Tọa đàm “Báo chí xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước” trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và truyền thông TP HCM, Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 19/6.
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu |
Tại toạ đàm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, lãnh đạo thành phố trân trọng ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí - xuất bản.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, báo chí là lực lượng quan trọng phản ánh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các bộ ngành, các địa phương. Nêu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước; làm rõ được sáng kiến mô hình của nhân dân đối với sự phát triển của đất nước.
"Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin gửi tới những người làm báo những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các nhà báo của chúng ta luôn giữ vững và tiếp tục phát huy lòng yêu nghề, bút sắc, tâm sáng, say mê nghề nghiệp, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng - văn hóa”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bí thư Thành uỷ chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước, của thành phố.
Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Mỗi nhà báo phải thể hiện được lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh của mình, phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống.
|
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi tại toạ đàm |
Mặt khác, không được có sự dễ dãi, tùy tiện khi viết. Kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù lớn đến đâu cũng không được làm cho người đọc mất lòng tin, ngược lại phải tiếp thêm sức mạnh cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào cuộc đấu tranh đến cùng với tiêu cực.
Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ cùng với các ngành, các cấp tạo mọi điều kiện để báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thuận lợi và an toàn nhất.
Đề nghị các sở, ngành cần xem báo chí, xuất bản là người bạn đồng hành, phối hợp, chủ động trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là những vấn đề nóng, thời sự cùng với các kiến nghị chính đáng của người dân.
Tại buổi tọa đàm, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP cho rằng, việc tuyên truyền một cách rộng rãi, toàn diện những nội dung và các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 54 là một việc quan trọng. Cùng với đó, việc phát hiện, khơi gợi và phát huy sức sáng tạo của mỗi người dân TP chính là vấn đề mấu chốt thực hiện Nghị quyết 54 được thành công.
Do đó, sự góp sức của các cơ quan báo chí - xuất bản phải được tính đến bởi đây là cầu nối giữa lãnh đạo với nhân dân, với chính sách với thực tiễn và cũng là phương tiện để nhân dân phản ánh đời sống, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Bà Thân Thị Thư đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội của TP cần thay đổi nhận thức nhìn nhận về vai trò của báo chí, không né tránh báo chí, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Đồng thời cần hợp tác tốt với báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền các cơ chế, chính sách; các nội dung triển khai của ngành, địa phương nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân.
Chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho biết, TP đang đứng trước các thách thức như: kẹt xe, ngập nước… những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến Khu đô thị Thủ Thiêm, phòng chống tiêu cực tham nhũng, đất đai, quản lý quy hoạch…
Báo chí có vai trò bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy. “Báo chí phải làm sao đưa Nghị quyết 54 của Quốc hội vào cuộc sống, tập trung đưa những mô hình điển hình làm tốt…
Tập trung để giải quyết kẹt xe, tập trung chương trình cải cách hành chính như thế nào để giảm hội họp, làm sao giảm đưa những tiêu cực. Báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp"- bà Phạm Phương Thảo bày tỏ.
Trước ý kiến của bà Phạm Phương Thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói: "Lâu nay báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều, nay cần phát huy nhiều hơn nữa. Để đi đến báo chí giải pháp, phóng viên phải tìm được các nhà khoa học, người dân để trao đổi. Như vậy phóng viên từ quan sát, phân tích đến khuyến khích thực hiện giải pháp.
PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy TP) nhận định, báo chí phải là "bà đỡ" cho sự sáng tạo của người dân TP.
Để báo chí cùng đồng hành và kịp thời thông tin, tuyên truyền quá trình thực hiện các cơ chế chính, chính sách đặc thù thì báo chí phải được tham gia vào tất cả các công việc, được cung cấp đầy đủ thông tin. Có như thế mới đảm bảo tốt nhiệm vụ vừa định hướng, vừa phản biện.
Quỳnh Mai