom meeting cho nhiều cơ quan báo chí. Thay vì họp giao ban trực tiếp như thường lệ, các cơ quan báo chí sử dụng Zoom meeting để họp trực tuyến, mỗi lần có hàng chục người họp mà vẫn đảm bảo tính bảo mật. |
Đưa tin từ trong khu phong tỏa
Từ ngày 5/6, chung cư nơi tôi đang sinh sống đã bị phong tỏa do có một số cư dân ở đây dương tính với COVID-19. Là phóng viên, thường xuyên di chuyển, đi công tác xa, việc “ngồi một chỗ” với tôi là một thử thách rất lớn.
Những ngày ở trong khu phong tỏa, tôi đã có những trải nghiệm thật đặc biệt. Tôi đã chứng kiến những câu chuyện rất đẹp về tình người ở chung cư Ehome 3. Mọi người trong chung cư sẻ chia nhau từng gói mì tôm, quả trứng, miếng mít… Ở đó, có một phụ nữ lặng lẽ làm bánh tặng các cháu thiếu nhi nhân ngày 1/6; một nhóm thanh niên tình nguyện đi chợ giúp bà con đang cách ly tại nhà; những người đang ở trong khu phong tỏa góp tiền mua thực phẩm giúp các lầu bị cách ly… Những hình ảnh đẹp, đầy tình người trong khu phong tỏa đã được tôi chuyển tải thành các bài viết, nhận được sự đồng cảm, hưởng ứng nhiệt tình từ độc giả.
Đối với một số đề tài thời sự, tôi gửi phỏng vấn qua email, điện thoại… Dù điều kiện tác nghiệp không thuận lợi, nhưng tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nên ngay từ trong khu phong tỏa, tôi vẫn có bài viết đều đặn gửi tòa soạn.
|
Sơn Vinh