edf40wrjww2tblPage:Content
Cuộc sống của chị là một chuỗi ngày tất bật, dịch chuyển không ngừng. Theo chồng sang Mỹ định cư từ hơn mười năm nay, tưởng như vậy là chị sẽ dành cho mình những ngày an nhàn ở tuổi… “xế trưa”, nhưng người ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy năm nào chị cũng về Việt nam đôi lần, không phải để nghỉ ngơi, vui chơi mà là để “vùi đầu vào công việc”, mặc dù thời gian còn lại ở xứ người, chị cũng thường ôm các dự án làm phim, làm kịch qua lại như con thoi giữa các địa điểm North Dakota, New York, California… Vào đầu tháng 11/2014 này, Nguyễn Thị Minh Ngọc lại trở về Việt Nam.
* Bộ phim Hương ga mà chị là tác giả kịch bản vừa ra mắt và rất “hot” ở các phòng vé, đó có phải là lý do để chị có mặt ở đây?
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: Chuyến về lần này là từ lời mời của Hội Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế mà tôi là đại sứ thiện chí. Số là lúc tham gia làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Đại dương, tôi tình cờ được tiếp xúc với nhóm bảo vệ tê giác của hội này đang có dự án ở VN. Họ đặt hàng tôi làm kịch đi diễn ở các trường trung học và đại học. Tôi hào hứng nhận lời vì đây là dịp được làm sân khấu diễn đàn, một phương tiện giáo dục hiệu quả. Cách làm là kịch đưa ra một đoạn kết xấu, kêu gọi khán giả lên sân khấu tìm biện pháp mới để thay đổi.
Điều ngạc nhiên là học sinh càng ở cấp thấp càng hăng hái tìm ra nhiều giải pháp tích cực để thay đổi đoạn kết tiêu cực vừa bày ra. Chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Hồng Ánh và các đội kịch sinh viên. Chúng tôi diễn 10 suất ở TP.HCM và 10 suất ở Hà Nội. Tìm hiểu, mới biết, nhờ bịa đặt tính “thần dược” nên lợi nhuận buôn sừng tê giác cao ngang với buôn vũ khí, và những kẻ có lòng tham này còn làm nhục đất nước vì mới đây, người ta thống kê rằng, VN đã “vươn lên” đứng nhất thế giới về việc buôn bán sừng tê giác. Tôi hy vọng chương trình kịch này sẽ gieo vào khán giả trẻ những nhận thức đó.
* Cơ duyên nào chị lại “gặp” Hương ga? Xem lại Hương ga trên màn ảnh, chị có nhận ra “đứa con” chuyển thể của mình?
- Bộ phim tôi và đạo diễn (ĐD) Cường Ngô hợp tác trước đây là Ngọc Viễn Đông tuy thắng lớn ở LHP quốc tế San Francisco (giải âm nhạc, giải quay phim), ở LHP Chicago (giải ĐD), song khi về chiếu ở VN lại thất bại về doanh thu, thế nên chúng tôi ngoéo tay quyết tâm làm bộ phim tới phải thắng ở phòng vé. Nhân khi về làm phim truyền hình Đò dọc, tôi nhận từ Cường Ngô cuốn tiểu thuyết Phiên bản (Nguyễn Đình Tú) cùng cái hạn phải chuyển trong vòng một tháng. Đây là một thách thức lớn, vì chuyển làm sao mà trong thời lượng của một bộ phim 90 phút phải giữ cho được ba lăng kính khác nhau của tác giả về nhân vật chính Hương ga. Đó là: Thị, Diệu và Em.
Một thách thức khác nữa, Hương ga ra đời trong hoàn cảnh bộ phim cùng thể loại hành động là Bụi đời Chợ Lớn bị cấm. Vậy nên, kịch bản của tôi phải gọt dũa 11 lần, dựng thành phim lại thêm 10 lần chỉnh sửa nữa mới hoàn thành. Có người nói đây là phim dựa theo nguyên mẫu Dung Hà nhưng đó chỉ là chiêu để PR, thật ra, Hương ga là nhân vật khác hẳn. Xem phim, đúng là thấy khác nhiều so với kịch bản ban đầu, nhưng tôi rất thích vì Hương ga góp phần tạo nên yếu tố thẩm mỹ, ít ra là về giới tính, nam ra nam, nữ ra nữ. Đó là sự xuất hiện của một mẫu người anh hùng trên màn ảnh như Tùng Hero.
Tôi nghĩ, Hương ga sẽ làm cho những người có tiền mạnh dạn đầu tư vào điện ảnh. Riêng tôi, cảm thấy ấm áp khi không ít người hỏi “Hương ga có tập hai không chị Ngọc?”.
* Thời gian ở Mỹ, chị làm gì?
