Nguyễn Thụy Kha 'mài chữ' ra... 13 cuốn sách

15/06/2017 - 21:57

PNO - Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha cho biết, bộ sách của ông không phải kiểu trích ngang mà là những chân dung nghệ thuật của các nhạc sĩ tài danh được viết dưới hình thức khắc họa chân dung, phê bình tiểu luận.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha vừa có buổi ra mắt bộ sách 13 cuốn về văn nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Chương trình tên gọi đơn giản “13..." thể hiện cho 13 cuốn sách gồm chân dung, phê bình tiểu luận về nhiều nhạc sĩ và nghệ sĩ tài danh, được nhà thơ, nhà nghiên cứu - phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha viết trong vòng 27 năm qua.

Nguyen Thuy Kha 'mai chu' ra... 13 cuon sach
Nhạc sĩ Phạm Tuyên phát biểu trong chương trình - Ảnh: HBN

Tại buổi gặp gỡ, các sáng tác nổi tiếng của các tác giả mà Thụy Kha viết trong sách được các ca sĩ Đăng Dương, Quỳnh Hoa, Sao Mai, Lộc Vàng, Ngọc Châm, Minh Thu... thể hiện. Ca sĩ Ngọc Châm cùng chuỗi chương trình Vàng son một thuở đảm nhiệm phần tổ chức sản xuất cho chương trình.

Sân khấu buổi ra mắt được trang trí đơn giản với con số 13 nổi bật và 13 giá nhạc đặt trang trọng những cuốn sách là ý tưởng của họa sĩ Lê Thiết Cương - người giúp nhạc sĩ Thụy Kha toàn bộ phần thiết kế mỹ thuật cho sự kiện. 

Vì là buổi ra mắt sách khá đặc biệt nên các nhạc sĩ Văn Ký, Phạm Tuyên đều đã ở tuổi 89, 90 vẫn không quản ngại có mặt để chia vui với Nguyễn Thụy Kha. Tới dự còn có nhiều gương mặt quen thuộc như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà báo Hữu Ước, nhạc sĩ Hồng Đăng, đạo diễn Đặng Nhật Minh...

Nhạc sĩ Văn Ký hào hứng: "Anh Thuỵ Kha viết nhiều bài về tôi nhưng hôm nay tôi mới đọc, không ngờ anh viết về tôi rất sâu sắc, toàn diện. Nếu không có những người như Thụy Kha ít ai biết chúng tôi đã hoạt động như thế nào".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận xét: "Thụy Kha nghĩ khác với thế hệ của Thụy Kha, vượt qua mọi định kiến, suy nghĩ xơ cứng của lịch sử".

Nguyen Thuy Kha 'mai chu' ra... 13 cuon sach
Họa sĩ Lê Thiết Cương, ca sĩ Ngọc Châm, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha và MC Lê Anh trên sân khấu buổi ra mắt - Ảnh: HBN

Bộ 13 cuốn sách vừa được giới thiệu có 7 quyển thuộc loạt Những tài danh âm nhạc Việt Nam gồm chân dung các nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao.

Bên cạnh đó là các quyển Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: Một thời hòa bình; Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: Một thời đạn bom; Thuở bình minh tân nhạc.

Ngoài ra còn có 3 cuốn sách khác ngoài chủ đề âm nhạc là Nguyễn Văn Huyên - bản giao hưởng văn hóa, Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh, Lời quê góp nhặt.

Bộ sách 13 cuốn ra mắt lần này ngoài một số cuốn được tái bản, còn lại hầu hết được Nhà xuất bản Văn học và công ty Vinabook xuất bản mới.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha cho biết, bộ sách của ông không phải kiểu trích ngang mà là những chân dung nghệ thuật của các nhạc sĩ tài danh được viết dưới hình thức khắc họa chân dung, phê bình tiểu luận, vừa có tính chính xác về thông tin nhưng vẫn giữ được cảm xúc, tình cảm của người viết và chất văn chương.

Về cảm hứng cho bộ tác phẩm đồ sộ này, Nguyễn Thụy Kha kể: “Ngày 1-1-1990, tôi nhận quyết định phục viên với quân hàm thiếu tá. Ông bạn Thanh Thảo ở Quảng Ngãi thấy thế, rủ tôi cùng làm tạp chí Sông Trà – một tạp chí văn nghệ của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi nhận lời làm đại diện cho tạp chí ở Hà Nội.

Nguyen Thuy Kha 'mai chu' ra... 13 cuon sach
Trang bìa một số tác phẩm trong bộ sách - Ảnh: HBN

Để chuẩn bị ra mắt số đầu tiên vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, tôi được ủy nhiệm là đến gặp bác Phạm Văn Đồng – một người con của Quảng Ngãi, để xin lời chúc mừng sự ra mắt của tạp chí. Sau khi hỏi về công việc của tôi, bác có một lời khuyên mà tôi nhớ đời: “Cháu hãy tập trung sức lực và khả năng làm dân trí. Dân trí mà lên thì xã hội mới tiến bộ được”.

Cũng thời gian đó, tôi được đọc nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng do chị Hiền – con gái đầu của nhà văn cho mượn. Một câu tự nhủ mình của ông, trở thành kỷ luật lao động của tôi: “Mỗi ngày hãy viết hai trang. Ngày nào có chuyện không viết được, thì ngày sau phải viết bù”.

Lời khuyên của bác Phạm Văn Đồng hướng cho tôi mục tiêu viết. Còn lời trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì trở thành phương châm hành động của tôi. Và cứ vậy cho đến nay, đã 27 năm trôi qua, nếu nhân lên trang viết của mình theo thời gian, thì tôi đã viết được ít nhất là gần 2 vạn trang. Đúng là có công mài chữ… mỗi ngày 2 trang”.

Danh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI