Năm 1993, cô gái nhỏ quê Nghệ An tốt nghiệp đại học tại Hà Nội. Bỏ qua mọi sự giúp đỡ của bạn bè, người thân về một chỗ làm êm ái ở một cơ quan nhà nước, cô thẳng tiến vào Sài Gòn với “mưu đồ” lập nghiệp. Ở Sài Gòn, được một người thân hứa hẹn giúp đỡ, nhưng cô từ chối, tự mình đạp xe, lang thang kiếm việc. Sự mạnh mẽ, gan lì , bướng bỉnh và cả chút háo thắng khiến cô có cảm giác rằng cô phù hợp với nơi này.
Sau một tuần rong ruổi, cô xin vào làm ở một phòng bán tranh sơn mài trên đường Mạc Thị Bưởi. Phòng tranh nhỏ, nhân viên ít, cô phải làm đủ việc, từ bán hàng đến tạp vụ. Một tháng sau, cô nghỉ việc. Nhưng không phải do chính cô xin nghỉ mà là do người chủ phòng tranh nói với cô: “Em hãy nhớ lời anh nói. Việc này không hợp với em. Em là cô gái có cá tính, em sẽ thành công”. Cô gái nhỏ Nguyễn Thị Lệ Thu ngày ấy hiện giờ là Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh của Bệnh viện Pháp Việt (FV).
* 23 năm sau một thông báo “đuổi việc” khá lạ lùng như thế của người sếp đầu tiên, giờ đây nhìn lại mình, chị cảm thấy rằng tiên đoán của ông chủ phòng tranh có chính xác?
- Nguyễn Thị Lệ Thu: Tôi chưa nghĩ tới chuyện tổng kết những thành công hay thất bại theo một tiêu chuẩn nào, bằng con số hay bằng nhà cửa, địa vị. Sau phòng tranh và từ đó đến nay, tôi đã làm việc ở khá nhiều nơi, đã ở khá nhiều vị trí trong công việc, thử sức ở nhiều lĩnh vực mới mẻ. Đúng như lời tiên đoán của anh chủ phòng tranh, với cá tính mạnh mẽ, dám làm, dám bứt phá, nhất là tiếp cận nhanh mọi điều, tôi được tin tưởng nhiều, đạt được khá nhiều thành công không mấy khó khăn.
Thế nhưng ở đời, hình như chuyện gì cũng có hai mặt, tốt và xấu. Tất cả những lợi thế đó lại làm tôi hư. Tôi từng làm việc cho một tờ báo, được giao quyền điều hành rất nhiều việc, kể cả những việc hoàn toàn không thuộc chuyên môn của mình như lên ý tưởng, đặt bài cộng tác viên. Tôi trở nên quá tự tin và rồi bệnh ngôi sao đã khiến tôi đánh mất cơ hội làm việc ở nơi đó.
Chuyển sang một công ty xuất nhập khẩu của Nhật, cái tính gan, liều cộng với sự may mắn khiến tôi lại một lần nữa thành công dễ dàng. Sau một thương vụ làm ăn, người ta mang đến cho tôi một đống tiền, toàn đô la. Những đồng tiền đó cũng làm hư tôi, bởi tôi thấy nó đến dễ dàng quá và tôi không biết dùng nó vào việc gì …
Cho đến bây giờ, sau 23 năm làm việc, trải qua rất nhiều vị trí quan trọng và cuối cùng là 11 năm làm giám đốc marketing của một bệnh viện, điều mà tôi nghĩ rằng mình có được nhiều nhất, tốt nhất lại không phải là tiền bạc, nhà cửa hay vị trí mà chính là niềm hạnh phúc được cảm thấy mình ở đúng chỗ của mình.
Ở đó, tôi được tin tưởng và được đánh giá cao, và chính nhờ thế mà công việc của tôi thăng hoa. Tôi cảm thấy không cần gì hơn là làm tốt việc của mình, không có sự cạnh tranh nào khiến tôi phải xao lãng và đó là cảm giác tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của một con người.
* Có một câu chuyện rất hấp dẫn về chị mà tôi được nghe từ một người bạn. Khi chị đi nghỉ ở vùng biển Ibiza của Tây Ban Nha, đang dạo chơi trên biển, chị nhìn thấy một hòn đảo xinh đẹp, nhưng lúc đó lại không có phương tiện nào để đến hòn đảo đó. Chị đã chọn một cách ít người dám chọn: bơi thẳng ra đảo. Vừa bơi vừa ngắm cá, ngắm san hô, chị đã tới được nơi mà mình muốn tới. Hình như đó chính là phong cách sống và làm việc của chị?
- Từ khi còn trẻ, tôi đã là người luôn muốn vượt lên, không phải vượt lên người khác mà là vượt lên chính mình. Đó là sự vượt lên khó khăn nhất, bởi tôi sẽ phải chấp nhận những thách thức từ sự yếu đuối, rụt rè hay sợ hãi thường có trong mỗi con người. Cô gái quê vào Sài Gòn ngày ấy phải đương đầu với thử thách: làm sao để người ta chấp nhận mình.
Và cách làm của tôi là tiến thẳng tới những điều làm tôi e sợ hay mong muốn chinh phục. Khi cần đàm phán công việc trong những dự án hay hợp đồng lớn, tôi tìm gặp cho được người có khả năng quyết định mọi việc. Khi gặp họ, tôi phải làm sao cho họ nhớ được mình. Khi thấy những người nổi tiếng, những ca sĩ, nhạc công mà tôi hâm mộ, tôi cũ ng tìm mọi cách để đến gần, trò chuyện, hỏi han họ.
Có một lần, khi đi trên máy bay, ở khoang hạng nhất, tôi nhìn thấy một người đàn ông rất đẹp trai. Tôi bất ngờ khi nhận ra đó chính là Brad Pitt. Suốt mấy tiếng sau đó, tôi loay hoay trong ý nghĩ, giằng xé bởi sự rụt rè và mong muốn làm quen, trò chuyện với người đàn ông nổi tiếng đó.
Cuối cùng, tôi đã chiến thắng được mình và tôi vô cùng bất ngờ khi thấy anh ấy là người rất dễ tiếp cận, dễ gần, chẳng có gì là cao siêu hết. Khi vượt qua nhiều thử thách tâm lý như vậy, tôi nhận ra một điều: cản trở của mình là chính mình và phải vượt qua nó thì có thể đi trên mọi con đường.
* Chị nói rằng thành công và tiền bạc đã làm cho chị hư, vậy thì chắc phải có một điều gì đó, một sự kiện gì đó khá nghiêm trọng khiến chị thay đổi, khiến chị sực tỉnh và tìm lại chính mình, để cuối cùng chị hiểu ra được điều mà chị muốn và cần có nhất?
- Cuộc sống luôn có những điều khiến người ta thay đổi theo từng giai đoạn, chứ không chỉ có một hay hai sự kiện nào đơn giản như vậy. Nhất là với tôi, một người tham vọng, một người khó chấp nhận bất kỳ sự thất bại nào của mình. Một trong những sự kiện khó quên đó là ngày đám cưới của tôi vào năm 1996.
Khi đứng ở sảnh đón khách, tôi đã bất ngờ khi nhận thấy hơn một nửa số đồng nghiệp được mời không đến mừng ngày vui của mình. Cảm giác nhận ra người ta ghét mình thật là khủng khiếp. Khi đó, tôi buồn lắm. Thế nhưng người sếp đã đến và nói với tôi một câu có sức động viên lớn: “Cô hãy nghĩ rằng những ai đến đây hôm nay là những người quý cô. Hãy vui lên!”.
Sau lời động viên ấy, tôi đã rút ra bài học để có thể làm việc tốt hơn ở những vị trí công việc quan trọng sau này. Tôi đã học được cách đối nhân xử thế, cách tôn trọng cái gì và bỏ qua cái gì. Tất cả những điều đó chỉ có đời dạy mình, công việc dạy mình mà thôi.
Từ những “thất bại” trong giao tiếp với cộng sự, tôi đã suy nghĩ về cách nói chuyện, cách truyền đạt những thông tin cho người làm việc cùng với mình để không gây tổn thương và nếu có làm tổn thương thì phải biết xin lỗi, đền bù cho người ta. Những gì tôi học được đó quý giá hơn mọi cái gọi là thành công có thể tính, đếm được.