- Lúc đầu mới qua, coi như thất nghiệp tại chỗ. Tôi dành thời giờ để đi học, học đủ thứ, học trên mạng… Không học là không làm nghề này được, phải nghiên cứu khán giả để biết họ muốn gì. Khi quen nước quen cái, tôi bắt đầu làm nghề. Tôi có hai lần đưa được kịch VN vào sân khấu Off-Off- Broadway (hình thức khán phòng nhỏ). Lần đầu, năm 2008 với vở Người đàn bà thất lạc và lần sau, năm 2011 với vở Chúng tôi là, mỗi vở diễn 12 suất, khán giả cả Mỹ lẫn Việt vì diễn viên nói cả hai thứ tiếng.
Tôi dựng một vở tại Bảo tàng Trẻ em (New York) cho trẻ em Mỹ coi có tên Con Rồng cháu Tiên với năm tích: Trăm trứng, Bánh dày bánh chưng, Sự tích dưa hấu, Trầu cau, Chú Cuội - Hằng Nga, nằm trong chương trình giới thiệu văn hóa nước ngoài cho trẻ em Mỹ, phục trang thuần Việt, dựa theo màu sắc và đường nét tranh làng Hồ. Ngoài ra, tôi còn kết hợp làm một phim truyện nhựa với ca sĩ Hà Phương (chưa phát hành), cùng tham gia viết kịch bản và cùng đóng với diễn viên Kiều Chinh.
Ở California, tôi làm việc với nhóm kịch Sống của Túy Hồng, nhóm Quang Minh - Hồng Đào, đặc biệt với Hội Ngọc trong tim. Hội này là cầu nối giữa cho và nhận, hội trưởng là một anh nhạc sĩ khiếm thị (Nguyễn Đức Đạt), nhằm hỗ trợ những nghệ sĩ khuyết tật có tài. Có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia với chúng tôi như Hoài Linh, Hương Lan, Khánh Ly, Lê Uyên, Phương Thảo, Ngọc Lễ… Hội đã đưa một số nghệ sĩ khuyết tật trong nước sang biểu diễn và thu DVD.
* Là phụ nữ nhưng hình như chị không mấy chú ý đến trang phục?
- Tôi không có thời gian và cũng không thích đi mua sắm nên ai cho gì mặc nấy. Trang điểm cũng vậy, mò trong túi phấn son người ta cho, có gì xài nấy. Chưa lúc nào tôi mất thì giờ về chuyện đó. Nhiều khi còn mặc đồ không ủi vì quá vội. Nhưng tôi có nhiều bạn tốt, hay nhắc nhở tôi về chuyện này. Tôi mua đồ gì cũng chỉ chọn đồ rẻ, tiền bạc để dành “lén lút” làm từ thiện.
* Có người cho rằng trong cuốn tiểu thuyết Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, chị có ý nói xấu vài người quen biết?
- Viết cuốn này, tôi muốn đề cập đến tấm lòng người làm nghệ thuật mà bị phụ bạc, bởi môi trường sống chung quanh, bởi sự không biết trân trọng. Mối tình lẽ ra nếu song phương, sẽ đóng góp cho đời nhiều cái đẹp nhưng tiếc là bị vùi dập. Nếu cho rằng tôi nói xấu thì kẻ bị sỉ nhục nhất chính là tôi, là tác giả. Dầu có nói xấu ai bao nhiêu thì cũng không xấu bằng mình. Nhưng đi nói xấu ai, để được cái gì? Cách hủy hoại sức sáng tạo nhiều nhất là sự đố kỵ.
* Bây giờ chị và một số người trong cuộc đã yên bề gia thất, nhắc đến những chuyện tình cảm xưa cũng chỉ để làm rõ một số dư luận đồn đại, hẳn chị không phiền lòng?
- Tôi là người viết kịch, từng thêm thắt nhiều tình huống xung đột, éo le rồi tìm cách cởi nó ra nhưng lại bất lực với chuyện tình cảm của riêng mình. Đời tôi từng gặp nhiều trường hợp lạ lùng.
Trường hợp thứ nhất: Một ngày kia, người đàn ông bên cạnh nói với tôi: “Em không có con, cứ coi anh như con em đi”. Vì câu nói đó mà tôi đã vướng vào anh 15 năm, đã mời bạn bè dự tiệc chia tay nhiều lần mà vẫn không xa nhau được. Vậy mà, đứa trẻ một tuổi đã cứu đời tôi. Số là, có một ngày, một phụ nữ bồng đứa con nít đến “mắng vốn” mẹ tôi rằng “chị Ngọc giựt chồng tôi”. Tôi nói anh đến xin lỗi mẹ tôi, cả tháng trời, ngày nào anh cũng hứa “để mai, hôm nay anh xỉn quá”. Tôi thương mẹ nên dứt khoát chia tay.
