Ánh nắng cuối ngày vẫn còn thoi thóp trên những vòm cây. Trời ngã về chiều. Từ Hãng Bông gòn Bạch Tuyết, các công nhân lần lượt ra cổng. Tiếng cười nói huyên náo. Có đôi bạn gái đi song đôi với nhau. Cô lớn thì thầm:
- Sao? Em có chịu em trai của chị không? Nói thật với em chứ cậu em mình tính nết dễ thương lại siêng năng lắm.
Cô nhỏ hồn nhiên bật ra tiếng cười:
- Mà nè! Em trai chị có giống chị không? Chị lùn tịt thì cậu em của chị chắc đứng… ngang vai em, đúng không?
Nghe câu hỏi hồn nhiên, cô lớn cũng phì cười:
- Đồ quỷ! Em chị cao ráo, đẹp trai lắm. Tới chừng gặp cậu ta thì em mê tít thò lò cũng nên!
Câu chuyện thân tình râm ran mãi cho đến lúc họ chia tay về nhà. Ít lâu sau, trong khi làm việc chung trong tổ, họ lại thì thầm với nhau. Có lần, cô nhỏ hỏi:
- Chị giới thiệu em trai chị, sao lại không cho em biết tên anh ấy?
Bấy giờ cô lớn mới giả bộ như sắp nói một chuyện bí mật:
- Nè ! Nghe nè! “Chim quyên trỗi giọng oanh vàng”. Trong câu thơ này có tên của em trai chị. Thử đoán xem!
Cô nhỏ suy nghĩ một lát rồi lắc đầu:
- Chịu!
|
Chân dung anh hùng Nguyễn Văn Trỗi |
Trong lúc bà chị họ Kim Anh “mai mối” mình với Quyên - cô bạn nhỏ làm chung tổ, người làng Văn Giáp, huyện Thường Tín - Hà Đông (Hà Nội), gia đình vào Nam đã lâu, thì cậu em chẳng hay biết gì cả. Ngày nọ, sau dịp ết năm 1963, tình cờ trước cổng của Hãng, cả hai chị em thấy chàng thanh niên ngoài 20, mặc quần kaki, áo sơ mi trắng đang đi chiếc xe Mobilette. Họ gọi chàng đứng lại. Chị Kim Anh thân tình giới thiệu:
- Đây là Trỗi, em trai của chị. Còn đây là Quyên, làm chung tổ với chị. Hai người làm quen với nhau đi!
Nói xong, chị tế nhị lánh chỗ khác. Chàng thoáng một chút ngượng ngập rồi lấy lại sự tự tin:
- Tôi thứ tư trong gia đình, Quyên cứ gọi tôi là Tư cho thân mật.
Quyên cảm thấy đột ngột nên im lặng, thầm nghĩ:
- Cái tên dễ nhớ như thế mà trước đây mình đoán không ra!
Đến lúc Quyên về nhà, chàng tà tà chạy xe Mobilett “hộ tống” Quyên về nhà ở bên quận tư. Từ đó, họ làm quen với nhau. Chưa biết nhiều về anh: một người con của đất Quảng Nam, sinh năm 1940, sau Hiệp định Genève, anh theo gia đình vào Sài Gòn, làm nghề thợ điện ở Nhà máy đèn Chợ Quán và được giác ngộ Cách mạng. Từ đây, anh tham gia vào tổ chức hoạt động vũ trang thuộc đại đội Quyết tử 65, cánh tây nam Sài Gòn. Có một lần về thăm quê nhà ở Thanh Quýt, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), trở vào lại Sài Gòn, anh Trỗi có mua tặng chị em Quyên hai chiếc nón lá. Đây là loại nón làm ở Huế với sự khéo léo của nghệ nhân, khi đưa nón lên ánh sáng, ta sẽ đọc được những câu thơ mượt mà đằm thắm trong vành nón. Trong lúc Quyên đang vô tư, cô em gái đã “phát hiện” ra hai câu thơ mà anh Trỗi muốn gửi gắm cho Quyên:
Bước chân ra đất Thần Kinh
Mua về chiếc nón tâm tình tặng em
A! Chàng trai thợ điện này tâm hồn cũng lãng mạng đấy chứ! Năm tháng trôi qua. Tết năm 1964, hai tâm hồn đồng điệu đã tìm đến nhau bằng tình yêu tự nguyện. Cho đến lúc này, chị Quyên vẫn chưa biết anh Trỗi, người chồng của mình là chiến sĩ của đội biệt động vũ trang. Chị chỉ cảm nhận một điều sâu sắc, anh Trỗi là người rất yêu thương mình, lo cho mình từng ly từng chút. Hôm đám cưới, chị đã trao anh chiếc nhẫn có khắc chữ “Q” mà anh quý hơn bất cứ báu vật gì trên đời.
Thế nhưng, qua giữa năm 1964 thì không thấy trên tay anh đeo chiếc nhẫn đó nữa. Chị không biết anh đã bán đi để lấy tiền mua vật dụng phục vụ cho công tác cách mạng. Thời gian này, chị kể: “Bây giờ anh trở nên khó hiểu, hết sức khó hiểu. Đi về anh lầm lì ít nói. Tôi vẫn cố kiên nhẫn, lặng lẽ theo dõi xem vì sao anh thay đổi tính tình đột ngột như vậy. Chỉ riêng trong sinh hoạt hằng ngày tôi vẫn thấy anh săn sóc, chìu chuộng tôi còn hơn cả mọi lúc trước. Tôi mệt và phải nghỉ một buổi, anh lo cuống quýt, chạy thuốc thang làm như tôi bị đau nặng. Anh đánh đờn cho tôi nghe, dỗ tôi ăn cháo, trái cây, cưng tôi như một đứa trẻ nhỏ”.
|
Nguyễn Văn Trỗi và vợ ngày mới cưới |
Chiều ngày chủ nhật 10.5.1964, anh lặng lẽ xách nước để cho vợ tắm rồi lấy xe đi khỏi nhà. Trước khi đi, anh còn hẹn sẽ quay về để chở vợ đi chơi. Nhưng đêm ấy, anh không về. Qua sáng hôm sau, chị nhận được tin là anh đã bị bắt. Bấy giờ chị mới biết, Robert Macnamara - Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ dẫn đầu phái đoàn quân sự cao cấp sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình nhằm chống lại cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân ta. Anh Trỗi cùng đồng đội với lòng căm thù giặc sâu sắc đã gài mìn tiêu diệt chúng tại cầu Công Lý (nay cầu Nguyễn Văn Trỗi). Để khai thác thông tin, chúng cũng bắt luôn cả chị Quyên, qua đó, chị đã được các chị trong tù giác ngộ cách mạng. Sau đó, chị được thả ra vì địch không moi được chứng cứ gì. Có lần đi thăm anh, chị đã chọn bài thơ mình yêu thích nhất, thêu trên khăn tay tặng anh:
Dù cho sóng gió bão bùng
Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn
Cầu mong anh được bình an
Nước nhà thống nhất vinh quang anh về
Chắc hẵn những câu thơ này cũng tiếp thêm lửa cho anh Trỗi trong những ngày tù ngục. Bốn ngày trước lúc bị địch đưa ra pháp trường, anh còn bảo chị mua cho anh lọ dầu khuynh diệp. Nhưng chưa kịp nhận món quà từ tay người vợ thương yêu thì anh đã bị địch đưa ra pháp trường. Anh bị xử bắn tại vườn rau Nhà lao Chí Hòa vào lúc 9g45 ngày 15.10.1964. Cái chết oanh liệt của anh Trỗi đã gây tiếng vang rất lớn trong phong trào đoàn kết đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. “Vì Tổ quốc vì nhân dân liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khi lẫm liệt của anh Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước nhất là cho các cháu thanh niên học tập”. Đó là những dòng chữ yêu thương mà Bác Hồ đã dành cho anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Anh được Đảng công nhận là đảng viên và truy tặng Huân chương Thành đồng hạng Nhất.
Cuối năm 1964, chị Quyên tham gia Hội Phụ nữ Giải phóng, rồi ra miền Bắc học Trường Đại học Bách khoa, sau chuyển sang Trường Đại học Kinh tế. Chín năm sau ngày anh Trỗi hy sinh, chị xây dựng gia đình với anh Lê Tâm Dũng. Dù vậy, chị Quyên vẫn là người con ruột thịt trong gia đình anh Trỗi. Chị cho biết: “Gia đình chúng tôi luôn thương kính anh Trỗi. Anh Dũng, chồng tôi hiện nay, là người chia sẻ và nâng đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống. Các con tôi đều gọi “ba Trỗi”. Chính vì thế tôi luôn phải cố gắng sống sao không sơ sót, không phụ lòng người thân, không tổn thương tên tuổi anh Trỗi và danh dự của gia đình”.
Hiện nay Liên hiệp công đoàn chọn ngày anh Trỗi hy sinh (15.10) làm Ngày Thanh niên Công nhân.
Lê Minh Quốc
*Tài liệu tham khảo: Sống như anh - NXB Thanh niên giải phóng tái bản 1975, báo Tuổi Trẻ số ra ngày 13.10.1998.