Với những kinh nghiệm đó, tôi bước vào công việc làm tiếp thị cho Bệnh viện FV, khi đó bệnh viện chưa có thương hiệu, chưa có uy tín. Với những bác sĩ (BS) ở bệnh viện, tôi là người trên trời rơi xuống. Tôi đã tìm hiểu và xây dựng thương hiệu cho bệnh viện dựa trên phương châm “Niềm tin vào y đức”.
Tôi đã vấp phải khá nhiều sự phản đối của các BS với các cam kết giữ y đức mà tôi soạn ra. Để thuyết phục được mọi người, tôi đã phải sử dụng cả tính cương quyết, mạnh mẽ, kỹ năng giao tiếp mềm mại, dễ thương, gần gũi của chính mình lẫn sự ủng hộ của ban giám đốc. Và tôi đã thành công.
* Không chỉ trải qua hết thăng trầm như trong công việc, dường như chị cũng đã từng chịu đựng những đau đớn không nhỏ khi vấp ngã trong tình yêu và trải qua một cuộc ly hôn mà chị bị tổn thương không ít. Chị đã hồi sinh trái tim mình như thế nào sau vấp ngã đầu tiên của tình cảm?
- Tôi vẫn còn nhớ trạng thái bế tắc, không lối thoát đó của mình khi ấy. Tôi đã thả mình khóc và hút thuốc suốt từ ngày này sang ngày khác một mình. Trước đó, tôi có thói quen không chia sẻ với bất kỳ ai những chuyện xấu, những thất bại của mình, vì đã quen với chuyện phải giữ hình ảnh của mình. Nhưng khi đã ở dưới đáy của nỗi đau đớn, tôi nhận ra rằng mình cần phải nói chuyện với một ai đó.
Tôi đi ra quán cà phê, tôi hẹn với bất kỳ ai rảnh. Khi không có bạn để hẹn, tôi trò chuyện, kể nỗi đau của mình cho một người tôi không quen biết. Và tôi thấy nhẹ nhà ng hơn khi cởi mở nỗi lòng. Những nỗi đau từ từ qua đi. Khi chia tay với chồng cũ, anh ấy có nói một câu, rằng tôi cần thay đổi, rằng tôi chỉ biết đến cảm giác của tôi mà không biết đến cảm giác của người khác. Đó cũng chính là điều tôi học được từ vấp ngã đầu tiên trong tình cảm.
Giờ đây, tôi đang hạnh phúc. Sau 10 năm yêu nhau, sau những đam mê, đắm đuối, cãi cọ, xung đột vì cá tính khác nhau, vì khác biệt văn hóa, khác biệt tư duy, tôi dần dần lắng lại, đằm xuống để cảm nhận dù có điều gì đi chăng nữa thì tình yêu vẫn ở đó. Tôi được yêu, được vỗ về, được là bản thân mình và được tự do trong tình yêu này.
Ngày hôm qua, sau một buổi đi tìm để chọn cho mình một chiếc áo cưới, buổi tối về nhà, sau khi tắm rửa, tôi thấy anh đang nằm đọc sách. Tôi vào nằm gối đầu lên ngực anh và anh ấy ôm lấy tôi. Anh ấy bảo: “Đấy, anh biết, chỉ có vậy thôi là em vui rồi”.
Tôi đã nhận ra hạnh phúc là sự bình an đó, khi được người đàn ông ôm vào lòng, nhìn và mỉm cười âu yếm. Người đàn bà nổi loạn, tham vọng, mạnh mẽ, cá tính… là tôi, giờ mới hiểu hết được sự bình dị của hạnh phúc khi cảm nhận rằng mình thuộc về anh ấy.
Hạnh phúc còn nằm trong những việc như trò chuyện, chia sẻ tâm sự với các con của anh, chuẩn bị cho chúng những bữa sáng trước khi đi học hay xem xét bài vở khi chúng về nhà. Tôi nhận ra là mình rất biết cách chăm sóc, lo toan cho người khác. Hạnh phúc là học những gì mình thích học từ trước kia như chơi đàn piano, là cùng với anh ấy và các con đi nghỉ sau những ngày làm việc và học tập…
Song Văn (thực hiện)