Nhà báo điều tra

13/06/2015 - 16:23

PNO - PN - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam, NXB Trẻ và Công ty sách Huy Hoàng đã ấn hành tập sách Nhà báo điều tra của nhà báo Đức Hiển.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nha bao dieu tra

Nhà báo Đức Hiển là phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM, từ năm 1997; tham gia giảng dạy báo chí, từ năm 2004 và hiện là Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM. Anh từng nổi danh với hàng loạt điều tra gây rúng động xã hội như Tôi đi tìm Bao Công, Tôi thử làm Bao Công, Tận đáy xã hội, Dọc đường mãi lộ, Hai Lúa đi tìm Công lý, Hành trình ngược từ những lời tuyên án vô tội, Khi tôi tuyên án tử hình…

Hầu hết, các bài viết trong Nhà báo điều tra đều tập trung khai thác nghiệp vụ, kinh nghiệm của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Những vấn đề nhà báo Đức Hiển đưa ra rất thiết thực với bạn đọc, nhất là những ai muốn “sống chết” theo nghề.

Tác giả cho biết: “Tôi viết về Nhà báo điều tra, từ những kỷ niệm, những bài học của mình và đồng nghiệp xung quanh, những khó khăn, chút ít thành công, và cả những thất bại mình đã từng trải qua hoặc chứng kiến. Vì thế, bạn sẽ không tìm thấy trong cuốn sách này những trào lưu báo chí, những quan điểm to tát. Chỉ là những câu chuyện nghề của một nhà báo khi thực hiện các bài điều tra.

Tôi không có tham vọng đưa ra những nhận định về báo chí điều tra của cả làng báo. Hơn nữa, tôi không đủ thông tin về công tác tòa soạn, công tác phóng viên của các đồng nghiệp ở các tờ báo khác phía sau các bài điều tra của họ. Tôi viết về những điều mình biết, lần giở ký ức của mình, những ghi chép, tư liệu, những biên bản các cuộc họp trong gần hai thập niên lại đây mà tôi còn lưu giữ được và kể cho các bạn nghe những câu chuyện.

Tôi cố gắng để mỗi bài viết đều có thể trở thành một kinh nghiệm, một gợi ý cho các đồng nghiệp trẻ và các em sinh viên chập chững bước vào nghề báo”.

Qua kinh nghiệm cụ thể của một nhà báo xông xáo, nhiều kinh nghiệm, bạn đọc thích thú, thậm chí có lúc “nín thở” bởi những chi tiết, sự việc cụ thể mà chỉ người trong cuộc mới nắm rõ. Loạt bài Lên kế hoạch điều tra nhập vai là một thí dụ sinh động. Cùng với đồng nghiệp của Báo Pháp Luật TP.HCM, anh nhập vai, cải trang thành những người lang thang cơ nhở để được "thu gom" vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM. Ở đó, với tư cách “người trong cuộc”, các anh đã phát hiện, đưa ra ánh sáng những góc khuất mà lâu này chưa ai nhìn ra, kể cả các cơ quan chức năng. Lại có lúc anh lang thang  “tận đáy xã hội” tìm hiểu những số phận, những mảnh đời nghiệt ngã với khát vọng đem lại sự công bằng trong cộng đồng…

Từ những chuyến đi thực tế, thao tác nghiệp vụ, anh đã rút ra nhiều bài học thiết thực, chỉ có thể do “nghề dạy nghề” - giáo trình giảng dạy ở các trường đào tạo báo chí chưa chắc có đề cập đến. Chẳng hạn, bằng kinh nghiệm anh đề ra 10 nguyên tắc khi nhập vai điều tra, tôi thích thú, tâm đắc với nguyên tác 4: “Không gài bẫy, gợi ý hối lộ. Bạn có thể đặt mình vào một guồng quay sẵn có và mô tả nó, nhưng không gợi ý và thúc đẩy hoạt động phạm tội của người khác”. Đành rằng, đạo đức của nhà báo là vậy, nhưng nghĩ cho cùng đây còn là tư cách công dân. Hoặc bài học tự răn của nhà báo - tôi nghĩ thời nào cũng đúng: “Khi đặt bút phê phán ai, hãy nghĩ đến những tồn tại họ phải gánh chịu do từng con chữ mình gây ra”.

Những tâm tình, chia sẻ hữu ích này, có thể tìm thấy khá nhiều trong Nhà báo điều tra.

Đọc tập sách này, tôi tin nhiều người sẽ tìm được sự đồng cảm và qua đó, có thể ít nhiều hình dung ra những khó khăn, sự trả giá khốc liệt của nghề báo. Để làm được vai trò cả xã hội tin cậy và yêu mến, thật không dễ dàng, ngoài vai trò của chính nhà báo, Đức Hiển còn nhấn mạnh đến vai trò của ban biên tập tờ báo đó nữa. Theo anh, đó là những người “âm thầm làm cái giá nến, cái chân đèn vững chãi. Họ không lấp lánh trên mặt báo nhưng luôn là điểm tựa cho ngọn lửa nghề”.

Viết tựa cho Nhà báo điều tra, nhà báo Nam Đồng (Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM từ năm 1996 đến năm 2008) ghi nhận: “Với tôi, các loạt bài điều tra của Đức Hiển như mũi nhọn xung kích góp phần cùng đồng đội tạo ra điều mà nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định: “Hiện tượng trong làng báo!”.

Nay, kinh nghiệm đó, bài học đó, chặng đường dấn thân đó, nhà báo Đức Hiển đã chia sẻ chân tình trong tập sách Nhà báo điều tra.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu hơn nữa của bạn đọc, sáng ngày Chủ nhật 14.6.2015, nhà báo Đức Hiển có buổi giao lưu cùng bạn đọc tại Nhà sách Huy Hoàng 357A Lê Văn Sỹ, P.1, Q. Tân Bình (TP.HCM). Đặc biệt, người dẫn dắt chương trình này là nhà báo kỳ cựu Lưu Đình Triều, ngoài ra còn là sự có mặt của nhiều nhà báo nổi tiếng khác - sẽ cùng trả lời bạn đọc về vấn đề liên quan đến nghiệp vụ báo chí từ tập sách Nhà báo điều tra của nhà báo Đức Hiển.
 

N.L

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI