Nguyện ước bình yên trong cơn bất an giữa Sài Gòn bão

26/11/2018 - 06:39

PNO - Thành phố hệt bãi chiến trường. Và xin nguyện ước bình yên hơn lúc nào hết cho vùng tâm bão trong đêm nay và những ngày sắp tới.

Sáng 25/11, thành phố vẫn còn khá bình yên, chỉ mưa lác đác. Có lẽ các dự báo về Usagi (cơn bão số 9) cũng như các tin nhắn qua SMS của cơ quan chức năng vào chiều thứ Sáu sang đến thứ Bảy xem ra “cường điệu”, nhiều người trong chúng tôi nghĩ.

Nguyen uoc binh yen trong con bat an giua Sai Gon bao

Cảnh Sài Gòn trong đêm bão 25/11

Thế nhưng, lời cảnh báo người dân “không nên ra khỏi nhà nếu không có việc gì quan trọng” chỉ thật sự bắt đầu “thấy quan tài mới đổ lệ” cho đến trưa Chủ nhật, lúc bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy mạnh, cứ thế kéo dài đến tận khuya.

Tôi lao ra đường trong trời mù mưa bằng xe máy, đằng sau còn tiếng gọi vọng của anh bảo vệ cơ quan: “Sao đi lúc như thế này”. Chạy vài trăm mét, nửa thân dưới đã ướt sũng. Gió thổi bụi nước quất thẳng vào mặt rát buốt. Vừa qua bùng binh Ngã Sáu Dân Chủ, rẽ vào đường Ba Tháng Hai. Cảnh tượng phía trước tại ngã tư đường Cao Thắng cắt ngang, khiến tôi cầm chắc cảnh “đường về xa lắc”.

Nguyen uoc binh yen trong con bat an giua Sai Gon bao

Hầu hết xe hai bánh đều chết máy. Có đoạn nước ngập gần đến yên xe. Ô tô dừng ngổn ngang trên đường, không thể di chuyển. Tại giữa ngã tư, nhiều chiếc gần như nằm trong thế “đối đầu” nhau đang cố thoát ra. Tôi vặn ga, nhưng cũng chỉ lết đến gần giao lộ thì máy xe lập bập, rồi tắt ngúm trên “con sông Ba Tháng Hai” đang dâng cao.

Mưa tiếp tục như trút. Tôi quyết định dắt xe vào khúc Cao Thắng nối dài tránh nước, tìm chỗ khởi động lại máy. Gió thổi mạnh đến nỗi nhiều xe máy lảo đảo. Riêng tôi suýt chút nữa va vào xe hơi bên cạnh vì gió tốc áo mưa phủ qua mặt, cả người và xe ngả nghiêng. Cú bị bão quất thực thụ này khiến tôi nghĩ ngay: “Không ai nên ra đường lúc này”. Tấp vội vào lề, tôi gọi dặn người thân, đồng nghiệp ai ở đâu, ở yên đấy, tuyệt đối không ra đường.

Nguyen uoc binh yen trong con bat an giua Sai Gon bao

Ngoài gió thốc, người đi đường còn có thể bị quật ngã bởi những cơn sóng mạnh tạo ra từ những chiếc ô tô tăng tốc trong nước lũ.

Điện thoại của tôi chỉ 19g30 và đỏ lè tin nhắn Viber, Facebook Messenger, WhatsApp… chưa đọc. Hóa ra mọi người cũng nhắn cho nhau tin bão, tin tức cây đè chết người, ngập lụt và bảo nhau “đừng đi đâu”. Phụ huynh ở trường con trai tôi cũng í ới trong group lớp 2/4 về chuyện các cháu có được nghỉ học ngày mai. Cô chủ nhiệm cho biết đang chờ chỉ đạo. Trong đêm 25/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông báo khẩn số 4143/GDĐT-VP cho hay tất cả học sinh trên địa bàn thành phố sẽ nghỉ học ngày 26/11 để bảo đảm an toàn.

Máy xe nổ nhưng lẹp bẹp. Còi cứu thương xa - gần hụ liên tục. Đoạn đường đâm ra Việt Nam Quốc Tự kẹt cứng do nhân viên cây xanh đang barrier dọn dẹp hiện trường một thân cây đổ. Tôi lại rùng mình với thông tin “cây đè chết người” lúc nãy.

Nguyen uoc binh yen trong con bat an giua Sai Gon bao

Phía xa khúc đường Lê Hồng Phong cũng không khá hơn, nước ngập gần nửa thân xe. Tôi chạy thẳng vô con đường xuyên công viên Kỳ Hòa cũ, vốn thường ngày cấm xe, để thoát ra được Sư Vạn Hạnh rồi về nhà.

Thông tin từ người anh N.K.P. - một dịch giả - gọi điện cho biết anh đang trên taxi, kẹt cứng vì nước và cây đổ. Đặc biệt, nước dâng cao ở đường Lê Văn Sỹ khiến ô tô bị trôi ngang trên đường. Mọi phương tiện đều “thất thủ”. Từ Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) về đến Thành Thái (Q.10), anh P. chứng kiến đến 3 hiện trường cây ngã ra đường. Taxi của anh phải tìm các con hẻm để vượt thoát.

Tuy nhiên, anh vẫn còn may mắn hơn một số bạn tôi kẹt ở khu trung tâm thành phố. Cô P.B.A. (ngụ Q.7) cho biết, đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng. Cô phải đi bộ về hướng Lê Thánh Tôn. Tất cả các hãng taxi, kể cả dịch vụ đi nhờ xe trên mạng, đều không nhận khách. Cô đành thuê khách sạn ngủ lại Q.1.

Nguyen uoc binh yen trong con bat an giua Sai Gon bao

Tình trạng tương tự xảy ra với khách xuống sân bay Tân Sơn Nhất giữa cơn bão quét. Không phương tiện nào chịu chở họ về các khu vực như Q.7, Q.8 nên đành thuê phòng ngủ lại khu vực Q.Tân Bình, Q.3, Q.10. Trước đó, các máy bay về Sài Gòn trong chiều 25/11 đều rất khó hạ cánh. Có ít nhất 5-6 chuyến bay bay nhiều vòng trên bầu trời khu vực Đông Nam bộ mà không thể đáp xuống Tân Sơn Nhất, đó là quan sát từ ứng dụng Flight Radar.

Theo một số thông tin của facebooker quan sát biến đổi khí hậu, bão Usagi đã di chuyển chậm hơn vào đất liền trễ một ngày so với dự báo. Người này nhận định đây có lẽ sẽ là khuynh hướng chung của nhiều cơn bão trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu sắp tới. Chúng sẽ giảm tốc trước khi đổ bộ vào đất liền…

Sống ở Sài Gòn từ nhỏ, lạc giữa cơn bão đêm 25/11 là trải nghiệm mưa lũ hiếm hoi của các thị dân như tôi. Thành phố hệt bãi chiến trường. Và xin nguyện ước bình yên hơn lúc nào hết cho vùng tâm bão trong đêm nay và những ngày sắp tới. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI