Nguyễn Thị Bình - sứ giả hòa bình

30/01/2023 - 06:16

PNO - Là một trong những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cô Nguyễn Thị Bình nổi bật với vai trò của một “sứ giả hòa bình”.

Giai đoạn quan trọng của cuộc đời cô Bình là 14 năm làm cán bộ ngoại giao (1962-1976). Trong đó, có 6 năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. 

Ở hội nghị 4 bên tại Paris - cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử, từ tháng 11/1968 đến tháng 1/1973 - cô là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào 32 văn bản của hiệp định. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện và đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, là sự công nhận chính thức của thế giới đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973

Cô kể rằng, lần họp báo đầu tiên đáng nhớ là khi mới đến Paris, có đến 400 nhà báo dự vì họ rất háo hức muốn gặp đoàn “Việt Cộng”. Rồi sau đó là các cuộc phỏng vấn, một ngày vài ba cuộc, với những đối đáp phải có lý lẽ sắc sảo, vững vàng. Khi tuyên bố vùng giải phóng của ta là 3/4 vào năm 1971, bà bộ trưởng đã cho rằng: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không, tại sao Mỹ lại phải ném bom”. 

Có lúc, truyền hình Pháp đề nghị họp báo, trực tiếp tranh luận bằng tiếng Pháp ở 2 đầu cầu Paris và Washington, bà bộ trưởng đã cố gắng hết sức để mở rộng ảnh hưởng, làm cho quốc tế hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta. Bà cũng không ngại gặp gỡ các trí thức tầm cỡ, các nhà văn, triết gia, luật sư, bác sĩ… 

Đấu tranh ngoại giao vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa rất khôn khéo, linh hoạt, từ giải pháp 10 điểm, rồi 8 điểm, 7 điểm, 2 điểm, bởi “chiến trường quyết định kết quả của bàn đàm phán”. Đến tháng 4/1975, đã có 65 nước công nhận ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc đời, cô Bình đã hoạt động ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có 9 năm ở miền Nam, phần lớn là hoạt động tại Sài Gòn, và đã có gần 3 năm bị tù đày, tra tấn. Nhiều năm làm công tác đối ngoại, cô đã đi khắp nơi, từ những vùng rét mướt Bắc Cực đến các đảo bé nhỏ giữa Thái Bình Dương, góp phần tạo nên sự kết nối, một phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng thấy ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Với tất cả sự khiêm tốn, cô luôn cho rằng, nhiệm vụ được giao luôn cao hơn sức mình.

Cô luôn tâm đắc về nguyên nhân làm nên thành công của sự kiện ngày 30/4/1975 là nhờ sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, nhờ tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhờ hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, nhờ sự đóng góp to lớn, quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. 

Nói không ngoa rằng, ngoại giao là nghệ thuật các khả năng. Những người làm ngoại giao tài ba đã đúc kết rằng, người làm ngoại giao phải có khả năng chọn phương án tối ưu, chọn hình thức phù hợp, chọn bước đi lô gích và chọn thời cơ đắc địa nhất. Họ luôn phải chuẩn bị chu đáo và luôn ý thức rằng, sự chuẩn bị chu đáo chiếm 90% trong thành công.

Với cái nhìn thời cuộc sắc sảo, cô Bình cho rằng, thời đại của chúng ta ngày nay chủ yếu là đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển kinh tế, chất lượng sống của người dân. Cuộc đấu tranh này không ác liệt như trước đây nhưng lại hết sức phức tạp, bạn thù không phân ranh giới, đối phương, đối tác đan xen.

Từ một người phụ nữ lúc nhỏ chú ý may vá, nấu nướng, muốn trở thành người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh”, thời cuộc đã tạo nên một chính khách bản lĩnh, giỏi giang, một nhà ngoại giao đẹp và đầy sức thuyết phục. 

Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI