Sáng nay, 20/6, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), gia đình và bạn bè của cố nhà báo (NB) Lý Tiến Dũng đã tổ chức sự kiện Nhớ Lý Tiến Dũng để tưởng nhớ anh và cũng là bước chuẩn bị cho sự ra mắt quyển sách Lý Tiến Dũng - hành trình một cuộc đời trong tháng 6 này.
Rất nhiều đồng nghiệp tại báo Phụ Nữ TP.HCM, báo Đại Đoàn Kết (nơi nhà báo Lý Tiến Dũng từng công tác) và đại diện nhiều đơn vị, bạn bè, người thân của NB Lý Tiến Dũng đã tới dự buổi giao lưu.
|
Nụ cười chính trực của NB Lý Tiến Dũng hiện hữu trong lòng người thân, bạn bè và độc giả |
Nhà báo Lê Thị Bạch Mai, đồng nghiệp của NB Lý Tiến Dũng tại báo Phụ Nữ TP.HCM, kể: Năm 1992, sinh nhật lần thứ 17 của báo, báo đã tổ chức một cuộc “trưng cầu” ý kiến bạn đọc trong suốt một năm và kết quả là trong ba cây bút của báo được bạn đọc yêu mến nhất có Lý Tiến Dũng, dù lúc đó anh mới vào nghề được đúng một năm.
Với các bút danh Lý Tiến Dũng, Huyền Trang, Thanh Lan, Thanh Vân… và bút pháp châm biếm sâu cay kiểu Ốc bưu vàng xào chuối Panviet, Dải yếm đào quấn chân quan chức, Sự tích trầu cau, Bóng tối trên biển sáng, Licksin- những lâu đài trên cát (tựa các bài báo), những bài điều tra của anh như “đóng đinh” trong lòng bạn đọc.
Cùng với hai cây bút khác là Mai Bá Kiếm và Trường Kiên, NB Lý Tiến Dũng đã góp phần giúp báo Phụ Nữ TP.HCM khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường ra cả nước và nước ngoài với những phóng sự điều tra nhiều kỳ.
|
Bà Lý Chánh Trung, mẹ của NB Lý Tiến Dũng ngậm ngùi trong những câu chuyện sẻ chia về con trai |
Năm 1996, sau 5 năm làm việc tại báo Phụ Nữ, NB Lý Tiến Dũng chuyển sang làm việc tại báo Đại Đoàn Kết, sau đó là Tổng biên tập của tờ báo này. Nhưng dù ở cương vị nào, anh cũng viết không ngừng nghỉ và không cho phép mình khoanh vùng tính chiến đấu của ngòi bút. Anh tiếp tục gióng những hồi chuông cảnh báo khẩn thiết với các bài Monsanto và Dow Chemical: nỗi ám ảnh trên đồng ruộng; Người nghèo trước sự tăng trưởng kinh tế; Giáo dục đào tạo- cơ may nào cho con nhà nghèo; Tư duy lại tương lai; Một cuộc hành hươngg về nguồn cội.
Cũng trong thời gian làm Tổng biên tập, anh còn viết kịch bản và lời bình cho ba bộ phim tài liệu đã phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia: Nơi huyền thoại bắt đắt đầu (nói về con đường Trường Sơn huyền thoại), Khát vọng bất diệt (về những trang sử thi Côn Đảo), Bọt biển và sóng ngầm (về lịch sử văn hóa và chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa).
NB Kim Hạnh - nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết, bà từng đọc cả ngàn trang của NB Lý Tiến Dũng và cảm nhận rằng bao chuyện anh chỉ ra từ 10 - 15 năm trước đến giờ vẫn còn nóng hổi các giá trị.
|
Nhà báo Nông Thanh Vân - vợ nhà báo Lý Tiến Dũng |
Nhà văn - NB Nguyễn Hồ khen ngợi: “Nói đến Lý Tiến Dũng là nói đến một ngòi bút chính luận hết sức sắc nét nhưng cũng tài hoa, mượt mà và nhân văn. Dũng chỉ một đường thẳng, cương trực chứ không đi cong, uốn éo”. Nhưng “thái độ cương trực đó cũng từng mang lại nhiều phiền phức cho anh nhưng anh không vì thế mà nhượng bộ”. NB Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM - cho rằng: “Cuộc đời đẹp trong sự gập ghềnh ấy của Lý Tiến Dũng được sinh thành từ mẹ cha và được hun đúc từ tuổi ấu niên bằng truyền thống của gia đình. Không thể nói khác khi cho rằng tinh thần độc lập trí thức mạnh mẽ của Lý Tiến Dũng có ảnh hưởng rất lớn từ cha mình, giáo sư Lý Chánh Trung, một trí thức, nhà giáo cả cuộc đời chỉ tin rằng sự tử tế và sự hiểu biết sẽ cứu rỗi con người”.
Và, chẳng cứ gì những người làm báo, bà Lê Thị Thu - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm UB Dân số gia đình và trẻ em, nhớ lại thời bà còn là lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM (cơ quan chủ quản của báo Phụ Nữ) với hàng loạt bài báo chống tiêu cực của NB Lý Tiến Dũng, bà phải chịu nhiều áp lực, thậm chí cam go, nhưng sau đó thì lại vui vì thấy Lý Tiến Dũng viết đúng.
“Dù đã ra đi nhưng trong tình cảm của tôi, NB Lý Tiến Dũng vẫn không mất. Để có được một con người như thế là nhờ vào nền tảng và cốt cách của gia đình”, bà Thu cho biết.
Cũng như cuộc đời anh, quyển sách Lý Tiến Dũng - hành trình một cuộc đời sẽ được phát hành trong tháng 6/2017 này là quyển sách chứa đựng nhiều năng lượng. Gia đình NB Lý Tiến Dũng đã dành riêng 500 quyển để đóng góp cho quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa và một mạnh thường quân đã mua 300 quyển để trao tặng cho sinh viên đang theo học ngành báo chí với niềm tin: dù thời thế có thế nào thì cũng vẫn sẽ có những nhà báo dũng cảm, chính trực như NB Lý Tiến Dũng.
Minh Nhật