Trường hợp thứ hai: Khi Hoa Hạ dựng vở Người đàn bà bất hạnh của tôi, anh đóng vai người chồng. Tôi trở thành bạn anh, kiểu bạn để mỗi ngày ngồi nghe anh kể một người đàn bà đi qua đời anh. Kể riết, cuối cùng anh nói muốn tiến tới hôn nhân với tôi. Nhưng tử vi nói, nếu lấy nhau sẽ có đại tang. Tôi sống và làm việc theo… tử vi nên thôi.
Trường hợp khác: một bác sĩ Việt kiều nọ bị bệnh trầm cảm, nói yêu và muốn lấy tôi nhưng đã tự tử đúng vào ngày định làm đám cưới.
* Vậy cuộc sống hiện nay của chị có hạnh phúc?
- Thời gian đầu, thấy tôi đi đi về về VN hoài, anh không vui, nhưng sau tai nạn xe, anh nửa năm phải nằm nhà, tôi chăm sóc, “xuất sắc” trong vai trò làm vợ. Sau “biến cố” đó, thái độ anh thay đổi hẳn. Tôi đi đâu anh cũng vui vẻ. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc, nếu không có ông xã, tôi không làm được nhiều việc như vậy.
* Giờ đây, chị còn mong muốn điều gì?
- Sẽ cố gắng từ chối những chuyện “lu xu bu” khác để tập trung viết cuốn tiểu thuyết thứ hai có tên Hai ả tố nga, nói về chuyện hai chị em sinh đôi, một người qua Mỹ, một người ở lại.
* Được biết chị vừa chấp bút xong cuốn hồi ký của NSƯT Thành Lộc, nghe đâu làm việc với Thành Lộc cũng không dễ dàng gì?
- Tôi rất yêu mến Thành Lộc, từ lâu đã rất muốn chấp bút cuốn hồi ký cho anh, nhưng phải đến tháng 5/2014 anh mới đồng ý. Cuốn hồi ký kể chuyện từ lúc Thành Lộc mới được sinh ra, “suýt chết” cho đến nay. Qua cuộc đời của Thành Lộc, người đọc sẽ ít nhiều thấy được bối cảnh của sân khấu miền Nam trước và sau năm 1975 vì gia đình Thành Lộc là gia đình có truyền thống nghệ thuật.
Bản viết của tôi phải được Thành Lộc góp ý nhiều lần mới tìm ra được đúng “giọng” của anh. Chương khó viết nhất là chương nói về tình yêu, vì phải chờ ý của Lộc muốn công bố đến đâu. Cuốn sách dày độ 200 trang, có bộ hình chụp và CD hát tặng riêng cho cuốn sách này.
* Xin cảm ơn.
CÁT VŨ (thực hiện)
* Có người cho rằng chị nhiều tài, “phân bố” sức lực cho nhiều thứ nên khó có đỉnh cao, giá như chỉ tập trung cho thế mạnh nhất là viết văn, hẳn Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ có những thành công lớn? - Người ta nghĩ rất đúng, văn học là đứa con thực sự của mình, không bị bóp méo. Bản thân tôi cũng nhiều lần tự xỉ vả mình sao không can đảm từ chối những lời kỳ kèo để tập trung vào chuyện viết văn. Từ năm 2000, tôi đã thấy mình chưa làm được điều mình muốn, chỉ làm điều bạn bè muốn, học trò muốn. Nhưng nói những công việc khác của tôi không có đỉnh cao là chưa thấu đáo hết. Chẳng hạn như không dễ gì đưa kịch VN vào sân khấu Mỹ. Những kịch bản tôi viết cho phim như Hải Nguyệt, Sống trong sợ hãi (giải kịch bản xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh VN), cho sân khấu như Giữa hai bờ sương khói (giải kịch bản hay nhất trong 5 năm của Hội Sân khấu VN), Người đàn bà thất lạc (giải đặc biệt liên hoan Sân khấu châu Á - Thái Bình Dương 2003)… đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Tôi không dám dùng chữ đỉnh cao song ít nhất những điều tôi đề cập đến đều chạm đến trái tim người xem và được nhiều sự đồng tình. Tôi không muốn ôm đồm nhiều việc, song tính hay cả nể nên không thể từ chối. Người ta gọi tôi là người của giờ thứ 25 là vậy. Năm 2012, tôi lái xe chở chồng và bị tai nạn giao thông, cảnh sát Mỹ nói chúng tôi còn sống được là phép lạ. Chồng tôi trách do tôi làm việc quá sức nên đầu óc không còn tỉnh táo. Tôi cũng ý thức như vậy là tự sát, song đến nay, sau hai năm, nhịp độ làm việc cũng không giảm. Tôi vừa viết xong 32 tập phim (tháng 12/2014 bấm máy) Đoạn trường Nam ai, đưa đậm hình ảnh văn hóa Nam bộ như Đồng Nữ ban, lòng yêu nước, góp xương góp máu của người Nam bộ thời chống Pháp… |