Nhà báo ơi, chầm chậm thôi!

16/06/2018 - 07:54

PNO - Với vai trò nhà báo, dù phải nhanh chóng chuyển tải thông tin đến cộng đồng thì tiêu chí quan trọng nhất vẫn là chính xác.

Thời hoàng kim của nghề báo, tức lúc internet chưa phổ biến, các trang mạng xã hội chưa cất tiếng chào đời, thiên hạ kháo nhau rằng, không ai có thể tưởng tượng sớm mai thức dậy, nhâm nhi ly cà phê, ăn sáng lại không dán mắt vào tờ báo.

Điều kỳ quặc này không thể xảy ra. Nó là không tưởng, cũng như một sáng thức dậy lại thấy ở Huế không còn dòng sông Hương, Hà Nội lại biến mất Hồ Gươm… Và những người làm báo an tâm ung dung đi trên lộ trình đã chọn. Nói cách khác, nghề báo luôn có “đất sống”.

Nha bao oi, cham cham thoi!
Ảnh: Phùng Huy

Nhưng rồi, tình thế đã khác. Nhà báo không còn là người độc quyền công bố thông tin. Vai trò đã thuộc về những cá nhân, khi họ tham gia các trang mạng xã hội. Tiện ích công nghệ đã cho phép “người người làm báo”, “nhà nhà làm báo” - thậm chí, trong chừng mực nào đó, họ còn có thể đưa tin nhanh hơn cách làm báo thời ông trùm báo chí Mỹ Pulitzer đang “cực đỉnh”. 

Tín hiệu này có đáng mừng? 

Với những gì đã diễn ra trên các trang mạng xã hội, ta thấy rằng cách đưa tin nhanh như điện ấy, trong chừng mực nào đó đã thể hiện sự bất cập. Bởi vì có những thông tin được post lên nhằm chủ đích riêng, hơn là phản ánh khách quan. Thậm chí để tăng thêm sự tin cậy thì từ tiếng động đến hình ảnh cũng có thể “mông má”, khác hẳn sự thật.

Điều nguy hiểm nhất là một khi loại thông tin này được tung lên mạng, nhiều người không có thời gian, điều kiện kiểm chứng lại tin theo bằng cách like hoặc comment tán đồng/ phản bác. Thông tin không thật hoặc chỉ một nửa sự thật ấy lại tạo ra hiệu ứng tích cực/tiêu cực trong dư luận xã hội. Chẳng khác gì “tung hỏa mù” một cách vô trách nhiệm.

Đành rằng, thông tin thì phải nhanh, phải chính xác nhưng vẫn chưa đủ. Có đứa trẻ bị bắt cóc, lập tức thông tin được đưa lên mạng nhằm kêu gọi cộng đồng truy tìm kẻ xấu. Một người viết, hàng ngàn lượt chia sẻ, ban đầu ai ai cũng nghĩ rằng thế là tốt. Nhưng hại thay, đó chính là áp lực kinh hoàng khiến kẻ ác thủ tiêu luôn đứa bé… 

Hiện nay, trong tiếng Việt đã xuất hiện cụm từ “nuôi Phây”, tức hằng ngày, hằng giờ phải đăng “cái gì đó” trên trang cá nhân của mình. Có như thế mới mong nhận lại sự phản hồi của người theo dõi. Mà đã “nuôi” thì đôi khi người ta cũng sử dụng lắm trò “bá đạo” gây sốc vượt ngưỡng đạo đức cho phép.

Tôi vẫn tin rằng, bất kỳ ai đã “chơi” mạng xã hội đều có lúc nhận ra điều này. Họ tức giận “ném đá”, sỉ vả, mắng nhiếc tơi bời nhưng rồi có chấn chỉnh được đâu. Tại sao? Bởi có hạng người muốn thông qua đó đánh bóng tên tuổi, muốn nổi tiếng… nên họ cứ tiếp tục lao theo lối thông tin méo mó, bóp méo sự thật. 

Đã là báo chí thì nguồn tin ấy phải được sàng lọc và có kiểm chứng. Với vai trò nhà báo, dù phải nhanh chóng chuyển tải thông tin đến cộng đồng thì tiêu chí quan trọng nhất vẫn là chính xác. Nhà báo chân chính không che giấu đi sự thật dù chỉ một nửa, không tô hồng cũng không bôi nhọ nhằm “định hướng” dư luận theo chủ đích của mình.

Chính chúng ta, những người làm báo chuyên nghiệp trong thời buổi này đã nhìn thấy mặt tốt/xấu của mạng xã hội, thế thì đã “học hỏi” được gì để giành lại bạn đọc đang ngày đêm tập trung tìm hiểu, chia sẻ thông tin nơi ấy? Đã là lúc cạnh tranh quyết liệt đến mức “báo động đỏ”, phải không?

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI